Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 17/5/2015 21:8'(GMT+7)

Câu chuyện xúc động về những ngày Bác Hồ ở Phú Thượng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Khi Bác Hồ về Phú Thượng, ông Dũng chưa được sinh ra. Nhưng từ những câu chuyện mà cha mẹ kể lại, ông Dũng đã thuộc lòng câu chuyện về Bác trong thời gian Người lưu lại gia đình ông. Ông và tất cả mọi người trong gia đình đều coi đó là niềm vinh dự mà mỗi thành viên trong gia đình mãi trân trọng, ghi nhớ.

Trong căn phòng treo những tấm bằng ghi công, những bức ảnh kỷ niệm, ông Công Ngọc Dũng tự hào cho biết những năm 1941-1945, gia đình ông thuộc diện khá giả của thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Gia đình ông lúc đó có nhiều thế hệ sinh sống và từng có người làm Chánh tổng nhưng được giác ngộ.

Bà nội ông Dũng là cụ Nguyễn Thị An và bố ông là Công Ngọc Kha đều đi theo cách mạng. Ông Công Ngọc Kha cũng là một trong năm đảng viên đầu tiên của xã Phú Thượng thời đó.

Căn nhà của gia đình cụ An lúc đó trở thành địa chỉ hoạt động của cán bộ an toàn khu Phú Thượng và người đầu tiên đến ở, hoạt động là ông Hoàng Tùng, cán bộ an toàn khu Phú Thượng.

Chiều 23/8/1945, ông Hoàng Tùng thông báo với gia đình chiều nay nhà sẽ có khách. Vậy là cụ An, ông Kha và mọi người trong gia đình chuẩn bị đón tiếp dù không biết vị khách đó là ai.

Đến khoảng 5 giờ chiều, một cụ già người gầy, mắt sáng, tóc hoa râm, tay chống gậy tre, đeo túi cùng một đoàn 13 người đi vào nhà. Cụ ở lại đây trong hai ngày.

Tới ngày mùng 2/9/1945, mọi người trong gia đình cụ An lúc đó đi dự lễ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mới nhận ra vị khách hôm nào. Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập chính là Bác Hồ, đã từng nghỉ tại nhà mình.

Trong những ngày Bác nghỉ lại nhà cụ An, căn nhà thường dùng làm nơi tiếp khách của gia đình được dành riêng để Bác cùng các cán bộ nghỉ. Ông Công Ngọc Dũng được người thân trong gia đình kể lại rằng những ngày ở ngôi nhà của gia đình ông, Bác Hồ làm việc liên tục, đêm Bác cũng chỉ ngủ rất ít. Buổi sáng, Người dạy sớm, ra bờ ao tập thể dục rồi tiếp tục vào làm việc. Cụ Nguyễn Thị An lúc đó đã gác mọi công việc để phục vụ Bác và những người trong đoàn, tất cả những đồ ăn ngon trong gia đình cụ đều mang ra đãi khách.

Ngày 25/8/1945, Bác vẫn dậy sớm tập thể dục rồi gọi con trai cụ An là ông Công Ngọc Kha tới hỏi chuyện. Bác đã hỏi ông Kha làm nghề gì, gia đình có mấy người. Hỏi chuyện xong, Bác Hồ còn bế con gái ông Kha là Công Thị Minh lên nựng rồi dạy bé hát. Sau đó, Người lại tiếp tục làm việc.

Trong thời gian Bác ở tại nhà cụ Nguyễn Thị An, rất nhiều người đến gặp Bác để bàn bạc công việc. Mãi sau này cụ An mới biết Bác đã làm việc với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng trước khi vào nội thành. Bác đã nghe báo cáo về kết quả tổng khởi nghĩa trong cả nước và bàn việc chuẩn bị ra mắt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội cùng với các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh...

Chiều 25/8/1945, Bác Hồ gọi ông Công Ngọc Kha lại và đề nghị được gặp ông cụ để cảm ơn gia đình đã chăm lo trong mấy ngày vừa qua. Rồi Bác chào mọi người trong gia đình để vào nội thành và có dặn lại: “Sau này sẽ có ngày tôi về thăm gia đình.”

Đón Người đi có đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Hoàng Tùng. Trong câu chuyện kể, không ít lần ông Công Ngọc Dũng dừng lại vì xúc động. Rồi ông tiếp lời đúng lời hẹn, tháng 11/1946, Bác trở lại thăm gia đình cụ Nguyễn Thị An. Khi Bác đến cổng, ông Kha chạy ra đón Bác.

Bác nói:

- À, chú Hai (ông Kha là con thứ hai trong gia đình), thế ông cụ đâu?

- Thưa Bác, ông cháu ở nhà trên ạ. Ông Kha trả lời.

Khi vào trong nhà, Bác đề nghị ông Kha đi mời các đồng chí cán bộ địa phương đến. Đến gặp Bác lúc đó có ông Thanh Y là cán bộ phụ trách thanh niên xã, ông Phạm Đình Hào là đội trưởng đội tự vệ, bà Nguyễn Thị Thuần là cán bộ phụ trách dân vận và một số đồng chí khác. Bác Hồ đã hỏi chuyện từng người.

Khi Bác hỏi đến ông Thanh Y, phụ trách thanh niên của xã Phú Thượng lúc đó:

- Bây giờ giặc Pháp chuẩn bị đánh ta thì thanh niên chuẩn bị như thế nào?

Ông Thanh Y xúc động và lúng túng, bèn hô to: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm."

Sau đó, Bác Hồ nói với ông Công Ngọc Kha để Bác gặp cụ Công Văn Trường là ông nội của ông Dũng. Cụ Công Văn Trường lúc đó đã mặc áo the, chống gậy đi xuống, vừa đến sân, trông thấy Bác bèn chắp tay vái. Bác chạy lại đỡ cụ và nói: "Bây giờ chúng ta là anh em cả, không như thời phong kiến nữa."

Bác cùng cụ Trường vào nhà trò chuyện, Bác hỏi:

- Giặc Pháp chuẩn bị đánh ta, các cụ thấy thế nào?

- Thằng Pháp có tàu bay, xe sắt to lắm, cụ Trường đáp.

- Giặc Pháp có tàu bay, xe thiết giáp, ta cũng không sợ mà ta chỉ cần có lòng dân, quyết tâm đánh giặc, Bác nói.

Sau buổi đến thăm, Bác chào mọi người ra về. Đến tháng 1/1957, đúng vào mùng 1 Tết Nguyên đán, Bác Hồ trở lại Phú Thượng lần thứ ba nhưng lần này Bác đến thăm gia đình nghèo nhất xã là nhà ông Công Đình Chén và thăm gia đình cụ Công Thị Ái, con gái út cụ Công Văn Trường.

Năm 1996, căn nhà ba gian hai chái (xây dựng năm 1929) của gia đình ông Công Ngọc Dũng được thành phố Hà Nội chuyển thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Với niềm tự hào và lòng kính yêu Bác, gia đình ông Công Ngọc Dũng đề xuất và được thành phố giao cho quản lý, trông coi ngôi nhà này.

Dẫn khách đi thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ, ông Dũng cho biết ngôi nhà đã qua ba lần tu bổ, nâng cấp. Nguồn vốn do thành phố Hà Nội đầu tư. Bộ tràng kỷ Bác từng làm việc, chiếc sập gỗ Bác đã nằm nghỉ thủa xưa, nay vẫn còn đó. Một số hiện vật khác hoặc là vẫn còn hoặc là được gia đình phục hồi, sắp đặt như cũ.

Điều ông Công Ngọc Dũng tâm tư là chiếc chõng tre mà Bác Hồ từng ngồi ăn cơm không còn và nay chưa phục hồi được. Tại gian chính ngôi nhà, gia đình cũng đặt trang trọng một bát hương thờ Bác. Hai gian bên cạnh được treo các hình ảnh liên quan đến các lãnh đạo Trung ương và Hà Nội từng đến thăm ngôi nhà cùng một số bức ảnh ghi lại từng giai đoạn cách mạng của Việt Nam.

Tại ngôi nhà này, gia đình ông còn được đón rất nhiều lãnh đạo Trung ương và Hà Nội như đồng chí Trần Đăng Ninh, Trường Trinh, Đỗ Mười, Võ Chí Công, Lê Đức Anh và nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Phú Trọng.

Trách nhiệm trông coi ngôi nhà không chỉ có thế hệ ông Dũng mà các con cháu của ông sau này cũng phải đảm trách, vì đó là niềm tự hào, vinh dự của cả gia đình, ông Công Ngọc Dũng khẳng định như vậy./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất