Chủ Nhật, 13/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 27/9/2011 21:27'(GMT+7)

Cần thiết ban hành Luật Giám định tư pháp

Tờ trình của Chính phủ cho rằng việc ban hành Luật Giám định tư pháp là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng và nhu cầu của xã hội.

Dự thảo Luật quy định cho phép đương sự trong tố tụng dân sự, hành chính được tự mình yêu cầu giám định tư pháp. Về điều này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng ý trên nguyên tắc với dự thảo Luật để đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong tố tụng.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị, việc mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự cần được sửa đổi, bổ sung vào các quy định tương ứng trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính…

Về chế độ đối với người giám định tư pháp và chế độ đãi ngộ khác, dự thảo Luật quy định có ngạch bậc lương riêng, được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên…, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế….

Các ý kiến cho rằng chế độ đãi ngộ cho cán bộ giám định tư pháp là cần thiết, tuy nhiên việc này nên giao cho Chính phủ quyết định chứ không nhất thiết phải quy định trong Luật. Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng nên cân nhắc việc ưu đãi thuế, đất cho cơ sở tư pháp ngoài công lập vì thuế và đất là những vấn đề cần có chính sách chung, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng. Nội dung này nên để pháp luật chuyên ngành quy định.

Đối với việc xã hội hóa công tác giám định tư pháp, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động giám định tư pháp. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội cho rằng nên xã hội hóa ở những lĩnh vực không thường xuyên, không quan trọng vì mô hình tổ chức các cơ quan giám định tư pháp đang trong quá trình hoàn thiện, hoạt động giám định tư pháp còn nhiều bất cập.

Vấn đề bỏ hay duy trì hoạt động giám định tư pháp thuộc phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được các đại biểu tranh luận… Một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng nên có đánh giá lại hoạt động của hoạt động giám định pháp y trong lực lượng công an cấp tỉnh, thành phố trước khi đi đến kết luận cuối cùng./.

(Theo: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất