Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 14/5/2015 9:35'(GMT+7)

Để quê hương Kim Liên thêm “xanh”


Sân vận động làng Sen rộng hơn 1ha được xây dựng năm 1945, góc Đông Bắc có cây đa cổ thụ. Trong hai lần Người về thăm quê, dưới gốc cây đa này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện rất thân mật với cán bộ, đồng bào. Ông Nguyễn Sinh Quế, Bí thư xã Kim Liên thời kỳ đó nhớ lại năm 1961, khi cán bộ Tỉnh đoàn về đây học tập đã phát động trồng cây bạch đàn nhưng một thời gian sau cây bị khô và chết dần. Trong lần Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai, chứng kiến cảnh tượng đó, Người đã nhắc nhở: Nếu trồng cây mà trồng theo phong trào thì không đảm bảo, đào cây sống trồng cây chết là tội lỗi. Chính quyền địa phương nên có biện pháp trồng cây nào sống cây ấy, phải chọn cây phù hợp với khí hậu, chất đất nơi đây. Trồng cây phải đúng thời vụ, đúng kỹ thuật thì cây mới xanh tốt được”. 
Khắc sâu lời dạy của Bác, năm 1962, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên, ông Nguyễn Sinh Quế đã tổ chức họp Ban Chấp hành Đảng bộ bàn riêng về việc trồng cây đầu Xuân, dọc đường liên hương quê nội về quê ngoại Bác Hồ với chiều dài 5km. Sau khi tìm hiểu kỹ, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã quyết định trồng cây xà cừ. Đây là loại cây chịu mưa gió bão, hạn hán rất tốt, lại cho tán rất nhiều, tạo bóng mát dọc hai bên đường đi. Để xây dựng ý thức cho cán bộ, đảng viên, người dân cùng chung tay gìn giữ và chăm sóc, Đảng bộ xã Kim Liên thời bấy giờ đã giao mỗi đảng viên trồng 2 cây, mỗi Đảng ủy viên trồng 4 cây, mỗi ủy viên ủy ban xã trồng 4 cây. Trồng cây phải chăm sóc, tưới nước, bón phân, nếu cây nào bị chết thì phải trồng thay thế cây khác. Cán bộ, nhân dân, đảng viên xã Kim Liên đã trồng được 500 cây xà cừ. Bác Hồ gửi thư động viên, khen ngợi việc làm này của cán bộ, đảng viên, nhân dân xã và khuyến khích xã tiếp tục chăm sóc, bảo vệ hàng cây thật tốt tươi. 

53 năm trôi qua, giờ đây hàng cây xà cừ đã trở thành những cây cổ thụ to lớn. Trừ một số cây bị bão quật gãy đổ, tuyệt đối không có người dân nào chặt phá. Hàng cây xà cừ đã trở nên thân quen, tỏa bóng mát cho người dân cũng như du khách mỗi khi về thăm quê Bác. 
Từ cổng chào Kim Liên đi Hoàng Trù, rồi từ trường cấp 1, cấp 2 Kim Liên xuống khu vực UBND xã, vào tận làng Sen đều được chính quyền và người dân phủ kín bằng cây sen. Sen được đưa vào trồng là giống sen hồng được lấy từ Đồng Tháp Mười, nơi mà cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ yên nghỉ. Sau khi sen được nhân giống và phát triển tốt, xã đã giao cho từng hộ bảo vệ, quản lý và chăm sóc. Nguồn thu từ sen, xã để cho các hộ tự quản lý. Với khoảng 4ha mặt nước, đến nay đã có 15 hộ nhận chăm sóc các hồ sen. Các hộ cũng cam kết không nuôi cá trắm, không dùng lưới đánh bắt cá để sen không bị hư hại. 
Nhận chăm sóc hồ sen trước nhà từ năm 2012 đến nay, anh Trần Văn Liên, xóm Hồng 2 xã Kim Liên xem đây là may mắn của gia đình mình. Vì thế, không ngại bỏ công, bỏ sức, anh và vợ ngày đêm chăm chút để hồ sen phát triển và cho hoa đúng mùa. Sen thường nở từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm và nở rộ nhất vào đúng dịp sinh nhật Bác. Trước đây, hồ sen này là hồ cá. Sau khi có chủ trương của Đảng ủy xã, gia đình anh Liên đã chuyển đổi sang trồng sen. Tuy hiệu quả kinh tế từ trồng sen không cao như nuôi cá, lại bỏ công sức chăm sóc khá cẩn thận song ý nghĩa, giá trị văn hóa từ việc trồng sen lại rất lớn. “Việc khôi phục và duy trì trồng sen vừa tạo nên nét đặc trưng vùng thôn quê thanh bình yên ả của quê hương Bác, vừa tạo nên cảnh quan, môi trường đẹp. Sen còn trở thành một sản phẩm du lịch cho du khách mỗi khi về đây tham quan”, anh Trần Văn Liên chia sẻ.

Xã Kim Liên đang xây dựng, phát triển theo hướng vừa bảo tồn văn hóa truyền thống làng quê, vừa văn minh, hiện đại. Tại xóm Sen 3, xóm đầu tiên của xã có hệ thống hàng rào được xây đồng bộ, vừa thân thiện, gần gũi xóm làng, vừa giữ được sự riêng tư của mỗi gia đình. Đó là bờ rào xanh và xây dựng vườn sinh thái. Năm 2013, Giếng Phụ Đầm (hay còn gọi là Giếng Thiêng) – di tích nằm trong Làng Sen đã được những người con xa quê cùng nhân dân trong vùng khôi phục và bảo tồn, trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách.

Dựa trên nền tảng về văn hóa, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, tỷ trọng ngành dịch vụ của Kim Liên sẽ đạt khoảng 35% cơ cấu kinh tế. Đây là tỷ lệ cao trong cán cân kinh tế mà xã hướng tới. Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ xã Kim Liên chỉ đạo chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại – du lịch – công nghiệp xây dựng – nông nghiệp. Hướng phát triển kinh tế chủ yếu vẫn xoay quanh trục dịch vụ - thương mại – du lịch. Ông Trần Lê Chương, Chủ tịch xã Kim Liên cho biết: Xã luôn khuyến khích người dân sản xuất các sản phẩm du lịch theo các tiêu chí gần gũi, thân thiện. Bên cạnh đó, khai thác tối đa diện tích đất đai, phát triển đa dạng các loại cây hàng hóa phục vụ khách du lịch như chuối, na, ổi, bưởi, táo, hồng xiêm, ngô nếp, khoai lang; xây dựng các vùng trồng hoa, rau xanh an toàn; khuyến khích nhân dân xây dựng vườn cây sinh thái, tạo không gian xanh thư giãn. 
Theo định hướng đó, nhiều đảng viên, hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, trồng cây ăn quả phục vụ tại chỗ cho du khách. Xã còn khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân đầu tư hệ thống xe điện, nhà hàng ăn uống, cửa hàng bán đồ lưu niệm và xây dựng điểm tập kết phục vụ du khách./. 

TTX


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất