Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 14/3/2018 10:57'(GMT+7)

Cần một cuộc 'cách mạng' cho giáo dục nghề nghiệp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - Ảnh: Việt Dũng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - Ảnh: Việt Dũng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định:

- Trong các lĩnh vực hoạt động của bộ nói chung và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, trong đó có Báo Tuổi Trẻ - tờ báo có số lượng độc giả đông đảo trong cả nước.

Tôi đánh giá cao sự hợp tác của Tổng cục Dạy nghề với Báo Tuổi Trẻ trong thời gian qua, đặc biệt là sự hợp tác trong việc xây dựng và vận hành Trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

* Ông có gửi gắm và kỳ vọng ra sao với trang thông tin tuyển sinh dành riêng cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp- một sản phẩm hợp tác chính thống của Tổng cục Dạy nghề và Báo Tuổi Trẻ?

- Chỉ trong thời gian ngắn (chưa đầy hai tháng), Tổng cục Dạy nghề và Báo Tuổi Trẻ đã thực hiện được một khối lượng công việc lớn là hoàn thành trang thông tin tuyển sinh, với cơ sở dữ liệu tương đối hoàn chỉnh, nội dung phong phú, đa dạng, hình thức thể hiện đẹp mắt và ấn tượng.

Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, nhằm giúp học sinh định hướng, lựa chọn được ngành nghề theo học trước mùa tuyển sinh. Đây là cách kết nối các em học sinh với cơ sở đào tạo nhanh nhất thông qua tra cứu dữ liệu điện tử của các trường.

Các em dễ dàng tìm kiếm thông tin tuyển sinh và liên hệ trực tiếp với nhà trường về các ngành, nghề học, hình thức tuyển sinh… để xem xét, lựa chọn và dự tuyển vào các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống GDNN.

* Nhiều chuyên gia cho rằng giáo dục nghề nghiệp cần một cuộc “lột xác” để nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước thời kỳ hội nhập. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đối với toàn bộ hệ thống các trường cao đẳng và trung cấp, Bộ LĐ- TB&XH đã có những giải pháp gì để hỗ trợ các trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo?

- Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam - một trong 3 khâu đột phá chiến lược đã nêu tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Hằng năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh số lượng khá lớn học sinh vào học nghề. Thực tế, chất lượng giáo dục nghề nghiệp đang dần được nâng lên.

Tuy nhiên, đứng trước thời cơ và thách thức mới - đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng 4.0- đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải tiến hành một cuộc “cách mạng”, phải thực sự đổi mới và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu  của thị trường lao động và hội nhập.

Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã khẩn trương xây dựng và hoàn thiện đề án "Đổi mới nâng cao chất lượng GDNN" trình Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu quan trọng là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho nền kinh tế - trong đó có bộ phận nhân lực chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.

Chính nguồn nhân lực chất lượng tốt sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Để đạt mục tiêu này, bộ phải triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp như: đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp và giới thiệu việc làm…

Trong đó, ba nhóm giải pháp đột phá chính là giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo lộ trình phù hợp, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Được nhìn nhận tích cực hơn, sẽ thu hút người học hơn

“Tôi tin rằng trang thông tin không chỉ hỗ trợ tích cực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh, mà còn là nơi truyền tải chính thống những chủ trương chung về phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Đây cũng là nơi chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về hướng nghiệp, giúp cho học sinh định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.

Khi thông tin được cập nhật đầy đủ, toàn diện sẽ góp phần quan trọng để thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp.

Khi phụ huynh, học sinh và toàn xã hội xã hội có nhận thức tích cực hơn về giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo cơ sở vững chắc để thu hút người học vào học các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Mong rằng Tổng cục Dạy nghề, Báo Tuổi Trẻ và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường sự hợp tác, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả của trang thông tin”.

Bộ trưởng ĐÀO NGỌC DUNG


ĐỨC BÌNH - NGỌC HÀ -tuoitre.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất