(TG) - Sáng ngày 9/2, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể là thành viên của Uỷ ban ATGT Quốc gia và 63 điểm cầu tại các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong năm 2022 bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; Chưa có cơ chế hữu hiệu để nhanh chóng xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT phát sinh mới.
Đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2022 cho thấy, tai nạn giao thông TNGT trên toàn quốc giảm rất sâu cả 3 tiêu chí, cụ thể: giảm 6.216 vụ, giảm 1.246 người chết, giảm 5.841 người bị thương so với cùng kỳ.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Bên cạnh đó, số vụ ùn tắc giao thông trên toàn quốc được kéo giảm; tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý và có chuyển biến rất tích cực.
Để đạt được những kết quả khả quan, năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục thường xuyên được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm; công tác tuyên truyền về bảo đảm TTATGT được tập trung dưới nhiều hình thức (trực tiếp kết hợp trực tuyến), trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng kỹ thuật số.
Công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT được triển khai quyết liệt. Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 2.865.684 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 4.100 tỷ đồng, tước 388.141 GPLX các loại.
Công tác đầu tư, xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; công tác quản lý vận tải, đăng ký, đăng kiểm phương tiện và công tác đào tạo, cấp GPLX; cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái; công tác kiểm soát tải trọng phương tiện... được quan tâm, chú trọng.
Đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia phát biểu.
Về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, trọng tâm là xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Siết chặt quy định về quản lý hoạt động của các cơ sở đăng kiểm phương tiện, thiết bị nói chung, nhất là phương tiện cơ giới đường bộ;
Lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị các chủ đầu tư dự án công trình giao thông cần chủ động thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới phục vụ thi công tại dự án, không để tình trạng làm mới tuyến đường này lại gây hư hỏng và mất ATGT cho các tuyến đường khác; khẩn trương đầu tư và kịp thời đưa vào khai thác các trạm dừng nghỉ dọc theo các tuyến đường bộ cao tốc.
Nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTVT, Bộ trưởng đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ động có phương án về tổ chức, nhân sự; Làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để sớm phục hồi hoạt động cho các Trạm Đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, đáp ứng nhu cầu kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện của nhân dân.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm khác, trong đó có đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT; Khẩn trương nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera trên xe kinh doanh vận tải, đảm bảo kết nối, chia sẻ giữa Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố cũng như với lực lượng CSGT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT đối với kinh doanh vận tải.
|
Hội nghị có sự tham gia của 63 điểm cầu tại các địa phương.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã tham gia ý kiến thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới.
Theo đó, Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm. Tiếp tục chú trọng xây dựng văn hoá giao thông; nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia đề nghị, thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia và ban ATGT các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật về an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu thực tiễn; quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường trọng điểm; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông; tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tăng cường thanh tra, kiểm soát công tác quản lý vận tải, đăng ký, đăng kiểm phương tiện và công tác đào tạo, cấp GPLX; xây dựng văn hóa giao thông; đổi mới, linh hoạt các hình thức, nội dung trong tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cũng như các quy định, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm./.
Duy Hưng