Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 9/10/2023 14:19'(GMT+7)

Cần những chính sách linh hoạt để trọng dụng nguồn nhân lực trí thức

Toàn cảnh bế mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Toàn cảnh bế mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Diễn ra từ ngày 2 - 8/10 tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận trong nước và quốc tế. Tại hội nghị, nhiều vấn đề hệ trọng của Đảng, đất nước đã được đem ra bàn thảo, kết luận, trong đó có sự thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới...

Đãi ngộ xứng đáng trí thức có tài năng, cống hiến quan trọng

Đông đảo cán bộ, đảng viên, trí thức và các tầng lớp nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm đến đề nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc ban hành Nghị quyết mới phải tập trung “phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức”. Bởi lẽ, việc này sẽ góp phần quan trọng giúp đội ngũ trí thức có môi trường và điều kiện thuận lợi để lao động sáng tạo, phát huy hết sức tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân..

Bày tỏ sự đồng tình, Tiến sỹ Trần Khánh Dung, giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) cho biết, thực tế hiện nay là bên cạnh những kết quả tích cực, việc xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà vẫn còn một số “điểm nghẽn” như: Thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành.

Sự dân chủ, tôn trọng và phát huy tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo đối với đội ngũ trí thức cũng còn nhiều hạn chế. Những rào cản này là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến thời gian qua, đội ngũ trí thức nước nhà chưa có nhiều các công trình sáng tạo lớn cũng như hiện tượng "chảy máu chất xám" trong các lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu, sáng tạo.

“Thực tế là quốc gia nào có đội ngũ trí thức đông và mạnh thì thường là những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ. Và cũng vì vậy, các quốc gia đều có chính sách phát triển đội ngũ trí thức, đồng thời có những chính sách ưu đãi để thu hút đội ngũ trí thức nói riêng, nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung đến làm việc. Mong là sau chủ trương đúng thì chúng ta sẽ có những cơ chế, hành lang pháp lý đầy đủ nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, từ đó triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống”, Tiến sỹ Trần Khánh Dung nói.

Ủng hộ chủ trương mà Đảng ta nêu ra tại Hội nghị Trung ương 8, Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền, giảng viên Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng (Hà Nội) cho rằng: “Cần có những chính sách đặc thù để đãi ngộ xứng đáng trí thức có tài năng, cống hiến quan trọng”.

Đề cập đến sự thống nhất cao trong Đảng đối với ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, theo ý kiến của bà Phạm Ngọc Huyền: Trong thực tế đào tạo, phát triển, thu hút đội ngũ trí thức, tạo điều kiện cho trí thức cống hiến cũng cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu cụ thể. Mỗi địa phương, cơ quan cần có những chiến lược và chính sách linh hoạt để trọng dụng nguồn nhân lực trí thức một cách phù hợp. Không nên áp dụng rập khuôn, máy móc, hưởng ứng theo phong trào, không thiết thực, gây lãng phí ngân sách cũng như nguồn “chất xám” của đất nước.

Đối với đội ngũ trí thức cần có giải pháp cải thiện điều kiện sống như có chính sách tăng lương, giảm bớt các thủ tục hành chính trong công tác tài chính thông qua nâng định mức chi tiêu các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, khoán đến sản phẩm cuối cùng...

“Đặc biệt, cần khuyến khích việc huy động nguồn lực và tăng thêm nguồn lực tài chính đầu tư để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trí thức”, Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền bộc bạch.

Tri thức hóa đội ngũ nông dân

Bày tỏ quan tâm đến Hội nghị Trung ương 8, ông Đới Trinh Tuấn (nông dân, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, rất tâm đắc với sự thống nhất cao phải ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà cũng như ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về “công nhân trí thức, nông dân thông minh”. Lực lượng này sẽ tiên phong, mở đường trong chuyển đổi lớn của nền kinh tế và dẫn dắt trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật.

Theo ý kiến của ông Đới Trinh Tuấn, nghề nông bao đời nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác. Kinh nghiệm là vốn quý được tích lũy trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Càng có nhiều kinh nghiệm càng hạn chế rủi ro, càng tạo ra sản lượng nhiều hơn, năng suất cao hơn. Thế nhưng giàu kinh nghiệm như vậy vì sao năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp lại thấp hơn nhiều so với các đất nước khác?

Theo ông Đới Trinh Tuấn, trong xu thế hội nhập, hợp tác xuyên biên giới hiện nay, đã qua rồi tư duy tự bao đời nay là người nông dân phải gắn với hình ảnh “tay lấm chân bùn”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, nghĩa là chỉ gắn với lao động thể chất, “cần cù bù thông minh”.

Với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự ra đời của trí tuệ nhân tạo đã khiến tốc độ sản phẩm sáng tạo, sáng chế thay đổi ngày một nhanh hơn, liên tục hơn. Cái mới ra đời chưa kịp định hình thì đã có cái mới hơn xuất hiện. Những phát kiến có thể biến điều không thể thành điều có thể. Nền kinh tế tri thức dẫn đến dòng chảy những thiết bị “thông minh” tích hợp đa tính năng, len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Giờ đây, người nông dân muốn gắn bó với nông nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất cha ông thì phải có tri thức, phải am hiểu công nghệ, khoa học, phải nắm vững pháp luật để biết thứ chúng ta đang sản xuất thuộc công nghệ nào, sở hữu trí tuệ ra sao, phù hợp với môi trường chúng ta đang sống hay không. Người nông dân cũng phải có kiến thức cơ bản về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam. Bởi mỗi biến động ở những vấn đề trên đều có tác động đến sản xuất và thương mại nông sản, liên quan đến quyết định sản xuất, kinh doanh của họ. Để am hiểu những vấn đề này thì đòi hỏi người nông dân phải nâng cao trình độ mọi mặt và đó cũng là con đường “tri thức hóa nông dân” và “người nông dân hiện đại không chỉ giàu về túi tiền mà còn phải giàu tri thức.

Theo ông Đới Trinh Tuấn, từ nhiều năm nay, xã Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm là vựa hoa lớn của thành phố. Nhiều loại hoa mới du nhập vào nước ta, có mầu sắc đẹp, giá trị kinh tế cao như hoa ly, đồng tiền, cúc, hoa hồng... đã được người nông dân Tây Tựu canh tác thành công, trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương. Nghề trồng hoa cũng đang là nguồn sinh kế của khoảng 80% số hộ dân trên địa bàn Tây Tựu. Với giá trị sản xuất đạt trung bình khoảng hơn 300 triệu đồng/sào/năm, cây hoa đang mang lại nguồn thu rất quan trọng, góp phần cải thiện đời sống cho một phần lớn người dân địa phương.

Tuy nhiên hiện nay, nghề trồng hoa ở Tây Tựu đang đứng trước nhiều thách thức. Bên cạnh diện tích đất canh tác sụt giảm qua từng năm, người trồng hoa còn thường xuyên đối mặt với nỗi lo thời tiết. Mặt khác, để phù hợp với hướng phát triển đô thị, đòi hỏi người nông dân trồng hoa ở Tây Tựu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có chất lượng cao phục vụ thị trường Hà Nội và từng bước xuất khẩu. Đó cũng là sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp sạch, tăng thu nhập cho người dân và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Để thực hiện điều này rất cần các chính sách, chủ trương của chính quyền giúp đỡ nông dân Tây Tựu trong đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ, tạo điều kiện để nhân dân làm nhà lưới trồng các loại hoa mới, cao cấp; tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng..., ông Đới Trinh Tuấn nêu ý kiến.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất