Chiều 21/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về các dự thảo Nghị định để bảo đảm cho việc thi hành sau khi Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Cơ quan soạn thảo tập trung làm rõ những nội dung, chính sách mới; báo cáo đầy đủ cách thức tiếp thu, giải trình từng vấn đề còn ý kiến khác nhau. Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc, tiếp thu đầy đủ ý kiến của địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm khi nghị định ban hành sẽ thực hiện thuận lợi, thông suốt.
Bộ Xây dựng làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… để thống nhất phương án xử lý những vấn đề còn ý kiến khác nhau, bảo đảm kết nối, đồng bộ với pháp luật liên quan.
Theo báo cáo tại cuộc họp, đến nay, Bộ Xây dựng đã biên soạn dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở (12 chương, 95 điều); dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về: Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đã biên soạn dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Việc xây dựng ban hành các Nghị định nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được quy định trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Đồng thời, Nghị định này thay thế cho các nghị định hiện hành nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định đảm bảo quy định đúng nội dung được giao tại Luật Nhà ở 2023; Luật Kinh doanh bất động sản 2023; đồng bộ, thống nhất với các văn các quy định pháp luật liên quan (như pháp luật về: Đất đai, đầu tư, quản lý sử dụng tài sản công, kinh doanh bất động sản, xây dựng...); đảm bảo việc phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, chính quyền địa phương trong lĩnh vực phát triển và quản lý nhà ở.
Nhiều nội dung, chính sách hiện hành và mới về nhà ở đã được thể chế hóa cụ thể, chi tiết, đầy đủ hơn trong dự thảo các Nghị định liên quan đến sở hữu nhà ở của người nước ngoài; trình tự, thủ tục xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở; phát triển, quản lý nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở nhiều tầng và căn hộ; phương thức huy động vốn phát triển nhà ở. Quy định chuyển đổi công năng nhà ở; hoạt động quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công; phân hạng, quản lý sử dụng nhà chung cư…
Tại cuộc họp, một số ý kiến đã thảo luận, làm rõ quy định về việc sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân người nước ngoài và yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh; căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch nhà ở cấp tỉnh; tính đồng bộ, tương thích của các quy định về chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng nhà ở với pháp luật đất đai, đầu tư; đơn giản hóa thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở công vụ.
Một số ý kiến thảo luận về cách thức thuê, thuê mua, mua nhà ở thương mại, bố trí nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; trình tự, thủ tục xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ thực hiện như dự án nhà ở thương mại; sự cần thiết của quy định phân hạng nhà chung cư cũng như yêu cầu bổ sung các tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường. Mối quan hệ giữa chủ đầu tư, người dân chia sẻ trách nhiệm và các điều kiện bảo đảm vận hành, quản lý chung cư…
Theo TTXVN