Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 22/5/2024 11:56'(GMT+7)

Cần có chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân khi triển khai các dự án giao thông

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo Quy hoạch, mạng lưới đường cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 2.001 km đường cao tốc, đang xây dựng 1.681 km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805 km; trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025.

Đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc triển khai đầu tư Dự án phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch khác có liên quan, kế hoạch và chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương.

Hình thành tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản... từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị đã thông qua.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). (Ảnh: TTXVN)

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 140 km, tuy nhiên Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8 km. Do đó, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn việc đề xuất đầu tư thay đổi điểm đầu, điểm cuối, giảm chiều dài của Dự án so với quy hoạch.

Về quy mô đầu tư, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với quy mô đầu tư của Dự án, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng đầu tư đoạn kết nối 2 km của Dự án theo quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn TCVN 5729:2012, để bảo đảm kết nối đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đang triển khai đầu tư.

Về sơ bộ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án. Bên cạnh đó, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, vì vậy đề nghị cần quan tâm, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.

Thực tế triển khai các dự án vừa qua cho thấy, một số dự án được phân chia thành các dự án thành phần do các địa phương làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập gặp khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần có cơ chế giao cho các cơ quan đầu mối của các dự án rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tăng hoặc giảm tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần của dự án đó, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được Quốc hội quyết định. Ngoài ra, cần làm rõ năng lực quản lý Dự án của các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất