Thời gian qua, trước những sự suy thoái của nền kinh tế, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều thách thức. Vậy đâu là nguyên nhân căn bản? Câu hỏi đó đang đặt ra cho những người làm công tác quản lý, các nhà nghiên cứu và bản thân các doanh nghiệp đi tìm lời giải nhằm đưa ra giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Trước những khó khăn của nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN) trong nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN và khôi phục sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính đến tháng 11/2012, ngành Thuế đã xử lý miễn, giảm, gia hạn tiền thuế theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nêu trên cho khoảng 457.500 lượt DN và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân, với số tiền khoảng 19.025 tỷ đồng, trong đó: Thực hiện miễn và gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng đối với khoảng 216.450 lượt DN và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân, với số tiền khoảng 11.160 tỷ đồng; Thực hiện miễn, giảm và gia hạn tiền thuế thu nhập DN đối với khoảng 203.550 lượt DN, với số tiền khoảng 4.940 tỷ đồng; Gia hạn tiền sử dụng đất cho trên 340 DN, với số tiền gần 2.470 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho khoảng 3.610 DN, với số tiền 445 tỷ đồng; Miễn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộđánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 10tỷ đồng…
Như vậy, các chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế đang được triển khai tích cực đã phần nào giúp các DN giảm bớt khó khăn trước mắt, nhưng liệu đó có phải là biện pháp cấp bách, hiệu quả và giải quyết được khó khăn đối với DN nước ta hiện nay? Để tìm hiểu những khó khăn của DN, Cục Thống kê Hà Nội đã tiến hành khảo sát đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội, kết quả như sau:
Theo số liệu thống kê, tại thời điểm 31/12/2011 trên địa bàn thành phố Hà Nội có 123.501 DN, trong đó đang hoạt động sản xuất kinh doanh là 80.332 DN (chiếm 65%), tạm ngừng hoạt động là 6.004 DN (chiếm 4,9%), chờ giải thể là 7.442 DN (chiếm 6,0%), số DN không tìm thấy, đã giải thể, phá sản, chuyển sang tỉnh khác… là 28.876 DN (chiếm 23,4%).
Cũng trong một cuộc khảo sát gần đây của Cục Thống kê Hà Nội tiến hành điều tra chọn mẫu về thực trạng và tình hình khó khăn đối với hơn 1.000 DN trên địa bàn thành phố Hà Nội (bao gồm DN nhà nước, DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong các ngành kinh tế). Kết quả cho thấy:
Tính đến tháng 4/2012, các DN nhà nước tuy gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì hoạt động và không có DN nào phá sản, giải thể; DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỷ lệ phá sản, giải thể là 1,1%; DN ngoài nhà nước tỷ lệ phá sản, giải thể là 3,7%. Nếu chia theo khu vực kinh tế thì tỷ lệ phá sản của các DN gần tương đương nhau: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 3,5%; Công nghiệp, xây dựng 2,5%; Dịch vụ 3,5%.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng phá sản của các DN như: do tình hình kinh tế thế giới suy thoái đã ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, lãi suất ngân hàng quá cao… Trong số các DN phá sản, theo kết quả điều tra: 83,3% DN cho rằng nguyên nhân của việc phá sản là do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 50% DN thiếu vốn để sản xuất kinh doanh; 16,7% DN không tiêu thụ được sản phẩm…
Cũng theo kết quả khảo sát, trong năm 2011 tỷ lệ số DN có nộp thuế GTGT/ TTĐB là 66,3%, tỷ lệ DN không nộp thuế là 33,7%. Trong đó, khu vực FDI có tỷ lệ DN không nộp thuế GTGT/TTĐB lên đến 44,1%.
Kết quả khảo sát trên 1.000 DN về những yếu tố thuộc môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN cho thấy tỷ lệ các yếu tố gây cản trở đối với sản xuất, kinh doanh của DN (xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ) như sau: Lạm phát cao và biến động thất thường (30,3%); Lãi suất vay vốn quá cao (28,4%); Tiếp cận vốn khó khăn (17,1%); Chính sách điều hành kinh tế không ổn định (13,3%); Tiền thuê đất (7,8%); Chi phí vận tải cao (7,1%); Thuế suất (7,0%); Hệ thống pháp lý và giải quyết tranh chấp (5,5%); Điện cung cấp không ổn định (5,2%); Trình độ kỹ năng của người lao động (4,2%); Quản lý thuế (4,0%).
Kết quả điều tra về mong muốn và kiến nghị của DN (hơn 1.000 DN được khảo sát) cho thấy: 87,1% DN mong muốn ổn định lãi suất vay vốn hợp lý; 86,6% DN muốn được hỗ trợ lãi suất vay vốn; 85,2% DN mong muốn ổn định kinh tế vĩ mô; 81,7% DN mong muốn cải thiện cơ sở hạ tầng; 81,4% DN mong muốn ổn định giá điện; 76% DN mong muốn tập trung nguồn vốn hỗ trợ các DN nhỏ và vừa; 70,9% DN mong muốn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; 69,3% DN mong muốn cải thiện môi trường pháp lý và hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp; 68,6% DN mong muốn điều chỉnh giá thuê đất kinh doanh hợp lý; 65,2% DN mong muốn hỗ trợ đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động…
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, không ít DN trong nước đã nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và tìm ra hướng phát triển lâu dài, ổn định trong tương lai. Như vậy có thể nhìn nhận, trong khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nhưng nếu DN biết nắm bắt cơ hội, biết tận dụng và phát huy được nguồn lực thì bối cảnh hiện tại (khi giá thành máy móc, nhân công, nguyên vật liệu… đang ở mức giá thấp) cũng mở ra cho DN không ít những thuận lợi để phát triển.
Có thể khẳng định, với hơn 1.000 DN được Cục Thống kê Hà Nội khảo sát, điều tra, kết quả từ số liệu thu được chưa thể phản ánh đầy đủ thực trạng những khó khăn của DN Việt Nam trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề mà các DN đang hoạt động, chưa nêu ra hết những nguyện vọng, mong muốn của DN để từ đó đề xuất các biện pháp hỗ trợ DN một cách tốt nhất. Tuy nhiên, đó cũng là những số liệu đáng được tham khảo, là cách tiếp cận với DN để cùng tìm ra đâu là trở ngại lớn nhất đối với DN Việt Nam, từ đó giải mã những khó khăn, tìm hướng hỗ trợ DN hiệu quả và phù hợp nhất.
Xuất phát từ thực tế đó, tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội ngày 13/12/2012, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính - Nguyễn Công Nghiệp cho biết, Bộ Tài chính luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của DN, các Hiệp hội DN. Bên cạnh đó Bộ sẽ tham vấn ý kiến của các chuyên gia kinh tế - tài chính, các các đơn vị tham mưu về chính sách tài chính để làm căn cứ tổng hợp, xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội những đề xuất và biện pháp mang tính tập trung, đột phá và phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
Để DN Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế trong nước có lẽ cần phải có những giải pháp đồng bộ, triệt để, bên cạnh đó cần có những “cú hích” mang tính đột phá nhằm tạo ra biến chuyển mạnh mẽ đối với các DN. Cùng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, bản thân mỗi DN cũng cần phải chủ động, sáng tạo hơn nữa, tìm ra hướng hợp tác mới, hiệu quả để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Các Hiệp hội DN cũng cần phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, gắn hoạt động của Hiệp hội với tình hình thực tế của các DN, góp phần hỗ trợ DN một cách hiệu quả nhất…
Minh Tuấn (Bộ Tài chính)