Thiếu vốn, nhân lực trình độ cao, vướng mắc thủ tục hành chính… là những khó khăn đang bủa vây trên con đường mà các nhà khởi nghiệp sáng tạo trẻ đang theo đuổi…
Gian khó bủa vây nhà khởi nghiệp trẻ
Theo các chuyên gia, với việc tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, việc đẩy mạnh, khích lệ sự hình thành của các doanh nghiệp dựa trên nguồn tài nguyên chất xám là vô cùng quan trọng. Hiện, các cơ hội sáng tạo, các lĩnh vực sáng tạo xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới, hình thành nên các ngành công nghiệp sáng tạo, mạng lưới các thành phố sáng tạo...
Tại Việt Nam, công nghiệp sáng tạo là một ngành còn khá mới mẻ nhưng có rất nhiều tiềm năng và là môi trường lý tưởng cho những người trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Thế nhưng, bên lề Hội thảo về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sáng 13/8 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều doanh nghiệp trẻ cho phóng viên VietnamPlus hay, họ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp.
Anh Phạm Kim Hùng, sáng lập Tech Elite kể rằng, cũng như nhiều nhà khởi nghiệp trẻ khác với các ý tưởng sáng tạo, cái khó lớn nhất chính là vốn và thuyết phục những người giỏi tham gia triển khai ý tưởng cùng với mình.
Trong quá trình đưa ý tưởng vào thực tế, họ lại gặp muôn vàn khó khăn trong quá trình triển khai thương mại cũng như phát triển công ty, mở rộng đội ngũ nhân lực, phát triển thị trường…
Đồng tình, anh Đặng Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ giáo dục Inied quốc tế cho biết, những nhà khởi nghiệp không có vốn đối ứng để đi vay vốn khởi nghiệp. Thiếu vốn, việc huy động người giỏi về thực hiện ý tưởng của người sáng lập sẽ gần như không thể thực hiện được, bởi nguồn nhân lực tốt đã đầu quân cho các doanh nghiệp lớn. Và, đây chính là bài toán khó nhất buộc những người khởi nghiệp sáng tạo phải giải.
[Phó Thủ tướng hứa hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp]
Một vướng mắc khác, tại buổi gặp gỡ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các nhà khởi nghiệp trẻ cho biết họ gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, hành chính. Bởi thế, nhiều người phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài và phát triển thị trường, sản phẩm tại nước ngoài. Và khi việc này kéo dài, chắc chắn nguồn lực doanh nghiệp “chất xám” ở Việt Nam sẽ hao hụt, tình trạng chảy máu chất xám chắc chắn sẽ không dừng lại.
Thực tế cho thấy, Thung lũng Silicon (Mỹ) là nơi khởi nguồn của nhiều đại gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ có sức ảnh hưởng toàn cầu như Google, Apple… Khởi đầu của họ là các doanh nghiệp khoa học công nghệ với nguồn vốn lớn nhất là tài sản trí tuệ và chỉ thực sự hình thành sau khi được hỗ trợ từ quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, ở Việt Nam hiện cũng có một số quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, song có vẻ như các quỹ này… lại đầu tư không mấy mạo hiểm khi thường lựa chọn các doanh nghiệp đã định vị được mình trên thị trường để đầu tư.
Gỡ khó
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân một lần nữa khẳng định vai trò của các nhà khởi nghiệp trẻ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định, gia nhập cộng đồng chung ASEAN, chúng ta sẽ phải tôn trọng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngặt nghèo của các quốc gia phát triển thì việc tạo ra các doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, giá trị gia tăng cao, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh là điều đặc biệt quan trọng. Và, để làm được điều này, các nhà khởi nghiệp trẻ được xem là sẽ “lĩnh ấn” tiên phong.
Về phía mình, năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Đề án tổng thể thương mại hoá công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV-Vietnam Silicon Valley); thí điểm hỗ trợ 1 dự án tìm hiểu và lập quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên để hỗ trợ các nhà khởi nghiệp…
Sau một thời gian hoạt động, VSV đã bước đầu gặt hái được kết quả tốt. Có 9 nhóm khởi nghiệp trẻ được lựa chọn từ rất nhiều hồ sơ đã được huấn luyện trong vòng 4 tháng về bí quyết kinh doanh, quản trị doanh nghiệp chuyên sâu cũng như các kỹ năng mềm quan trọng khác như đàm phán, thuyết trình với khách hàng…
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, anh Phạm Kim Hùng cho hay, khóa huấn luyện của VSV thực sự đem lại bổ ích khi ở đó có nhiều doanh nhân thành đạt chia sẻ kinh nghiệm xương máu cho những người mới khởi nghiệp trong việc điều hành công ty, thành lập doanh nghiệp cũng như gỡ rối trong quá trình phát triển…
Ngoài ra, tham gia vào VSV, những nhà khởi nghiệp trẻ như anh Hùng còn được các doanh nhân giới thiệu khách hàng, các nhà đầu tư lớn và bản thân Tech Elite đã được 3 nhà đầu tư rót vốn để dần khẳng định tên tuổi trên thị trường công nghệ.
Đánh giá về VSV, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định đây là phương pháp tiếp cận mới để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. VSV đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra trong bối cảnh hệ thống pháp lý của Việt Nam đối với hệ sinh thái khởi nghiệp là hoàn toàn mới.
[Thương mại hóa CN theo mô hình Thung lũng Silicon]
Trong số 9 nhóm khởi nghiệp được chọn, Công ty Tech Elite của anh Phạm Kim Hùng đã thành công trong việc kêu gọi 230.000 USD và được định giá 1,8 triệu USD vào cuối năm 2014 (vào tháng 6/2014, công ty này được định giá 200.000 USD); Công ty Astro Telligent được sáng lập bởi anh Nguyễn Ngọc Tuấn thành công trong việc đưa giải pháp quản lý tuyển dụng chuyên nghiệp của mình vào phục vụ ngân hàng VIB với hợp đồng trị giá 20.000 USD (vượt qua các đối thủ như Oracle, VC Corp)…
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng tiết lộ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt đề án để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam quy mô cấp quốc gia. Đây là tín hiệu vui cho cộng đồng khởi nghiệp, bởi nếu đề án được phê duyệt, họ sẽ rộng đường hơn trong việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của mình, đem lại giá trị cho bản thân và đóng góp cho đất nước./.
Theo TTXVN