Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 10/2/2013 22:37'(GMT+7)

Cần phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.

- Thưa Bộ trưởng, năm 2013, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung , Bộ Tài chính sẽ đưa ra n hững chính sách thuế như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Qua theo dõi diễn biến, tình hình kinh tế-xã hội trong những năm qua và nhận định trong năm 2013 nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ về thuế để áp dụng ngay từ đầu năm 2013. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa; doanh nghiệp sử dụng trên 300 lao động thuộc lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bất động sản và vật liệu xây dựng.

Cụ thể như gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế phải nộp quý I, gia hạn 3 tháng thời hạn nộp thuế đối với số thuế phải nộp của quý 2 và quý 3/2013; gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng các tháng 1, 2 và 3 của năm 2013 cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực như nêu trên; doanh nghiệp đầu tư-kinh doanh nhà ở và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng: sắt, thép, ximăng, gạch, ngói.

Bên cạnh các giải pháp về thuế, các giải pháp về tài chính khác cũng được đề xuất để có tác động cộng hưởng, phát huy hiệu quả của từng chính sách và hiệu quả tổng thể của cả nhóm giải pháp, đó là đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả hoạt động đầu tư công, công tác sử dụng nguồn vốn ODA; tăng cường thu hút đầu tư FDI; tập trung phát triển thị trường trái phiếu trong nước; tái cơ cấu thị trường chứng khoán; đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý chặt chẽ thị trường giá cả.

Trong quá trình thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo quyết định của Chính phủ và Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thực tế và kịp thời đánh giá tác động, hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ nêu trên để đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội những giải pháp thích hợp.

- Năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và cũng là năm quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Vậy Bộ Tài chính sẽ có những định hướng như thế nào để trong năm nay quá trình này sẽ đạt được kết quả tốt nhất, thưa Bộ trưởng.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Để triển khai quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012. Đề án đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, mà nhiệm vụ đầu tiên là phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có theo 3 nhóm. Đó là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và nhóm các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục. Với mỗi nhóm doanh nghiệp, đề án cũng đưa ra quyết sách cụ thể.

Theo Đề án, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính và hoàn thành trước 31/12/2015. Bộ Tài chính đã có công văn số 10800/BTC-TCDN ngày 10/8/2012 hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến thời điểm 30/11/2012, đối với các doanh nghiệp Trung ương, có 52 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước xây dựng đề án trình Bộ chủ quản, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt, trong đó, 24/52 Tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt Đề án tái cấu trúc. Đối với các doanh nghiệp địa phương, có 23 đơn vị đã xây dựng đề án trình cơ quan chủ quản; trong đó, có 21 tổng công ty, Công ty được phê duyệt Đề án tái cấu trúc.

Có thể nói, các thách thức của việc đẩy mạnh cải cách, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là rất gay gắt trong bối cảnh nước ta đang mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt việc đổi mới, cơ cấu lại để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đang có tại khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ tạo điều kiện nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao mức tăng trưởng GDP của nước ta.

Hoạt động tái cấu trúc không chỉ cần thiết đối với bản thân khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà lớn hơn thế, công tác này còn trực tiếp phục vụ và hỗ trợ cho nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước là một quá trình dài và là một chính sách mở, do đó, việc thực hiện đề án không thể chủ quan nóng vội nhưng cũng không được phép chậm chạp; đồng thời cũng không nên hiểu chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước một cách cứng nhắc như là một sự duy trì tỷ lệ lớn vốn nhà nước mà phải thực hiện công việc này một cách linh hoạt, tăng cường việc tổng kết, rút kinh nghiệm song song với việc mạnh dạn tìm tòi, áp dụng, thực hiện những biện pháp, giải pháp mới đã được nghiên cứu kỹ để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.

Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước là một trong những mục tiêu, chiến lược quan trọng, được soi sáng bằng kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 vừa được Quốc hội thông qua. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương; đặc biệt là huy động sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân trong hoạt động giám sát và phản biện, tôi tin tưởng rằng nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ đạt kết quả như mong đợi, đóng góp vào thành công của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

- Đối với một nền kinh tế đang phát triển như nước ta, việc huy động nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế-xã hội vô cùng quan trọng. Điều này đòi hỏi sự tính toán khoa học cũng như sự điều hành tinh tế và linh hoạt của ngành Tài chính để vừa giảm tỷ lệ động viên ngân sách nhà nước của doanh nghiệp và người dân, nhưng đồng thời lại vừa phải duy trì ổn định mức thu ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết, những định hướng lớn để đạt được “mục tiêu kép” này?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Nước ta là một nước đang phát triển, nhu cầu thu hút vốn đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển và đổi mới năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh là rất lớn. Đồng thời, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chúng ta cũng phải chăm lo, chú ý hơn tới các vấn đề xã hội như giáo dục, y tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Bài toán phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, giữa tích luỹ và tiêu dùng, giữa vùng trọng điểm kinh tế và các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... đã, đang và sẽ là bài toán khó khăn, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh linh hoạt trong từng thời kỳ.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường nguồn lực cho cải cách tiền lương và đảm bảo an sinh xã hội, chúng ta vẫn phải tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước trên cơ sở giảm dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách, tăng chi cho con người. Tuy nhiên, để đảm bảo mức đầu tư hợp lý cho nền kinh tế, chúng ta phải huy động mạnh mẽ hơn các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài. Để thực hiện định hướng này, chính sách thuế, phí sẽ được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi theo hướng giảm dần mức động viên từ doanh nghiệp và người dân.

Do vậy, ngay trong năm 2013, sẽ thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (Sửa đổi) và dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giảm bớt mức độ huy động, đặc biệt là đối với các đối tượng là cá nhân có thu nhập từ lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động,… Bên cạnh đó, hàng năm chúng ta vẫn phải thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Những sự điều chỉnh chính sách thuế này sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách, cân đối chi cho các nhiệm vụ chi. Tuy nhiên, trên cơ sở kinh nghiệm của nhiều lần điều chỉnh chính sách trước đây cho thấy, tác động của việc điều chỉnh chính sách thu là hỗn hợp, nhiều chiều. Nếu ta điều chỉnh chính sách hợp lý, đúng lúc, đúng đối tượng, đồng thời tăng cường công tác quản lý thu thì sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư mới, từ đó làm tăng thu cho ngân sách.

Tôi cho rằng dĩ nhiên, việc điều chỉnh chính sách thuế chỉ là một phần tác động của chính sách vĩ mô. Đi kèm theo đó, phải là tổng thể các chính sách khác cùng hướng vào mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh. Và điều quan trọng hơn cả là việc đưa các chính sách này vào cuộc sống, đảm bảo các chính sách phù hợp với thực tiễn, mang hơi thở của thực tiễn, cũng như xử lý kịp thời các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

- Năm 2013 nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, vậy ngành tài chính sẽ có những giải pháp như thế nào để thực hiện tốt được các nhiệm vụ đã đề ra, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Năm 2013, ngành tài chính đã xác định mục tiêu tài chính - ngân sách nhà nước là “ Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước , quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tình hình mới.”

Nhằm thực hiện được tốt các mục tiêu đã đề ra như tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 816.000 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 978.000 tỷ đồng và mức bội chi ngân sách nhà nước là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước, đòi hỏi ngành tài chính phải có những giải pháp đồng bộ.

Những giải pháp này đảm bảo sự nhất quán trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, đảm bảo p hối hợp đồng bộ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ với những định hướng ưu tiên như triển khai thực hiện quyết liệt, có kết quả các giải pháp liên quan đến tài chính, ngân sách mà Chính phủ đã xác định trong các Nghị quyết trước đó. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thu ngân sách nhà nước, tăng cường hiệu quả các biện pháp quản lý thu thuế , đảm bảo thực hiện có kết quả dự toán thu ngân sách năm 2013 ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, hạn chế nợ đọng thuế; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, đảm bảo theo đúng dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chế độ quy định.

Bên cạnh những giải pháp này, trong năm 2013 ngành Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Giá; tăng cường minh bạch trong điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo sự rõ ràng và chủ động cho các doanh nghiệp, đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, người nghèo, người có thu nhập thấp. Đồng thời, thực hiện có kết quả các giải pháp tài khóa có liên quan để hỗ trợ cho tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu; trong đó tập trung triển khai quyết liệt, có kết quả Đề án: “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là TĐ kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”; nghiên cứu để có các chính sách thuế phù hợp đối với hoạt động mua bán nợ.

Tôi tin rằng với các giải pháp mà Chính phủ đã xác định cho năm 2013 và các năm tiếp theo cũng như sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, thì các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2013 sẽ được thực hiện thắng lợi. Nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đà tăng trưởng dần được phục hồi, các cán cân vĩ mô sẽ ổn định và bền vững hơn, nhất là khi vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được tổ chức thực hiện đồng bộ trong thời gian tới.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

(Thùy Dương/TTXVN) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất