Chủ Nhật, 7/9/2014 21:37'(GMT+7)
Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dại trên đàn chó tại Nam Định
Theo ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nam Định, tổng đàn chó nuôi trên địa bàn Nam Định hiện nay là hơn 310.000 con, nhưng mỗi năm các địa phương mới tổ chức tiêm phòng vắcxin dại được khoảng 60.000 con, đạt dưới 20% tổng đàn.
Tại Nam Định, hiện tượng nuôi chó thả rông, không được quản lý hiện rất phổ biến, nhận thức của người dân về bệnh dại trên động vật, nhất là trên đàn chó, còn hạn chế. Do đó, nguy cơ phát sinh, lây lan bệnh dại trên đàn chó tại địa bàn là rất cao.
Theo ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nam Định, tổng đàn chó nuôi trên địa bàn Nam Định hiện nay là hơn 310.000 con, nhưng mỗi năm các địa phương mới tổ chức tiêm phòng vắcxin dại được khoảng 60.000 con, đạt dưới 20% tổng đàn.
Trong tháng 6/2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã gửi công văn tới Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố để phối hợp tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên động vật.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Tháng 8/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, ngành nông nghiệp, y tế thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật. Tuy nhiên, kết quả triển khai năm 2014 còn hạn chế, tỷ lệ tiêm phòng vắcxin dại trên đàn chó tính đến ngày 6/9 chỉ đạt 17%.
Từ năm 1999 đến tháng 7/2014, tại Nam Định chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do chó dại cắn. Do đó, người dân có tư tưởng chủ quan, không quan tâm nhiều đến việc tiêm phòng cho chó, mèo; hiện tượng nuôi chó, mèo thả rông rất phổ biến. Cùng với đó là sự thiếu sát sao trong quản lý của chính quyền cơ sở.
Trong tháng qua, bệnh dại trên đàn chó bắt đầu phát sinh khi một ổ dịch chó dại được phát hiện tại xã Trực Cường, huyện Trực Ninh.
Chi cục Thú y tỉnh Nam Định đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, thống kê tại xã Trực Cường, đồng thời tổ chức tiêm cho toàn bộ đàn chó gần 1.100 con của xã. Trong quá trình thực hiện, có những hộ nuôi tới ba con chó nhưng nhất quyết không cho tiêm, khiến ngành chức năng phải tiến hành "cưỡng chế tiêm."
Để công tác phòng chống bệnh dại trên động vật đạt hiệu quả, hiện nay ngành thú y tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về tính nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống hiệu quả; đồng thời vận động các hộ thực hiện tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo; tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật, nhất là vận chuyển chó, mèo từ các vùng lưu hành bệnh dại; có biện pháp xử lý đối với các hộ nuôi chó, mèo nhưng không thực hiện tiêm phòng vắc xin dại./.
TTXVN