Thứ Năm, 21/11/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Tư, 13/11/2024 9:0'(GMT+7)

Xu hướng truyền thông của các bảo tàng trên thế giới và những gợi mở đối với Việt Nam

Trưng bày 3D của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: SCS.

Trưng bày 3D của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: SCS.

XU HƯỚNG TRUYỀN THÔNG CỦA CÁC BẢO TÀNG TRÊN THẾ GIỚI

Trong thế giới ngày nay, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật lịch sử mà còn là trung tâm giáo dục và văn hóa quan trọng, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và truyền thông, các bảo tàng trên thế giới đã và đang áp dụng những xu hướng truyền thông mới để thu hút công chúng, nâng cao nhận thức về di sản văn hóa và tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho khách tham quan.

Nhằm thu hút hơn với đối tượng công chúng thế hệ mới, hiện nay, các bảo tàng có 3 xu hướng truyền thông chính:

Thứ nhất, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong triển lãm và truyền thông.

Trong bối cảnh mới, nhìn chung, các bảo tàng trên thế giới đều phải thay đổi mô hình hoạt động, chuyển từ việc lấy các tác phẩm làm trung tâm (collection-centric) thành việc lấy người tham quan làm trung tâm (customer-centric). Công nghệ số đã trở thành yếu tố quan trọng để thúc đẩy trải nghiệm của người dùng; là công cụ quan trọng để các bảo tàng tiếp cận, phổ biến và bảo vệ giá trị văn hóa thông qua chiến lược truyền thông. Sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, công nghệ VR/AR được tận dụng như một thể thức để đáp ứng với nhu cầu thị trường lớn. Các công nghệ này được triển khai sáng tạo, sử dụng tiềm năng của công nghệ số để cung cấp tác phẩm ảo trên các nền tảng trực tuyến, phân phối thông tin tức thời và tạo ra các chức năng tìm kiếm cá nhân hóa - một trong những yếu tố then chốt trong việc áp dụng công nghệ số.

Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) đã phát triển một hệ thống tour trực tuyến ấn tượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về trải nghiệm văn hóa kỹ thuật số, cho phép người xem từ khắp nơi trên thế giới khám phá bộ sưu tập phong phú mà không cần phải có mặt tại Paris với công nghệ 360 độ và phóng to chi tiết. Bảo tàng Louvre cũng cho ra đời một ứng dụng có tên "En tête-à-tête avec La Joconde" (mặt đối mặt với nàng Mona Lisa), cung cấp trải nghiệm thực tế ảo về bức tranh nổi tiếng cũng như các thông tin về lịch sử của bức tranh. Instagram cũng là một công cụ truyền thông số hữu hiệu trong việc thu hút công chúng đến với các triển lãm trực tuyến hay còn được biết đến là “Louvre ảo”, với hơn 4 triệu người theo dõi. Bảo tàng Quốc gia Singapore  triển khai ứng dụng hướng dẫn thông minh Gallery Explorer”, cho phép khách quét mã QR đặt cạnh các hiện vật để truy cập thông tin chi tiết đa phương tiện, bao gồm văn bản, hình ảnh độ phân giải cao, video và âm thanh giải thích. Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp các tour tự hướng dẫn, tính năng tương tác như câu đố và trò chơi nhỏ, hỗ trợ đa ngôn ngữ và bản đồ tương tác giúp định hướng trong bảo tàng. Với khả năng cập nhật thường xuyên về các triển lãm mới và tích hợp mạng xã hội, Gallery Explorer đã giúp Bảo tàng Quốc gia Singapore thu hút khán giả trẻ, tạo ra trải nghiệm tương tác tốt hơn, đồng thời thu thập dữ liệu quý giá về hành vi và sở thích của khách, từ đó liên tục cải thiện và tối ưu hóa việc trưng bày và cung cấp thông tin trong tương lai. Bảo tàng Smithsonian (Mỹ) đã triển khai dự án 3D Digitization, nhằm tạo ra các mô hình 3D chi tiết của các hiện vật lịch sử quan trọng. Dự án đã số hóa đa dạng các hiện vật, từ những vật thể công nghệ cao như tàu vũ trụ Apollo cho đến các di tích cổ đại như xác ướp Ai Cập. Bằng cách sử dụng công nghệ quét 3D tiên tiến, Smithsonian đã tạo ra những bản sao kỹ thuật số chính xác đến từng chi tiết của các hiện vật. Những mô hình 3D không chỉ giúp bảo tồn thông tin chi tiết về các hiện vật quý giá mà còn mở ra cơ hội tiếp cận chưa từng có cho công chúng và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Người dùng có thể khám phá các hiện vật từ mọi góc độ thông qua nền tảng trực tuyến của bảo tàng.

Thứ hai, tập trung vào tầm nhìn và chiến lược truyền thông ngắn hạn.

Trong các nghiên cứu từ năm 2013 về xu hướng truyền thông của các bảo tàng trên thế giới, kết quả cho thấy: nhìn chung, các bảo tàng có xu hướng tập trung vào chiến lược truyền thông ngắn hạn thay vì dài hạn. 

 Hiện nay, các chiến lược truyền thông bảo tàng thường được tiếp cận chủ yếu theo góc độ marketing tiếp thị. Phần lớn các nghiên cứu cho chiến lược thường thực hiện từ khía cạnh quản lý di sản được trưng bày và các dịch vụ văn hóa, làm sao để quảng bá và thu hút nhiều khách tham quan hơn. Ngoài ra, các chiến lược truyền thông bảo tàng cũng có xu hướng thiên về tiếp thị du lịch. Vậy nên, truyền thông chiến lược và quan hệ công chúng thường được coi như một công cụ quảng bá bổ trợ đơn thuần, chỉ có tác dụng phổ biến thêm thông tin về di sản được trưng bày và các dịch vụ văn hóa để đạt được mục tiêu.Các hoạt động này thường thực hiện theo một khuôn mẫu nhất định, sử dụng nhiều công cụ truyền thông trực tiếp và gián tiếp nhằm thu hút khách tham quan.

Thứ ba, tận dụng truyền thông mạng xã hội và đa phương tiện.

Đây là một xu hướng được đánh giá cao của các bảo tàng trong các hoạt động truyền thông của mình. Việc tận dụng các kênh mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đa dạng là một hình thức truyền tải gián tiếp thông điệp, tạo ra trải nghiệm mới mẻ hơn cho khách tham quan.

Về bản chất, mục đích chính của một bảo tàng là việc công chúng được tham gia vào các hoạt động nghệ thuật; thông qua mạng xã hội, các hoạt động của bảo tàng lan tỏa rộng rãi hơn, tạo được độ phủ và hiện thực hóa trên nhiều nền tảng. Mạng xã hội cho phép sự giao tiếp diễn ra với nhiều đối tượng; là một bước ngoặt để các bảo tàng thực hiện những chiến lược truyền thông tiếp cận lớn lớn hơn với chi phí thấp hơn.

Theo Báo cáo thường niên Global digital 2020-April do We are SocialHootsuite thực hiện, công nghệ số đã trở thành công cụ quản lý mạnh mẽ trong truyền thông về bảo tàng, về sứ mệnh, đặc điểm, xây dựng câu chuyện và không gian riêng. Bằng cách quản lý thông điệp truyền thông và các tương tác trực tuyến từ đối tượng mục tiêu, bảo tàng có thể khẳng định vai trò như một nơi cung cấp kiến thức và tạo cơ hội cho các tương tác xã hội. Kết hợp hai yếu tố này, bảo tàng sẽ phát triển, tận dụng truyền thông mạng xã hội trong việc quản lý, quảng bá và thu hút người tham quan.

Bảo tàng được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân về sự đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới. (Ảnh: Bích Hạnh/Vietnam+)

Bảo tàng được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của người dân về sự đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới. (Ảnh: Vietnam+)

XU HƯỚNG TRUYỀN THÔNG CỦA CÁC BẢO TÀNG TẠI VIỆT NAM

Ngày 2/12/2021, Chính phủ đã phê duyệt quyết định số 2026/QĐ-TTg về “Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu số hóa toàn bộ di sản văn hóa Việt Nam nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa trên toàn quốc. Theo đó, các bảo tàng đã tích cực triển khai ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào công tác quảng bá như trải nghiệm thực tế ảo; tham quan, triển lãm trực tuyến; chiếu sáng 3D… Hiện nay, các bảo tàng Việt Nam có xu hướng truyền thông như sau:

Thứ nhất, tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc truyền thông quảng bá bảo tàng.

Các bảo tàng đã từng bước số hóa tư liệu, các tác phẩm trưng bày để thích ứng và chuyển đổi trong bối cảnh mới. Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu thông qua trải nghiệm, dịch vụ, con người,...

Gần đây, một số bảo tàng đã đưa ra những giải pháp tích hợp, ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của người tham quan. Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 đã triển khai thử nghiệm dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” phục vụ khách tham quan từ xa. Năm 2022, đưa vào thử nghiệm mô hình Robot Sanbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với các tính năng như trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật, các phòng trưng bày... để hướng dẫn khách tham quan. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã nghiên cứu và cho ra mắt hàng loạt chuyên đề trưng bày trực tuyến 3D. Trong đó, nổi bật là Bảo tàng ảo 3D với chuyên đề “Bảo vật quốc gia”, tích hợp trên website của bảo tàng. Du khách tham quan được lựa chọn để tìm hiểu, tương tác cùng 20 bảo vật quốc gia, được chiêm ngưỡng đa chiều, chi tiết từng hiện vật trưng bày. Những thông tin quan trọng được đánh số ngay trên mô hình 3D. Đặc biệt, thông tin về di sản được phân loại theo từng cấp độ từ cơ bản đến chuyên sâu nhằm đáp ứng linh hoạt với nhu cầu tìm hiểu của công chúng.

Bảo tàng lịch sử

Hình ảnh chuyên đề trưng bày trực tuyến 3D của Bảo tàng lịch sử Việt Nam

 

Một số bảo tàng khác tại Việt Nam cũng đã tạo ra các tour du lịch 3D trên website, tổ chức các buổi trình diễn trực tuyến và cung cấp thuyết minh bằng âm thanh cho du khách. Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ đã và đang số hóa các bộ sưu tập để tiếp cận được nhiều đối tượng hơn; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện vật và các chương trình tương tác với khách du lịch trong và ngoài nước.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, máy Hologram đã được tích hợp và thử nghiệm trong không gian trưng bày. Trong đó, hình ảnh hiện vật và các nhân vật lịch sử được thể hiện 3D, kết hợp với phần mềm tương tác và công nghệ thực tế ảo (VR) giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như không gian thực với nhiều góc độ khác nhau.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng tái hiện 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến tại một container mô phỏng đặt ngoài trời. Bảo tàng ứng dụng các công nghệ 3D, kết hợp cùng với công nghệ âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ,... để thể hiện rõ tính chân thật và khốc liệt của nhà tù xưa.

Đến nay đã có khoảng 200 bảo tàng tại Việt Nam đang dần chuyển sang số hóa. Không chỉ các bảo tàng Trung ương mà các bảo tàng của tỉnh và tư nhân cũng đã thay đổi tư duy về tầm quan trọng của số hóa; ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc tối ưu trải nghiệm người tham quan, từ đó cung cấp những kiến thức về di sản văn hóa cho khách tham quan trong nước và quốc tế.

Thứ hai, ứng dụng các loại hình truyền thông đa phương tiện trong phát triển truyền thông tại bảo tàng.

Truyền thông hình ảnh và truyền thông đa phương tiện cũng là một trọng tâm trong hoạt động truyền thông của các bảo tàng tại Việt Nam thời gian qua. Các bảo tàng chủ động xây dựng, phát triển các video clip ngắn theo những chủ đề đa dạng, dựng các video chất lượng cao giới thiệu bảo vật quốc gia, trưng bày, quảng bá sản phẩm, chụp ảnh hiện vật, hoạt động… nhằm quảng bá hình ảnh và nâng cao mức độ nhận diện của bảo tàng. Hiện nay, để tối ưu truyền thông số, hầu hết các bảo tàng sử dụng Facebook, TikTok, Youtube, trang web... làm công cụ truyền thông mạng xã hội. Mỗi nền tảng được sử dụng với các mục đích khác nhau. Xác định rõ đặc trưng mạng xã hội yêu cầu tính cập nhật, bắt mắt, các bài đăng trên fanpage bảo tàng đều đặn, kịp thời, với những hình ảnh và video hấp dẫn, thu hút. Đặc biệt, các nội dung bài viết ngắn gọn, súc tích, sử dụng văn phong phù hợp, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện của bảo tàng đối với công chúng, nhất là nhóm công chúng trẻ. Việc xác định rõ mục đích và định hướng xây dựng các kênh truyền thông khác nhau giúp xây dựng kế hoạch phát triển rõ ràng, chi tiết, không bị trùng lặp hoặc gây loãng thông tin từ nhiều nguồn.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt sản phẩm ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA vào tháng 4/2021. Triển lãm trực tuyến cũng được xây dựng và ra mắt trong thời gian qua. Các sản phẩm công nghệ này đã đặc biệt phát huy giá trị trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu bị đình trệ thời gian dài, việc ứng dụng công nghệ này đã giúp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam duy trì tương tác đều đặn với khách tham quan, hỗ trợ du khách tìm hiểu về các hiện vật của bảo tàng. Cùng với trưng bày hiện vật trực tiếp, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã xây dựng và ra mắt các tour 3D thực tế ảo, góp phần duy trì tương tác, hỗ trợ khách tham quan tìm hiểu về hiện vật.

Năm 2024, đội ngũ truyền thông của Di tích Nhà tù Hỏa lò đã nhận được giải thưởng Nhân vật truyền cảm hứng của Lễ Trao giải WeChoice Awards 2023 với những cống hiến khi đưa nội dung lịch sử trở nên nổi tiếng hơn trên mạng xã hội. Với cách quảng bá mới mẻ, bắt kịp xu hướng, Nhà tù Hoả Lò đã thu hút lượng theo dõi đông đảo trong cộng đồng giới trẻ trên Facebook và Instagram.

Nhìn chung, các nền tảng mạng xã hội có khả năng tiếp cận rộng rãi và tính tương tác cao. Trong đó, Facebook, Instagram và Tiktok hiện nay đang là 3 nền tảng phổ biến nhất. Việc tạo ra những nội dung độc đáo cùng hình thức đa dạng (video, hình ảnh, livestream…) trên mạng xã hội đã cung cấp kiến thức về di sản một cách hấp dẫn. Đồng thời, tạo cơ hội cho việc tương tác hai chiều, thúc đẩy và nâng cao hiểu biết của công chúng trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong nâng cao tính chất lượng, hiệu quả bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa - di sản.

Hiện nay, nhiều bảo tàng, di sản đã quảng bá hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút lượng tương tác tích cực như: Di tích Nhà tù Hoả Lò, Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hải dương học...

Thứ ba, thường xuyên tổ chức, nghiên cứu các chương trình giáo dục di sản, các tour tham quan tích hợp.

Thời gian qua, nhiều bảo tàng tại Việt Nam đã quan tâm tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật cũng như hoạt động giáo dục mà nghệ nhân là người giữ vai trò quyết định trong công tác giáo dục và bảo tồn di sản văn hóa.

Bảo tàng Hà Nội thường xuyên tổ chức mời các nghệ nhân là chủ thể của di sản tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu, trình diễn các nghề thủ công truyền thống (làm Tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng…) hay các tập quán xã hội và tín ngưỡng, các chương trình biểu diễn nghệ thuật như múa rối nước Đào Thục, ca trù, hát xẩm… cùng nhiều hoạt động giáo dục ý nghĩa khác.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từng tổ chức chương trình trải nghiệm văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu: “Tâm - Đẹp - Vui”, nhằm tôn vinh nét đẹp trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc đến với công chúng trong và ngoài nước; cùng với đa dạng hóa hoạt động đã thu hút khách du lịch đến với bảo tàng nhiều hơn bằng những trải nghiệm hấp dẫn.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng chú trọng tổ chức các tour tham quan tích hợp. Không chỉ dừng lại ở tham quan, tìm hiểu về thông tin, câu chuyện lịch sử, văn hóa của di sản một cách đơn thuần, du khách còn được trực tiếp tham gia những hoạt động trải nghiệm gắn với nội dung tìm hiểu như khảo cổ, giải câu đố, vẽ gốm… Hình thức tham quan tích hợp này được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia quan tâm và đầu tư, dần trở thành “biểu tượng” đặc biệt của đơn vị. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm có từ 200 đến 300 chương trình giáo dục di sản được tổ chức tại bảo tàng với cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Bên cạnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các bảo tàng cũng liên kết với các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh, sinh viên; tạo cơ hội tiếp cận và am hiểu về di sản văn hóa, phát triển nhóm công chúng tiềm năng trẻ. Một số bảo tàng kết nối với các công chúng trẻ yêu thích du lịch và tìm hiểu văn hóa, mời tham quan trải nghiệm để viết, đăng tải bài đánh giá lên các nền tảng mạng xã hội, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, một số bảo tàng đã duy trì hợp tác với nhiều cơ quan báo chí. Ngoài việc thông tin đa dạng, rộng khắp, kịp thời về những sự kiện của bảo tàng tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, báo chí cũng là công cụ quan trọng hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp những phát ngôn chính thức của bảo tàng đến với công chúng nhanh nhất, trước những sự việc có khả năng gây tranh luận, ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của bảo tàng.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Khu trưng bày áo dài của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được thiết kế theo hướng truyền thống xen kẽ với hiện đại. Ảnh: TTXVN

Khu trưng bày áo dài của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được thiết kế theo hướng truyền thống xen kẽ với hiện đại. (Ảnh: TTXVN)

Một là, hoạt động truyền thông của nhiều bảo tàng chưa chuyên nghiệp, thường xuyên, bài bản; chưa có chiến lược rõ ràng trong từng giai đoạn nhất định và cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các nhà quản lý.

Tại Việt Nam, trong một thời gian dài, bảo tàng vẫn là “món ăn lạ” với nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một trong những nguyên nhân của vấn đề chính là ở công tác truyền thông. Trong số 154 bảo tàng ở Việt Nam hiện nay, chỉ một số ít chú trọng vào việc tiếp thị, marketing "thương hiệu" cho bảo tàng (cụ thể như tuyên truyền, quảng bá về trưng bày, giao lưu, trình diễn…) nhằm thu hút khách tham quan và tăng uy tín của đơn vị.

Phần lớn các bảo tàng vẫn thiếu chiến lược marketing phù hợp, chưa đa dạng hóa, mở rộng không gian các trưng bày chuyên đề, thiếu các trưng bày hấp dẫn, trưng bày trên cơ sở nhu cầu của công chúng. Các ấn phẩm quảng bá còn đơn điệu, chưa có mặt hàng lưu niệm đặc trưng và quầy hàng lưu niệm phù hợp với đặc điểm của bảo tàng.

Thứ hai, tại nhiều bảo tàng, vấn đề khó khăn nhất là thiếu đội ngũ nhân sự truyền thông chuyên nghiệp, chất lượng cao. Nhân sự làm truyền thông của nhiều bảo tàng là cán bộ chuyên môn tại chỗ, thiếu kinh nghiệm và kiến thức truyền thông toàn diện, nhất là chiến dịch truyền thông kỹ thuật số để kết nối công chúng với bảo tàng. Thiếu nguồn nhân lực được đào tạo với đầy đủ chuyên môn để phát triển theo hướng “Bảo tàng số” cũng là thách thức với nhiều bảo tàng hiện nay.

Thứ ba, nhiều đơn vị còn chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý hiện vật, hỗ trợ tham quan trưng bày, thuyết minh tự động phục vụ khách và cung cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng. Theo Báo cáo đánh giá của UNESCO, trong hơn hai năm đại dịch COVID-19, lượng khách tham quan các bảo tàng giảm 70% và doanh thu của bảo tàng giảm tới 60% so với trước đại dịch. Nhiều bảo tàng ở Việt Nam đều trong tình trạng hạn chế về ngân sách, hệ thống trang thiết bị lạc hậu, thiếu hụt và phải đối mặt với nhiều thách thức từ làn sóng chuyển đổi số của các loại hình giải trí khác.

Trong bối cảnh mới, để phát triển mạnh mẽ, bảo tàng cần trở thành một điểm đến di sản nổi bật và đáng quan tâm hàng đầu khi công chúng muốn được trải nghiệm tri thức và giải trí. Mỗi bảo tàng cần tận dụng cơ hội, xây dựng một chiến lược marketing dài hạn, bài bản, có đội ngũ nhân sự làm truyền thông chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu; cần kết nối chặt chẽ với các hãng lữ hành để kịp thời nắm bắt nhu cầu của du khách, lên chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu rộng rãi, hiệu quả hơn để từng bước đưa bảo tàng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch văn hóa.

Hiện nay, “Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030” đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các bảo tàng, đơn vị quản lý bảo tàng trong việc triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quảng bá. Theo đó, các bảo tàng cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng những chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá, phát huy cơ hội của xu thế mới.

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông cho bảo tàng Việt Nam, cần quan tâm tới một số giải pháp sau:

Đầu tư vào công nghệ số và đào tạo nhân sự

Một trong những khó khăn lớn của nhiều bảo tàng hiện nay là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo với đầy đủ chuyên môn để phát triển theo hướng “số hóa”. Câu chuyện không chỉ nằm ở việc thông tin đăng tải trên một vài trang mạng, có một vài thiết bị công nghệ phụ trợ mà phải là làm thế nào để tăng sự hấp dẫn trong trải nghiệm của khách tham quan, từ bước nhận thức tới bước cuối cùng. Theo đó, các bảo tàng cần từng bước chú trọng đầu tư vào công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Song song với đó là quan tâm tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số và truyền thông cho nhân viên. Bên cạnh đó có thể cân nhắc việc tìm đến các chuyên gia tư vấn, hợp tác với các đối tác nước ngoài để học hỏi, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Xây dựng chiến lược truyền thông đa kênh.

Cùng với tận dụng thế mạnh của mạng lưới báo chí - truyền thông trong cập nhật, truyền tải và phủ sóng thông tin tới đông đảo công chúng, các bảo tàng cần tập trung phát triển các kênh truyền thông trực tuyến thông qua mạng xã hội, trang web để tối ưu nguồn tiếp cận cho các nhóm đối tượng.

Về mặt kỹ thuật số, các bảo tàng có thể bước đầu tập trung vào 3 nền tảng: Facebook, Youtube và Website. Mỗi nền tảng cần có mục đích cụ thể để đảm bảo việc thông tin tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng. Facebook sẽ là kênh thông tin chính để tiếp cận đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ với những tin tức cập nhật đều đặn, ngắn gọn, súc tích, tập trung vào yếu tố hình ảnh và ngôn ngữ; Youtube và Website sẽ thiên hướng chuyên sâu, tập trung vào những thông tin chính thống, các hình ảnh trong các sự kiện chính thức hơn.

Các bảo tàng cũng cần chú trọng phát triển truyền thông hình ảnh và đa phương tiện để làm nội dung, duy trì sự hiện diện đều đặn trên các nền tảng này. Cần chủ động đa dạng các nội dung truyền thông như video, podcast, bài viết chuyên sâu, infographic, nội dung giải trí với đa dạng chủ đề liên quan tới các hoạt động, sự kiện, di sản, câu chuyện của bảo tàng. Cùng với đó, kết hợp triển khai trên các nền tảng mạng xã hội phối hợp như các kênh của KOCs/KOLs trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: mời trải nghiệm và chia sẻ cảm nhận thông qua mạng xã hội mà họ có tầm ảnh hưởng, từ đó tăng cường sự quan tâm của công chúng hoặc sử dụng email marketing với đối tượng khách đã từng tham quan, có dữ liệu để duy trì mức độ trung thành với bảo tàng.

Triển khai nền móng cho chiến lược truyền thông dài hạn.

Trước hết, cần xác định rõ đối tượng mục tiêu và phân khúc bảo tàng đang hướng tới là ai, nhân khẩu học là gì và có hành vi, tâm lý ra sao. Qua đó có thể có được bức tranh cụ thể hơn về những chiến lược cần thực hiện, nhằm vào hành vi và tâm lý này của công chúng.

Sau đó, xây dựng nhận diện thương hiệu từ ngôn ngữ tới hình ảnh, công cụ marketing để việc định vị giá trị bảo tàng được rõ ràng và nhất quán. Một trong những công việc bắt buộc là việc phát triển bộ nhận diện thương hiệu mới, dựa trên nền tảng bảo tàng hiện có, bao gồm đủ các yếu tố: màu sắc chủ đạo, linh vật, logo, phông chữ thường dùng, giọng điệu... Một bộ nhận diện thương hiệu được xây dựng đồng nghĩa với việc giá trị cốt lõi và tính cách của bảo tàng được phản ánh thông qua tất cả thông tin mà bảo tàng muốn truyền tải. Những nội dung này đại diện cho bảo tàng, hay nói cách khác, chính là điều mà công chúng nhớ khi nhắc tới và phân biệt các bảo tàng với nhau. Bộ nhận diện thương hiệu nên được áp dụng một cách đồng bộ cho bất kỳ hoạt động truyền thông nào, từ các kênh mạng xã hội tới các ấn phẩm, nội dung đăng tải... Kết hợp với đó thiết lập hệ thống đo lường, phân tích hiệu quả truyền thông và phát triển kế hoạch sử dụng các nền tảng theo từng mốc thời gian sao cho phù hợp với tầm nhìn dài hạn. Ngoài ra, sẽ tốt hơn nếu các bảo tàng đào tạo được một đội ngũ xử lý khủng hoảng truyền thông và có một quy trình rõ ràng cho việc này.

Cuối cùng, một chiến lược truyền thông hiệu quả không thể thiếu sự phản hồi từ công chúng. Vì thế, các bảo tàng cần có những bước thu thập phản hồi từ công chúng để ngày càng nâng cao chất lượng truyền thông và trải nghiệm của người tham quan. Cần triển khai các kế hoạch quan hệ công chúng trong và ngoài nước để phát triển cả về truyền thông báo chí và chuyên môn. Việc sở hữu mạng lưới rộng khắp sẽ giúp thông tin liên quan tới triển lãm mới, các sự kiện, hoạt động được phổ biến tới công chúng nhanh hơn. Ngoài ra, có thể kết hợp hợp tác đa dạng với các đối tác quốc tế như các Đại sứ quán, Trung tâm văn hóa các nước... để triển khai những hoạt động trao đổi, tham quan, các dự án song phương đa dạng về nội dung và cách thức./.

TS. VŨ TUẤN ANH
Học viện Ngoại giao

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất