Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành cả ngày 27/10 để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu đã đưa ra đánh giá về quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua; quá trình Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cũng như kiến nghị, đề xuất một số nội dung trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
Đánh giá về quá trình Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nhận định, trong năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Những khó khăn này đã được Chính phủ dự báo trước và đến nay vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng. 2022 cũng là năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội được Quốc hội thông qua với Nghị quyết 30 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, với sự nỗ lực và tinh thần quyết liệt chỉ đạo, Chính phủ đã tập trung điều hành, thực hiện được nhiều chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhiều chỉ tiêu dự kiến vượt và tăng hơn so với năm 2021 và so với những năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách từ năm 2017-2020.
Chính phủ đã có sự chỉ đạo sâu sát trong điều hành toàn diện, trực tiếp, bám nắm những hạn chế, tồn tại để có giải pháp khắc phục. Từ những ý kiến của đại biểu Quốc hội trong các diễn đàn, Chính phủ đã tiếp thu, từ đó có chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành trong quá trình tham mưu cho Chính phủ đối với từng lĩnh vực, trách nhiệm của mình.
“Quốc hội đã hết sức đồng hành với Chính phủ. Trong từng nghị quyết được ban hành, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo cùng quyết tâm chính trị để từ đó điều hành, ủng hộ Chính phủ trong quá trình thực hiện, hoàn thiện các khung pháp lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cơ bản để Chính phủ điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội một cách thuận lợi”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhận xét.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nhận xét, với quyết tâm lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội cùng sự đồng lòng, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn của toàn bộ hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được những kết quả nổi bật. Trong bối cảnh nhiều nước duy trì đà tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng dương.
Nhận định kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 báo hiệu tín hiệu khá khả quan, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, cần nhìn nhận, lường trước những khó khăn trong thời gian tới, cũng là những khó khăn chung của thế giới.
Đại biểu nêu ý kiến, Chính phủ chung tay cùng Quốc hội trong bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thời gian tới bằng việc tạo cơ chế ưu đãi liên quan đến chính sách, lãi suất, các điều kiện, thủ tục cho vay vốn. “Thời gian tới chúng ta phải tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn để dự báo sự phát triển trong giai đoạn tới, từ đó hình thành hệ thống chính sách lớn. Tôi nghĩ rằng phải có sự thay đổi quyết liệt mới có thể giữ được nhịp độ phát triển”, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ.
|
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
|
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Chính phủ đang phải điều hành trong bối cảnh kinh tế thế giới vô cùng phức tạp với nhiều yếu tố bất định, chưa có tiền lệ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, công tác điều hành quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay là một thách thức, đòi hỏi sự bình tĩnh, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Nhận định trong năm 2023 còn nhiều khó khăn, cần hết sức bình tĩnh để đưa ra những giải pháp phù hợp, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, hiện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần tăng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đó chú trọng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai, hiện mới giải ngân được trên 13 tỷ đồng).
Đại biểu đề xuất, chuyển nguồn kinh phí này sang hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp. “Có như vậy chúng ta sẽ tạo thêm được thanh khoản cho doanh nghiệp, tạo thêm động lực và thể hiện rõ việc Chính phủ sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới hiện nay có những biến động giá”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhận định, trong năm 2023, ưu tiên hàng đầu không phải là tăng trưởng mà phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô. “Chúng ta phải thực hiện chính sách tiền tệ một cách thận trọng, linh hoạt chứ không phải thắt chặt chính sách tài khóa. Mở rộng chính sách tiền tệ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở tăng chi đầu tư phát triển nhưng giảm chi thường xuyên, tiết kiệm các khoản cho lễ hội, liên hoan, tổng kết, cần tăng chi đầu tư phát triển”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
|
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đánh giá về các giải pháp của Chính phủ trong phục hồi phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay là giải pháp căn cơ nhất; giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đại biểu cũng đề nghị Nhà nước tiếp tục tăng cường hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính cùng nhiều thủ tục khác; từ đó, doanh nghiệp có thể thuận lợi mở rộng sản xuất kinh doanh, gia nhập thị trường, đặc biệt là thị trường Việt Nam đang có lợi thế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
TTXVN