Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 24/4/2016 9:17'(GMT+7)

Cần sớm làm rõ nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ


Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện đầu tiên vào ngày 6-4 tại xã Kỳ Lợi, sau đó xuất hiện tại xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh vào ngày 7-4 và vào ngày 11-4, tôm nuôi của Công ty Growbest tại xã Kỳ Phương khi cấp nước biển vào ao nuôi sau 4-5 tiếng tôm bị chết hàng loạt và đến ngày 14-4, ngao nuôi tại Kỳ Hà và Kỳ Ninh tiếp tục bị chết. Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 4,71 tỷ đồng (cá 1,11 tỷ đồng, tôm 1,2 tỷ và ngao 2,4 tỷ đồng).

Tại Quảng Bình, từ ngày 14-4đến 16-4, tại bờ biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) xuất hiện cá tự nhiên chết rải rác sau đó lan rộng xuống các xã phía năm như NGư Thủy; đặc biệt ngày 14-4, cá chết trôi dạt nhiều vào bờ, chủ yếu là các đối tượng sống ở tầng đáy như cá phèn, cá đục, cá liệt, cá hanh, cá ba sọc; ngoài ra tại một số nhà hàng nổi trên khu vực sông Nhật Lệ có hiện tượng cá chết rải rác tại một số lồng nuôi nhốt vào đêm 13-4 và ngày 14-4.

Tại Quảng Trị, từ ngày 14-4, nhiều ngư đánh bắt ven biển bãi ngang Quảng Trị như: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Thị trấn Cửa Tùng, Trung Giang, Gio Hải, Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Hải An và Hải Khê đã phát hiện cá chết bất thường trên biển chưa rõ nguyên nhân, nhiều nhất là vùng Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, TT Cửa Tùng, Trung Giang, chủ yếu các loài cá ở rạn đáy như: Cá hanh, cá chình, cá mú, cá đuối, cá bơn, mực nang... Đến ngày 21-4, tình hình cá chết trên biển trôi dạt vào bờ đã giảm dần, có một số địa phương đã không còn hiện tượng cá chết trôi vào như: Hải Khê, Hải Lăng, Triệu An... Theo báo cáo thống kê của các địa phương ven biển (ngày 21-4), số lượng cá chết ước khoảng 30 tấn.

Cũng trong những ngày qua từ 15-4 đến 18-4, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra tình trạng cá biển trong môi trường tự nhiên và cá nuôi lồng (chủ yếu cá giò, cá vẩu) ở các khu vực cửa biển Lăng Cô, Lạch Giang (Lộc Vĩnh) chết hàng loạt. Một số vùng nuôi tôm chân trắng cũng bị ảnh hưởng do lấy nước biển cấp vào cho ao nuôi.

Theo kết quả phân tích và báo cáo đánh giá của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc và Sở Tài nguyên môi trường các tỉnh cho thấy, các thông số môi trường phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy, cá không bị nhiễm ký sinh trùng. Kết quả phân tích 18 mẫu vi khuẩn, 18 mẫu vi rút gây hoại tử thần kinh (VNN) xác định nguyên nhân gây bệnh cho thấy vi khuẩn, vi rút gây hoại tử thần kinh không phải là tác nhân gây ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt. Theo nhận định của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc, nguyên nhân gây hiện tượng chết là do yếu tố môi trường (không phải tác nhân vi sinh vật), tuy nhiên yếu tố độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn chưa xác định được cụ thể.

Riêng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, chất lượng nước phú dưỡng (PO4 theo thỉ tiêu cho phép tối đa là 0,5 mg/lít, nhưng tại thời điểm đo là 1mg/lít) làm tăng độ pH; so sánh với độ pH vùng đầm phá và ven biển qua các năm thường biến động từ 7,5 - 8,3. Đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt do pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao. Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, mùa có cá rò trôi là nước xấu, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiết oxy cộc bộ làm cho cá chết nhanh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh cho rằng, hiện tượng cá chết bất thường trong thời gian qua đã gây ra những ra những thiệt hại đáng kể đối với đời sống của người dân, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề: đánh bắt, nuôi trồng, du lịch biển… Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân để người dân có phương án tái tổ chức sản xuất, yên tâm ra khơi, bám biển…

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đều cho rằng: Sự việc cá chết hàng loạt ở ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ thời gian qua là hiện tượng bất thường, lần đầu tiên diễn ra trên diện rộng và ảnh hưởng đến đời sống của không ít bà con nhân dân. Mặc dù có những lúng túng nhất định nhưng thời gian qua các cơ quan chuyên môn và các tỉnh đã nỗ lực trong việc kiểm soát tình hình, bước đầu tìm hiểu được nguyên nhân cá chết hàng loạt.

Lãnh đạo các bộ cũng lưu ý lãnh đạo các tỉnh cần thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình khắc phục thiệt hại, tiếp tục làm rõ nguyên nhân, tác hại dẫn đến hiện tượng cá chết nói trên. Về hướng khắc phục sản xuất, trước mắt các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân phân biệt sự khác nhau giữa tình trạng cá chết với các loại thủy - hải sản bình thường. Tùy vào tình hình cụ thể và kết quả trắc nghiệm của mỗi khu vực để khuyến cáo người dân tổ chức lại sản xuất, sử dụng các sản phẩm từ cá một cách hợp lý.

Cùng với đó, các cơ quan thông tấn báo chí cần đưa tin một cách khách quan, tránh đưa tin gây hoang mang, ảnh hưởng không tốt đến dư luận…

Hiện tượng cá chết bất thường ở các tỉnh Bắc Trung Bộ rõ ràng đã tác động rất lớn đến đời sống hằng ngày của không ít người dân. Vì vậy, công luận đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân chính dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Theo NhânDân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất