Tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nôi; đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Tham dự Hội thảo còn có 250 đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp…
Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề lớn, một là: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hai là: Thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch các ngành và quận, huyện Thành phố Hà Nội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Quảng cảnh Hội thảo.
Yếu tố văn hóa cần được quan tâm hàng đầu khi xét đến các yếu tổ phát triển Thủ đô
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nôi cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô; của việc cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và của Thành phố về công tác lập Quy hoạch Thủ đô; sự tham gia thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị Thành phố.
Đồng thời, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Hội thảo cũng góp phần tuyên truyền tạo sự thống nhất giúp các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn Thủ đô hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; huy động sự tham gia góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu vào công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nôi nhấn mạnh: “Để phục vụ tốt hơn cho quá trình lập Quy hoạch Thủ đô mà Thành phố Hà Nội đang nỗ lực và quyết tâm thực hiện, đặc biệt là hoàn thiện Báo cáo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Khái quát về tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô. PGS.TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển-Bộ kế hoạch và Đầu tư đã đã khái quát lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô Hà Nội; vai trò của Thủ đô qua các văn kiện của Đảng; và đặc biệt là 4 ý tưởng về tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô cần quan tâm trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô. Đây là những ý tưởng quan trọng để nghiên cứu, lập Quy hoạch Thủ đô. PGS.TS. Bùi Tất Thắng đã đưa ra quan điểm xác định địa thế Thủ đô, lưng tựa núi Ba Vì, mặt hướng sông Hồng, đây cũng là quan điểm của nhiều nhà khoa học văn hóa – lịch sử- kiến trúc của Hà Nội. PGS.TS. Bùi Tất Thắng cũng gợi ý Hà Nội phát triển hướng biển, điều cần thiết để Thủ đô có thể nâng cao vị thế của mình.
|
Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị.
Về trục phát triển, PGS.TS. Bùi Tất Thắng nhấn mạnh trục sông Hồng và mở rộng các nhánh của sông; yếu tố văn hóa cần được quan tâm hàng đầu khi xét đến các yếu tổ phát triển Thủ đô. Và cuối cùng và vấn đền tiếp cận Quy hoạch theo vị thể Vùng Thủ đô, chứ không đơn giản là 1 Tỉnh. Những gợi ý này của PGS.TS. Bùi Tất Thắng cũng là những vấn đề Hà Nội đang rất quan tâm và mong có được các ý kiến bàn luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong phần thảo luận.
Tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch Thủ đô ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới
Phát biểu kết luận và bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: Các Nghị quyết số 15, 30, 06 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều khẳng định, đến năm 2030 xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực, đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
|
PGS.TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển-Bộ kế hoạch và Đầu tư tham luận tại Hội thảo.
Theo đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, thành phố Hà Nội đã ban hành các Chương trình, Kế hoạch để triển khai, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và đạt được một số kết quả cụ thể. Đặc biệt là việc triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã và đang cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền và Nhân dân Thủ đô; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt trong năm 2023, Thành phố đang triển khai đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng đó là: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng thể chế, chính sách phát triển, định vị các không gian phát triển, huy động các giá trị và nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Qua Hội thảo ngày hôm nay, Hà Nội lĩnh hội và tiếp thu một cách nghiêm túc các giải pháp, kiến nghị của các nhà khoa học, các quý vị đại biểu để bổ sung và cụ thể hoá vào các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là đối với việc hoàn thiện Báo cáo tổng hợp quy hoạch Thủ đô đang trong giai đoạn nước rút, cần lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, các cấp, bộ, ngành và quần chúng nhân dân để hoàn thiện sản phẩm Quy hoạch tích hợp đầu tiên của Thủ đô đảm bảo tiến độ, chất lượng.
|
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo.
Qua đó, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân đang sinh sống và công tác tại Thủ đô, phát huy được hết tiềm năng, lợi thế so sánh của Hà Nội trong phát triển phù hợp với xu hướng thời đại, đồng thời mang lại những giá trị sống tốt đẹp cho người dân... từng bước hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 22/02/2022 của Bộ Chính trị đã xác định đối với Thủ đô Hà Nội “Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực”.
Từ nay đến cuối năm 2023, khối lượng công việc triển khai lấy ý kiến các cấp và hoàn thiện Báo cáo Quy hoạch Thủ đô rất lớn và phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa của cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô; các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và Liên danh Tư vấn để có kết quả, sản phẩm chất lượng, đúng tiến độ đề ra.
Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Hội thảo đã nhận được hơn 60 bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành Hà Nội. Các bài viết chất lượng, tâm huyết, đóng góp có giá trị cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Ban Tổ chức lựa chọn một số tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo.
Đây là các tham luận tiêu biểu, tập trung vào các nội dung trọng yếu như: Lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô; Một số nội dung chủ yếu về Quy hoạch Thủ đô; Thể chế để phát triển Thủ đô theo hướng thông minh và bản sắc, tầm nhìn đến năm 2050; Cơ chế, chính sách “vượt trội”, đặc thù bảo đảm lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh cho phát triển Thủ đô; Cách tiếp cận đa chiều đối với lập Quy hoạch Thủ đô; Quản lý Quy hoạch để phát triển không gian Thủ đô; Phát huy vai trò của các nguồn vốn tài chính, đất đai trong xây dựng và phát triển Thủ đô;…
Bên cạnh đó còn có các ý kiến trao đổi, góp ý, đề xuất ý tưởng của các nhà khoa học được mời tham dự hội thảo. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo, ban tổ chức sẽ hoàn thiện nội dung, đây sẽ là tài liệu quan trọng đối với công tác lập Quy hoạch Thủ đô mà Thành phố đang triển khai thực hiện, cũng như việc xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.
Với trí tuệ và tâm huyết, với sự đa dạng từ góc nhìn của nhà quản lý, nhà khoa học, Hội thảo thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu để cụ thể hóa vào việc xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Tin, ảnh DUY PHONG