Ngày 4/12, cử tri Italia sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp do Thủ tướng Matteo Renzi đề xuất, trong đó sửa đổi nhiều quy định liên quan đến quyền hạn của Quốc hội và các đảng phái chính trị. Italia đang đứng trước khả năng khủng hoảng chính trị nếu kết quả trưng cầu ý dân bác bỏ việc cải cách hiến pháp.
Trong cuộc trưng cầu ý dân này, cử tri Italia đơn giản sẽ chỉ bỏ phiếu “ủng hộ” hoặc “phản đối” đề xuất cải cách Hiến pháp của Chính phủ do Thủ tướng Matteo Renzi đứng đầu.
Theo đề xuất trên, hệ thống lưỡng viện của Italia sẽ được cải tổ nếu giành được đa số ủng hộ của cử tri. Hiện nay, Thượng viện và Hạ viện đang có quyền lực ngang bằng nhau và thường xuyên đấu đá để giành thêm quyền lực cho mình, khiến việc lập pháp gần như là không thể. Còn trong một hệ thống mới, Hạ viện Italia sẽ có nhiệm vụ tiến hành các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và thông qua các dự luật. Trong khi đó, Thượng viện sẽ bị cắt giảm đáng kể về số lượng, từ 315 nghị sĩ xuống còn 100 nghị sĩ. Thượng viện cũng sẽ chịu trách nhiệm sửa đổi Hiến pháp và các luật vốn tác động trực tiếp đến 20 vùng của Italia...
Theo những người khởi xướng cuộc trưng cầu ý dân, đề xuất cải cách Hiến pháp lần này nhằm đơn giản hóa thủ tục lập pháp và mang lại sự ổn định chính trị hơn nữa cho "đất nước hình chiếc ủng", vốn có 60 chính phủ khác nhau kể từ năm 1946, thông qua việc loại bỏ nhiều quyền lực của Thượng viện. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, mục tiêu cuối cùng của việc cải cách hiến pháp là ngăn chặn ảnh hưởng mạnh của đảng dân túy Phong trào Năm sao (M5S) của danh hài Beppe Grillo và tỷ phú công nghệ Gianroberto Casaleggrio khi thông qua các quyết sách cải cách kinh tế, chính trị của đảng cầm quyền.
Để củng cố niềm tin về tính cần thiết của việc cải cách hiến pháp, Thủ tướng Matteo Renzi cam kết sẽ từ chức nếu ông không giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 4/12. Thế nhưng, bản thân ông Renzi cũng không lường trước những khó khăn. Hồi đầu năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, Thủ tướng Renzi sẽ thành công vì tại thời điểm đó, ông Renzi vẫn được coi là nhà cải cách đầy quyền lực. Nhưng tỷ lệ ủng hộ ông đã bị sụt giảm và vị thế của ông giờ đây khá bấp bênh. Ngay nội bộ đảng Dân chủ (PD) của ông cũng đang bị chia rẽ sâu sắc trước thềm cuộc bỏ phiếu. Vì thế, giới quan sát nhận định, việc sửa đổi Hiến pháp được xem là canh bạc mạo hiểm của vị Thủ tướng 41 tuổi.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Italia ngày 4/12 được nhận định sẽ tác động lớn đến toàn bộ châu Âu. Sau cơn chấn động Brexit (Anh ra khỏi Liên minh châu Âu), tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, cuộc trưng cầu ý dân ở Italia sẽ là cú sốc lớn đối với châu Âu nếu như cử tri nước này nói “không” với cải cách hiến pháp.
Trước hết, Italia là nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), là mắt xích quan trọng của tăng trưởng châu Âu. Nếu Italia rơi vào bất ổn, điều này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế toàn khu vực.
Ngoài ra, nếu thất bại, ông Renzi, một Thủ tướng thân châu Âu, sẽ phải từ chức như cam kết và Italia sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn một năm. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội cho đảng cực hữu “Phong trào Năm sao” có quan điểm hoài nghi châu Âu vào chính trường. Đây mới thực sự là mối lo lớn của châu Âu trước làn sóng dân túy đang tràn vào lục địa già.
Trong những ngày gần đây, dư luận nói về khả năng thất bại nhiều hơn thành công của cuộc trưng cầu ý dân bởi lẽ các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, tỷ lệ phản đối khá cao. Những người phản đối cho rằng, nếu sửa đổi Hiến pháp theo hướng như ông Renzi đề xuất, có thể sẽ làm suy yếu hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực ở Italia. Tuy nhiên, do số lượng cử tri đang do dự vẫn còn khá lớn, nên hy vọng giành thắng lợi của ông Renzi chưa phải đã chấm dứt. Có điều, sau Brexit, người dân châu Âu lại thêm một đêm mất ngủ chờ đợi kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ở quốc gia hình chiếc ủng này./.
Bình Nguyên (Báo QĐND)