Rotavirus
là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy
nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota có 4 tuýp: A, B, C, D
trong đó tuýp A là tuýp hay gặp nhất. Virus này lây truyền qua đường
miệng – hậu môn, khi vào đường tiêu hóa nó phá hủy tế bào thành ruột non
và gây bệnh viêm dạ dày ruột. Khi trẻ mắc virus này sẽ có triệu chứng
sốt nhẹ, nôn mửa, tiêu chảy ra nhiều nước. Trẻ thường ủ bệnh trước hai
ngày, sau đó bắt đầu với biểu hiện nôn mửa và tiêu chảy trong khoảng 4-8
ngày. Mất nước, mất điện giải là nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ
nếu không điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, gần một nửa số bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy là do
rotavirus và cứ mỗi ngày qua đi có từ 2 tới 3 trẻ em mất vì căn bệnh
này. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, rửa tay và vệ sinh sạch sẽ là những
biện pháp phòng ngừa quan trọng, thế nhưng tại các quốc gia phát triển,
nơi có mức độ vệ sinh cao, đây vẫn là một căn bệnh phổ biến.
Do đó, sự ra đời của vaccine rotavirus là một biện pháp hiệu quả để
phòng tránh viêm dạ dày ruột do rotavirus. Miễn dịch do mắc phải hay do
uống vaccine rotavirus sẽ giúp cơ thể tạo miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên,
vẫn có tỷ lệ trẻ mắc bệnh sau khi có miễn dịch xong ở mức độ ít trầm
trọng hơn.
PGS.TS Đặng Đức Anh cho biết, tiêm vaccine là một trong những giải
pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất hiện nay. Một nghiên cứu mới đây tại
Bangladesh cho thấy việc tiêm chủng rotavirus thường xuyên tại quốc gia
này giúp giải phóng hơn 600 giường bệnh mỗi năm, do đó cho phép các bệnh
viện tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác.
Mặc dù đã có 90 quốc gia trên thế giới đưa vaccine rotavirus vào
chương trình tiêm chủng thường xuyên nhưng hiện nay trên thế giới chưa
tới một nửa trẻ em được tiếp cận với loại vaccine này. Hầu hết trẻ em
tại Việt Nam không được tiêm chủng loại vaccine quan trọng này do nó
chưa được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên thực
tế, rất ít các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á sử dụng vaccine rotavirus.
“Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia đi đầu trong việc đưa vaccine
rotavirus vào chương trình tiêm chủng thường xuyên của mình nhằm bảo vệ
trẻ em của chúng ta, đồng thời làm gương cho các nước khác noi theo”,
PGS.TS Đặng Đức Anh nói.
Ông nhấn mạnh thêm, Việt Nam là một quốc gia dẫn đầu trong việc thiết
lập được một hệ thống y tế dự phòng vững mạnh với tỷ lệ tiêm chủng gần
như tuyệt đối. Và ông tin tưởng vào một tương lai trong đó trẻ em không
phải nhập viện vì bệnh tiêu chảy do rotavirus gây ra. Việc sử dụng
vaccine rotavirus và các loại vaccine mới khác cho người Việt Nam đóng
vai trò cốt yếu để biến điều này thành hiện thực.
Đến nay, với 96% trẻ em được tiêm chủng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho
gà (DTP), tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam tương đương, thậm chí vượt qua
cả một số quốc gia phương Tây. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia
tiên phong sử dụng công nghệ để cải thiện cả năng tiếp cận vaccine và
giảm tình trạng khan hiếm vaccine.
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia cung cấp 12 loại vaccine
miễn phí cho tất cả các trẻ em trên toàn quốc. Đây là một trong những nỗ
lực của Chính phủ nhằm giảm tỷ lệ tỷ vong và mắc bệnh các loại bệnh có
thể phòng tránh được. Các loại vaccine này đã bảo vệ hơn sáu triệu trẻ
em và ngăn chặn hơn 40 nghìn ca tử vong ở trẻ em trong vòng hai thập kỷ
rưỡi vừa qua.