Thứ Năm, 19/9/2024
Xã hội
Thứ Hai, 11/6/2018 14:31'(GMT+7)

Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo bão và lũ quét

Chương trình nhằm đánh giá mức độ rủi ro đối với các loại hình thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là các thiên tai có tần suất xuất hiện cao hàng năm như bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngoài ra, chương trình cũng hướng tới việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai bão, nước biển dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn làm cơ sở đề xuất giải pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với rủi ro thiên tai cho các khu vực...


Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phạm vi thực hiện của chương trình sẽ tập trung tại các khu vực thường xuyên xảy ra loại hình thiên tai trên đất liền, vùng biển và hải đảo của Việt Nam.

Nội dung, nhiệm vụ chương trình là phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão và nước biển dâng do bão; phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ, ngập lụt; phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất tại khu vực trung du và miền núi.

Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ tập trung phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo nắng nóng, hạn hán xâm nhập mặn, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối, động đất, sóng thần.

Chương trình được triển khai từ năm 2018, trong đó giai đoạn từ năm 2018-2020 tập trung đánh giá, lập bản đồ cảnh báo thiên tai và bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai đối với một số loại hình thiên tai thường xảy ra như  bão, lũ, ngập lụt, lũ quét...

Để triển khai hiệu quả, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với các cơ quan và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của chương trình; đồng thời chịu trách nhiệm về hiệu quả của chương trình./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất