Tác động của việc cắt giảm chi tiêu ngân sách được nhìn nhận là rất lớn,
chính vì vậy Quốc hội Mỹ sẽ phải tìm kiếm một biện pháp thận trọng hơn để thắt
chặt ngân sách.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đưa ra giả thiết rằng trong trường hợp kế
hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách diễn ra như kế hoạch, các văn phòng liên bang
sẽ phải cắt giảm 2,8 triệu việc làm, đồng thời giảm chi tiêu mọi thứ, từ kẹp
giấy đến tên lửa. Thậm chí, một số nhà phân tích cho rằng việc áp đặt các biện
pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách trong vài tháng cũng có thể dẫn đến suy thoái
kinh tế trong thời gian ngắn.
Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) cho hay kế hoạch cắt giảm chi tiêu
ngân sách của chính phủ sẽ được thể hiện qua việc chi tiêu ngân sách liên bang
ước giảm 42 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 3/2013 đến cuối tháng 9/2013.
Nhà kinh tế Omair Sharif thuộc RBS ở Stamford, Connecticut, nói rằng nếu
chính phủ cắt giảm chi tiêu ngân sách khoảng 6 tỷ USD trong tháng 3/2013, tăng
trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại xấp xỉ 0,7% trong quý 1/2013.
Trong khi đó, các dự báo về nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý
I/2013 vốn cũng không mấy khả quan. Các nhà phân tích tham gia điều tra của
Reuters hồi tháng trước dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức hàng năm 1,5%
trong quý I/2013.
Nếu kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách tiếp tục được thực hiện trong quý
II/2013, biện pháp khắc khổ này có thể xóa sổ gần như toàn bộ tăng trưởng của
nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian đó. Bên cạnh tác động trực tiếp
lên tăng trưởng kinh tế, việc thu nhập giảm và người lao động bị mất việc làm có
thể gây ảnh hưởng tới nền kinh tế trong cả năm 2013 xét trên góc độ chi tiêu
tiêu dùng và đầu tư kinh doanh giảm.
Trong báo cáo công bố ngày 5/2, CBO dự báo do chi tiêu của chính phủ bị
cắt giảm, tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2013 có thể chỉ đạt 1,4%, thấp hơn so với
mức tăng ước khoảng 1,9% trong năm 2012 và tỷ lệ thất nghiệp trung bình đứng ở
mức 8% trong quý IV/2013, cao hơn mức 7,9% trong tháng 1/2013./.
TG