Thời gian qua, trên một số địa chỉ truyền thông và sân khấu biểu diễn, xuất hiện tình trạng thay đổi, chế (nhại) ca từ của những ca khúc nổi tiếng vốn quen thuộc với công chúng, trong đó ca từ của một số ca khúc hoàn toàn bị biến dạng so với nguyên tác. Đây là một vấn đề cần quan tâm, không chỉ bởi chuyện vi phạm bản quyền, mà còn là sự tôn vinh, giữ gìn giá trị của một sản phẩm văn hóa từng góp phần thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, bồi đắp tâm hồn… nhiều thế hệ công chúng âm nhạc.
Gần đây, khán giả truyền hình không khỏi bất ngờ khi thấy trong đoạn một quảng cáo phở ăn liền, ca từ “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội” trong ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã thay đổi thành: “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ… phở Hà Nội” để nữ ca sĩ H.N trình bày. Trên một số diễn đàn, nhiều khán giả tỏ ý không đồng tình với việc thay đổi ca từ của ca khúc “Nhớ về Hà Nội” để phục vụ quảng cáo, đồng thời cho rằng, đó là việc làm vô tình xúc phạm cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, xúc phạm những giá trị văn hóa tinh thần mà ca khúc đã tạo dựng nên trong lòng công chúng và người hâm mộ và được họ đón nhận lưu giữ.
Thực ra hiện tượng thay đổi hoặc tạo ca từ mới cho ca khúc quen thuộc, được nhiều người yêu thích đã tồn tại trong đời sống, từ đó làm nảy sinh khái niệm “nhạc chế”. Phần lớn ca từ được “chế” lại là để gây cười, hiện tượng này thường xuất hiện trong các gameshow (trò chơi truyền hình). Chẳng hạn, một nơi ca khúc “chế” lại chiếm tỷ lệ cao là chương trình Gặp nhau cuối năm trên truyền hình đêm giao thừa. Một số ca khúc “nhạc chế” trong Gặp nhau cuối năm do các Táo Quân trình bày được khán giả thuộc, chia sẻ trên mạng với tốc độ chóng mặt như các bản “chế” từ bài “Đi học” của nhạc sĩ Vũ Đình Thảo nói về tình trạng bạo lực học đường, “Lụt từ ngã tư đường phố” từ bài “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Táo ơi mình đi đâu thế” từ bài “Bố ơi mình đi đâu thế” - ca khúc trong gameshow truyền hình cùng tên, khá thân thuộc với trẻ em. Thậm chí trên mạng còn có clip tổng hợp các ca khúc “nhạc chế” hay nhất của Táo Quân và được nhiều người quan tâm theo dõi. Cũng từ trào lưu này đã xuất hiện các trang web của “hội những người thích chế lời bài hát”, có trang thu hút hàng nghìn người tham gia. Ở một số gameshow, việc chế lời bài hát được giám khảo hoặc khách mời sử dụng như một thứ gia vị để làm cho chương trình tăng thêm sự hấp dẫn. Tuy nhiên không phải lúc nào mục đích này cũng thành công, được đông đảo người xem chấp nhận. Chẳng hạn, trong chương trình gameshow Bí mật đêm chủ nhật phát trên một kênh truyền hình địa phương, nghệ sĩ C.T đã “chế” lời ca khúc “Sáu mươi năm cuộc đời” của nhạc sĩ Y Vân để trêu đùa khách mời là người mẫu X.L, với nội dung có phần phản cảm đã nhận phải sự phản ứng của dư luận.
Một hiện tượng khá phổ biến khác là “chế” ca từ mới cho ca khúc thể hiện trong quảng cáo sản phẩm phát trên sóng phát thanh, truyền hình và các nền tảng mạng. Chẳng hạn, ca khúc “Duyên phận” được ưa thích của nhạc sĩ Thái Thịnh được “chế” ca từ mới để quảng cáo cho công ty điện máy với phần lời nôm na khiến cho không ít người yêu mến ca khúc này phải nhăn mày, nhíu trán: “Phận là phụ nữ, mua đồ là đam mê - Quạt, nổi, bếp gas, bình, tách ly muốn mua quài quài…”. Cũng ca sĩ M.T vốn từng thành công và ghi dấu ấn với ca khúc “Ước gì” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhưng khi sử dụng ca khúc này quảng cáo một sản phẩm trà: “Ước gì ăn mà không nặng nề. Ước gì Tết nào cũng nhẹ nhàng. Cả nhà mình đừng lo nữa nha. Vì nay đã có Tea Plus” đã để lại những sự tiếc nuối trong lòng người hâm mộ. Hay gần đây, ca khúc được giới trẻ yêu thích là “Bao giờ lấy chồng” của tác giả Huỳnh Hiền Năng cũng đã được “chế” ca từ mới để ca sĩ B.P trình bày trong đoạn quảng cáo mì tôm lời lẽ ngọt ngào của ca khúc sau khi được chế biến đã trở nên buồn cười, thậm chí ngô nghê như: “…giờ đây có thịt nha… mì khoai tây giờ có cả thịt...”. Ở đây, ca từ “chế” lại để quảng cáo sản phẩm có nội dung đời thường khác hẳn so với ca từ trong nguyên tác.
Chưa nói chuyện hay dở, điều đầu tiên cần bàn quanh việc “chế” ca từ mới cho ca khúc là vấn đề bản quyền. Vì có câu hỏi đặt ra là: Nếu chưa được tác giả (hoặc người thừa kế của tác giả) đồng ý, thì việc “chế” ca từ mới cho một ca khúc có bị xem là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ hay không? Và khi ca khúc gốc đã được luật pháp công nhận và bảo vệ, các ca khúc “nhạc chế” đó có được phép lưu hành, biểu diễn, hay phục vụ mục đích thương mại, giải trí?
Theo ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tại TP Hồ Chí Minh, thì: “Tất cả những bản nhạc “chế” đều được xem như là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Dù chúng được sử dụng khai thác với mục đích gì đi nữa, kinh doanh hay không kinh doanh trên các phương tiện truyền thông hay các trang mạng như YouTube, nghe nhạc trực tuyến, thậm chí là trong các tiết mục tấu hài trên sân khấu, trong các chương trình truyền hình đã và đang phát sóng đều được xác định là hành vi xâm phạm quyền tác giả, nếu chưa được sự đồng ý của tác giả”. Trong khi đó, tại các khoản 5, 6, 7 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) có quy định rất cụ thể về các hành vi xâm hại quyền tác giả, đó là: Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Cho đến nay, số ca khúc được “chế” ca từ mới nhưng không xin phép tác giả vẫn được lưu hành đang chiếm tỷ lệ khá cao. Thậm chí ca khúc quen thuộc bị sửa bằng ca từ mới vẫn được biểu diễn trong một số chương trình mà tác giả (hoặc người thừa kế của tác giả) không hề hay biết. Chỉ một số rất ít ca khúc được người sử dụng xin phép trước khi thay ca từ mới, chủ yếu để dùng trong các đoạn quảng cáo có mục đích thương mại. Do vậy, bản quyền là một vấn đề quan trọng cần được tác giả, cơ quan chức năng, các tổ chức bảo hộ quyền tác giả lưu tâm trong xử lý, lưu hành, cấp phép biểu diễn cho các ca khúc “nhạc chế”.
Tuy nhiên, ngay cả khi vấn đề pháp lý liên quan các ca khúc có ca từ được viết lại làm cho nội dung thay đổi khác hẳn so với nguyên tác đã được thực thi nghiêm túc, thì việc thay ca từ như thế nào để vừa phù hợp, vừa tôn trọng giá trị của nguyên tác, vừa bảo đảm các giá trị tư tưởng - thẩm mỹ mà nguyên tác vốn chuyển tải vẫn là điều cần được tính toán cẩn trọng và quan tâm đúng mức. Cũng cần lưu ý, từ quan hệ giữa nội dung và hình thức, khi tác phẩm âm nhạc đã hoàn thành sẽ chỉ có nội dung và hình thức tương ứng. Vì thế trong phạm vi nhất định, có thể coi việc “chế” lại ca từ là phá vỡ sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức của nguyên tác. Thí dụ: giai điệu và ca từ của ca khúc “Nhớ về Hà Nội” thống nhất với nhau diễn tả nỗi da diết của một (những) con người dù đi xa đến đâu vẫn da diết nhớ về Thủ đô với “phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè, những công viên vừa mới xây, Hồ Gươm xanh thắm, Tháp Rùa nghiêng soi bóng,...” vì đó là “Thành cũ Thăng Long, hồn nước non thiêng, dấu xưa oai hùng”. Giai điệu, ca từ và vấn đề chuyển tải đã tạo ra sắc thái khá thiêng liêng, sâu lắng vì thế khi được ghép vào để nhớ... phở (cho dù phở Hà Nội là một thương hiệu) thì những người dễ tính cũng cho rằng khó có thể hợp. Dù rằng, xu hướng “chế” ca từ bài hát để cài vào các đoạn quảng cáo sản phẩm xem ra đang được nhiều nhãn hàng ưa chuộng vì dễ làm, “ăn theo” sự nổi tiếng của ca sĩ trình bày hoặc độ hot (sức hấp dẫn) của ca khúc để tác động đến người tiêu dùng, song ngoài mục đích thương mại, hiếm có đoạn lời mới nào tạo ra cảm xúc thú vị hay giúp nâng tầm nguyên tác. Theo một số nhạc sĩ từng có ca khúc được “chế” lời mới để phục vụ cho quảng cáo của các doanh nghiệp thì ngoài tiền tác quyền thu về, họ không thấy hài lòng về những lời “chế” đó. Mặc dù vậy, vẫn có một số nhạc sĩ, người sáng tác vẫn chấp nhận để cho ca khúc của mình được viết lại lời mới, xem đó như một cách lan tỏa độ phủ sóng cho tác phẩm trong cộng đồng. Hậu quả là nhiều ca khúc nhạc “chế” bị chỉ trích là đã biến phần ca từ của các ca khúc nguyên tác thành những ngôn từ đời thường, nội dung hời hợt (thậm chí nhảm nhí) vừa làm giảm giá trị của nguyên tác, vừa làm tổn thương tình cảm của người hâm mộ, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tinh thần từng được cộng đồng xúc động, thích thú, chia sẻ.
Tạo ca từ mới cho ca khúc có thể đáp ứng yêu cầu giải trí tức thời, đáp ứng được yêu cầu thương mại, mang lợi ích kinh tế tới tác giả và nhãn hàng quảng cáo. Song cần thấy rằng về lâu dài, việc làm này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cảm thụ nghệ thuật của công chúng. Thiết nghĩ, các tác giả cũng nên cân nhắc kỹ trước khi đồng ý để ai đó “chế” ca từ mới cho ca khúc của mình, nhất là ca khúc đã in đậm dấu ấn trong công chúng. Hơn nữa, cần coi việc tôn trọng sự toàn vẹn của tác phẩm nghệ thuật là ý thức cần có, không nên xuê xoa bỏ qua, hay vì chút lợi vật chất mà chấp nhận để “sản phẩm tinh thần” vốn đã được thừa nhận về giá trị thẩm mỹ, tinh thần trở nên méo mó, suy giảm giá trị. Trở lại câu chuyện liên quan ca khúc “Nhớ về Hà Nội” được “chế” ca từ mới để quảng cáo sản phẩm phở gói gây xôn xao dư luận vừa qua, trả lời báo chí, ông Lưu Nguyễn - con trai của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, cho biết, gia đình nhạc sĩ đã ủy quyền bảo hộ tác phẩm cho VCPMC, Trung tâm đã đồng ý cho doanh nghiệp khai thác đổi lời bài hát phục vụ mục đích quảng cáo mà không tham khảo ý kiến gia đình. Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho rằng, nếu VCPMC hỏi trước, gia đình sẽ không đồng ý cho phép chuyển ca từ như vậy. Qua đó có thể thấy, gia đình nhạc sĩ ý thức rất rõ về việc “chế” lại ca từ của một tác phẩm nổi tiếng có thể gây hệ lụy như thế nào đối với sự tiếp nhận của khán giả.
Cũng phải nói rõ rằng, việc thay đổi ca từ của các ca khúc nếu được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không hề bị cấm đoán hay phản đối. Vấn đề người thực hiện cần nên cẩn trọng, hài hòa giữa các mục đích, tránh ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm và tình cảm người hâm mộ. Quan trọng hơn, để góp phần xây dựng môi trường âm nhạc lành mạnh, loại bỏ hiện tượng xô bồ, nhảm nhí, rất cần ý thức bảo vệ tác quyền của người sáng tác. Vì thế hơn ai hết, trước hết các tác giả (hoặc người thừa kế của tác giả) cần quan tâm tới việc bảo vệ giá trị của những “đứa con tinh thần”, kiên quyết nói “không” với hành vi xâm phạm tác phẩm, làm méo mó tác phẩm, ảnh hưởng đến cảm xúc thẩm mỹ của công chúng.
Theo Nhân dân