Đêm nhạc Beethoven "Pastoral Symphony" ngày 6 và 7-12 tới đây của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ có sự xuất hiện của "cậu bé vàng piano" Nguyễn Việt Trung trở về từ Ba Lan. Một năm để chuẩn bị cho hai đêm diễn đặc biệt này, Việt Trung đang rất tự tin để khán giả Thủ đô thấy mình trưởng thành hơn trong những ngón đàn.
Nguyễn Việt Trung đã khác nhiều so với lần đầu cậu về Việt Nam diễn cách đây ba năm. Cao hơn, nghệ sĩ hơn và tự tin hơn dù vẫn thoáng nét rụt rè của một cậu chàng mới lớn. 16 tuổi, Trung đang học lớp 10 Trường Âm nhạc Im Oskara Kolberga tại Vacsava, Ba Lan. Gia đình không ai theo âm nhạc, phát hiện ra Trung là bà giáo dạy nhạc của chị gái. Chỉ học lỏm, chưa biết nốt nhạc, Trung vẫn đánh được một đoạn dài và đúng. Quyết định theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp quả thật không dễ với gia đình và người không có kinh nghiệm như cậu. Thế nhưng sự say mê, năng khiếu đặc biệt đã đưa Trung tiến sâu trên con đường này.
Đối với Trung, NSND Đặng Thái Sơn là một người thầy, một thần tượng, một ngọn núi mà cậu đang vươn tới. Hỏi Trung: "Em nghĩ bao giờ mình có thể chơi nhạc bằng NSND Đặng Thái Sơn?", Trung bảo: "Chậm nhất là 10 năm nữa!". "Thế còn vượt?", "Em nghĩ chắc đời này thì không thể!". Trung không tự cao mà là tự tin. Là người trẻ nhất thiết phải như thế. Bởi không phải tự nhiên mà người ta gọi cậu là "Đặng Thái Sơn thứ hai". Những cống hiến và giải thưởng quốc tế Trung sở hữu thật đáng nể. Và giới âm nhạc Ba Lan luôn coi cậu là một tài năng hiếm có.
Sống ở Ba Lan từ 6 tháng tuổi, nhưng Trung nói tiếng Việt rất tốt. Cũng bởi, trong gia đình Trung có quy ước luôn nói tiếng Việt với nhau. Ở Ba Lan, cậu luôn nghĩ mình là người Việt Nam, sống và làm việc theo tính cách của người Việt. Và khi về quê nhà, điều mà Trung khó chịu nhất ấy là cảm giác mình chưa được Việt Nam lắm. Trong âm nhạc, Trung tự nhận mình không phải là người quá chăm chỉ, nhưng có niềm say mê và háo hức đủ để cậu có nghị lực vượt qua mọi khổ luyện.
Trong lần tái ngộ này, Nguyễn Việt Trung sẽ chơi solo bản "Concerto số 3" mà Beethoven viết vào năm 1800. Tác phẩm thuộc trường phái lãng mạn, có sự sôi nổi, sảng khoái, vui tươi. Một năm luyện tập đủ để Trung tự tin làm tốt dù cậu chưa chơi tác phẩm này trên sân khấu lớn, dù Beethoven không phải nhạc sĩ "tủ" của cậu. Trung được đánh giá chơi tốt nhất nhạc của Liszt, nhưng âm nhạc cậu thích thú, say đắm là Chopin. Tất nhiên, là một nghệ sĩ đòi hỏi cậu phải chơi giỏi và hay tất cả tác phẩm của các nhà soạn nhạc kinh điển trên thế giới.
Nguyễn Việt Trung may mắn là người mở đầu cho loạt chương trình cuối năm chuyên về âm nhạc Beethoven của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Tiếp sau đây là hai buổi trình diễn "Bản giao hưởng số 9" vô cùng nổi tiếng của nhà soạn nhạc thiên tài này (18 và 19-12), đặc biệt hơn cả là chương trình của NSND Đặng Thái Sơn với hai đêm chơi 5 bản concert piano (15 và 18-1-2013). Đó là một sự đánh giá cao, đáng trân trọng dành cho một nghệ sĩ trẻ. Hy vọng rằng sẽ có thêm một người nữa bằng tài năng của mình, làm cho cả thế giới biết về Việt Nam.
Một số thành tích của Nguyễn Việt Trung:
- Giải Nhì thi piano trẻ tại Zyrardow, Ba Lan (2004, 2006). - Giải Nhất thi piano lần thứ III toàn Ba Lan dành cho pianist trẻ Emmy Alberg (2005). - Giải đặc biệt cuộc thi Chopin tại vùng Mazowiecki, Ba Lan lần XIV và đoạt "Nốt nhạc vàng" dành cho tay đàn chơi Mozart hay nhất (2006). - Giải Nhì cuộc thi quốc tế Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska tại Plock, Ba Lan (2008). - Giải Nhì cuộc thi quốc tế "Chopin cho người trẻ tuổi" tại Antonin, Ba Lan (2010). - Giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi Palma de Mallorca, Tây Ban Nha 2012. |
Yên Nga/HNM0