Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 27/3/2014 22:11'(GMT+7)

Cần thành lập cơ quan điều tra ở Viện kiểm sát nhân dân các cấp

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo Hiến pháp năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Song song với nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì chỉ VKSND tối cao hoặc VKS quân sự TW mới có cơ quan điều tra chuyên trách còn các VKSND khác không có cơ quan điều tra.

Việc không có cơ quan điều tra chuyên trách trong VKSND các cấp đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của việc bảo vệ pháp luật, đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất. Lý do rất đơn giản là khi không được giao chức năng điều tra thì không thể điều tra, xác minh một cách chính xác, kịp thời, đúng đắn các hành vi để tìm ra sự thật khách quan. Có thể nói, các cáo trạng truy tố hoặc không truy tố, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án của VKSND gần như phụ thuộc hoàn toàn vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra thuộc ngành công an, trường hợp không đồng ý với bản kết luận đó thì VKSND trả lại cơ quan điều tra để  tiến hành điều tra lại. Đặt ra tình huống nếu cơ quan điều tra tiêu cực, quan liêu không điều tra nghiêm túc và vẫn tiếp tục chuyển VKSND đề nghị truy tố thì VKSND không có công cụ, phương tiện để điều tra, xác minh. Bởi vì, VKSND không có cơ quan điều tra chuyên trách, trong khi chức năng điều tra của VKSND còn chung chung, không rõ ràng, cụ thể và thiếu phương tiện, kỹ thuật.

Trước đây, theo Hiến pháp 1992, VKSND có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của mọi công dân, tổ chức hay còn gọi là kiểm sát chung nhưng theo quy định tại Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) thì chức năng này không còn nữa. Việc không giao cho VKSND chức năng kiếm sát chung là phù hợp với đặc điểm tình hình, vai trò nhiệm vụ của cơ quan kiểm sát. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực và các loại tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, chức vụ gia tăng là do nước ta có quá ít cơ quan có chức năng điều tra và thực hiện kiểm soát lẫn nhau. Theo pháp luật hiện hành thì chỉ có cơ quan công an là được giao chức năng điều tra đầy đủ, cụ thể nhất, còn các cơ quan chỉ thực hiện điều tra ban đầu sau đó chuyển cơ quan điều tra thuộc ngành công an.

Ở các nước tư bản không có hệ thống cơ quan VKSND mà thành lập cơ quan công tố. Cơ quan công tố thực hiện quyền công tố bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, nhân dân, đồng thời, đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ pháp luật tương tự như chức năng, nhiệm vụ của VKSND ở nước ta. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản là VKSND ở nước ta không có cơ quan điều tra, trừ VKSND tối cao, VKS quân sự Trung ương là chưa hợp lý. Mặt khác, theo khoa học pháp lý thì việc  giao cho VKSND chức năng truy tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mà không giao chức năng điều tra với bộ máy, nhân lực đầy đủ, toàn diện là không hợp lý, khoa học.

Ở Trung Quốc- nước có hệ thống cơ quan VKS tương tự như nước ta nhưng tất cả VKS của Trung Quốc đều có chức năng điều tra, bên cạnh các chức năng truy tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, thậm chí chức năng điều tra được ưu tiên hàng đầu. Vì vậy mà cơ quan VKS của nước này hoạt động rất hiệu quả, phá rất nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt là liên quan đến tham nhũng hoặc tội phạm về chức vụ. Ngoài ra, ở Trung Quốc còn có hệ thống cơ quan điều tra của Đảng (cơ quan Kiểm tra kỷ luật các cấp) cũng thực hiện việc điều tra đối với đảng viên, người giữ chức vụ hay còn gọi là “song quy” rất hiệu quả. Do đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mang lại nhiều đạt kết quả tích cực, trong khi đó ở nước ta không quy định chức năng điều tra của Đảng và rất ít cơ quan được giao chức năng điều tra phòng, chống tội phạm.

Do đó, theo chúng tôi khi xây dựng Luật tổ chức VKSND sắp tới các cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung quy định cụ thể về việc thành lập cơ quan điều tra trong hệ thống VKSND các cấp. Điều này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay, nhất là các loại tội phạm về tham nhũng, tội phạm chức vụ đang ngày càng có xu hướng gia tăng rất nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của chế độ, dân tộc./.

Vĩnh Linh - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất