Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 30/10/2020 9:4'(GMT+7)

Chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình

Khám, tư vấn và cấp thuốc cho chị em phụ nữ tại Trạm Y tế xã Kon Đào (*), huyện Đăk Tô

Khám, tư vấn và cấp thuốc cho chị em phụ nữ tại Trạm Y tế xã Kon Đào (*), huyện Đăk Tô

Để hiểu rõ về CSSKBĐ theo nguyên lý YHGĐ, trước hết chúng ta cần nhắc lại quan niệm đầy đủ về sức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và khái niệm về CSSKBĐ theo Tuyên ngôn Alma-Ata năm 1978.

Hiến pháp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ký 22/7/1946, có hiệu lực từ ngày 07/4/1948 (và được khẳng định trong Tuyên ngôn Alma-Ata năm 1978) đưa ra định nghĩa về sức khỏe như sau: “Sức khỏe là tình trạng hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật hoặc đau yếu”. Với định nghĩa này, chúng ta cần hiểu khỏe mạnh là trạng thái của một người có đầy đủ các yếu tố sức khỏe sau: Sức khỏe thể lực (physical health): Đây là yếu tố cần thiết nhất của sức khỏe, liên quan đến những chức năng cơ học của cơ thể; sức khỏe tâm thần (mental health): Khả năng suy nghĩ sáng sủa, rõ ràng, mạch lạc và kiên định; sức khỏe cảm xúc (emothional health): Khả năng cảm nghĩ, xúc động và sợ hãi, thích thú, vui buồn, tức giận và khả năng thể hiện các cảm nhận đó một cách thích hợp; đồng thời cũng là khả năng đương đầu với các stress, sự căng thẳng, nỗi thất vọng và lo lắng; sức khỏe xã hội (social health): Khả năng tạo lập và duy trì mối quan hệ lành mạnh với những người khác trong xã hội; sức khỏe tâm linh (spiritual health): Ở một số người yếu tố này liên quan đến niềm tin, tín ngưỡng; một số người khác liên quan đến niềm tin của cá nhân, các nguyên tắc liên quan đến hành vi thực hành để đạt được sự thoải mái về tâm linh; sức khỏe môi trường xã hội (societal health): Môi trường không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về thể lực và tâm hồn, con người không thể được coi là khỏe mạnh.

Theo Tuyên ngôn Alma-Ata năm 1978, CSSKBĐ là sự chăm sóc sức khỏe (CSSK) thiết yếu, dựa trên các phương pháp và kỹ thuật có tính thực tiễn, có cơ sở khoa học và được xã hội chấp nhận, phổ cập đến mọi cá nhân và gia đình trong cộng đồng, qua sự tham gia tích cực của họ với một phí tổn mà cộng đồng và quốc gia có thể chi trả được ở bất cứ giai đoạn phát triển nào, trên tinh thần tự lực và tự quyết.

Những chăm sóc thiết yếu chính là những chăm sóc cơ bản cho sức khỏe, có thể tới được mọi người dân, nơi họ đang sinh sống, phù hợp với nền kinh tế của người dân, của đất nước và được người dân chấp nhận, tích cực tham gia. Nội dung CSSKBĐ không hoàn toàn giống nhau ở các nước. Trong cùng một nước, cùng một thời điểm nhưng lại khác nhau ở các vùng, miền. Nội dung CSSKBĐ cần được thay đổi theo thời gian, thay đổi theo hoàn cảnh để phù hợp với tình hình sức khỏe, kinh tế, xã hội của nhân dân, địa phương và Nhà nước.

CSSKBĐ có bốn nguyên tắc cơ bản: (i) Tiếp cận rộng rãi và phổ cập các nhu cầu cơ bản: Đây là nguyên tắc nền tảng của CSSKBĐ. Mọi người dân trên thế giới được tiếp cận với những chăm sóc y tế hiện có để đảm bảo có sức khỏe đầy đủ. (ii) Sự tham gia và tự lực của cá nhân và cộng đồng: Yếu tố chìa khóa để đạt được sự tham gia và tự lực của cá nhân và cộng đồng là giáo dục, xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi người với sức khỏe của chính mình và của mọi người. (iii) Phối hợp liên ngành trong CSSKBĐ: Ngành Y tế đóng vai trò chính, phải phối hợp với các ngành khác như giáo dục và đào tạo, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa thể thao du lịch..., phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, với chính quyền địa phương để đạt được hiệu quả cao trong CSSKBĐ. (iv) Kỹ thuật thích ứng, hiệu quả chi phí trong khuôn khổ nguồn lực có sẵn: Dựa vào thực trạng tại địa phương để đưa ra những kỹ thuật chăm sóc cho phù hợp, hiệu quả và huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Hội nghị quốc tế về CSSKBĐ được tổ chức từ ngày 06-12/9/1978 tại Alma-Ata (hiện nay đổi tên là Almaty, là thành phố lớn nhất, thủ đô thương mại và trước đây là thủ đô của Cộng hòa Kazakhstan), do WHO và UNICEF bảo trợ, với 134 nước (trong đó có Việt Nam) và 67 tổ chức quốc tế tham dự. Hội nghị đưa ra Bản Tuyên ngôn nổi tiếng về CSSKBĐ là Tuyên ngôn Alma-Ata, gồm 8 điểm, là chiến lược y tế toàn cầu nhằm đạt mục tiêu “Sức khỏe cho mọi người”, bao gồm: (1) Giáo dục liên quan đến các vấn đề sức khỏe thịnh hành và các phương pháp ngăn ngừa và kiểm soát chúng; (2) Thúc đẩy cung cấp thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý; (3) Cung cấp đầy đủ nước sạch và vệ sinh cơ bản; (4) Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bao gồm cả kế hoạch hóa gia đình; (5) Tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; (6) Phòng chống và kiểm soát các bệnh dịch địa phương; (7) Điều trị thích hợp các bệnh và chấn thương thông thường; (8) Cung cấp thuốc thiết yếu.

Việt Nam chấp nhận nội dung 8 điểm của Tuyên ngôn Alma-Ata. Dựa vào thực trạng tình hình sức khỏe, bệnh tật của nhân dân và thực trạng kinh tế, xã hội của đất nước; CSSKBĐ ở nước ta được bổ sung thêm 2 điểm: (1) Quản lý sức khỏe; (2) Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở.

Trong những năm qua, các ưu tiên và chiến lược y tế đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên CSSKBĐ vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống y tế của mọi quốc gia. Tại Argentina, vào tháng 8/2007, Hội nghị quốc tế về Sức khỏe cho Phát triển của WHO khẳng định lại, CSSKBĐ vẫn là chìa khóa để đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDGs) với nhiều cơ hội và thách thức mới. Báo cáo của WHO 2008, khẳng định lần nữa: Primary Health Care “Now More Than Ever” (CSSKBĐ “Bây giờ hơn bao giờ hết”. Tiến sĩ Margaret Chan, cựu Tổng Giám đốc WHO đã từng nói: “Song, dù cho đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y tế toàn cầu, tiếc thay, những bài học nhãn tiền về thất bại chung trong việc thực hiện các giá trị (của CSSKBĐ) vẫn còn khiến chúng ta phải quan tâm thêm nhiều hơn bao giờ hết…”.

Sau 40 năm, cộng đồng quốc tế tiếp tục cùng cam kết tăng cường CSSKBĐ hướng đến bao phủ CSSK toàn dân và hoàn thành Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 (Sustainable Development Goals – SDGs, thay cho Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã hết hạn vào cuối năm 2015). Cụ thể là vào ngày 25/10/2018 vừa qua, tại thành phố Astana, Kazakhstan, Tuyên ngôn Astana đã chính thức được công bố tại Hội nghị toàn cầu về CSSKBĐ hướng đến mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân và Mục tiêu Phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe [bao gồm 9 chỉ tiêu: (i) Tử vong mẹ; (ii) Tử vong sơ sinh và trẻ em; (iii) Bệnh lây nhiễm (AIDS, lao, sốt rét, bệnh nhiệt đới bị lãng quên, viêm gan, bệnh liên quan đến nước); (iv) Bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; (v) Lạm dụng thuốc; (vi) Tai nạn giao thông đường bộ; (vii) Sức khỏe sinh sản; (viii) Bao phủ CSSK toàn dân; (ix) Sức khỏe môi trường (hóa chất, không khí, nước và ô nhiễm đất)], do WHO và UNICEF tổ chức với sự tham dự của 192 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Tuyên ngôn Astana tái khẳng định Tuyên ngôn lịch sử Alma-Ata năm 1978, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo thế giới cam kết CSSKBĐ, thể hiện quyết tâm của tất cả các nước trên thế giới xem CSSKBĐ là nền tảng cốt lõi để hướng đến mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân của mỗi quốc gia.

Tuyên ngôn Astana có 7 nội dung chính như sau: (1) Khẳng định mạnh mẽ cam kết đối với quyền cơ bản của mỗi con người về việc được hưởng thụ những chuẩn mực cao nhất về sức khỏe có thể đạt được mà không có bất kỳ một sự phân biệt nào; (2) Tăng cường CSSKBĐ là cách tiếp cận mang tính hiệu năng, hiệu quả và bao hàm nhất để nâng cao sức khỏe cả về thể chất, tinh thần và xã hội cho mọi người, cũng như cho xã hội, và CSSKBĐ là nền tảng của một hệ thống y tế bền vững cho mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe; (3) Sức khỏe vẫn còn là thách thức đối với nhiều người, đặc biệt là người nghèo và những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương. Xét về mặt đạo đức, chính trị, xã hội và kinh tế không thể chấp nhận sự bất bình đẳng về y tế và sự khác biệt về sức khỏe. Cam kết mọi người dân đều có thể tiếp cận chăm sóc giảm nhẹ, các dịch vụ phục hồi chức năng, điều trị, dự phòng và truyền thông sức khoẻ; (4) Tái khẳng định vai trò và trách nhiệm quan trọng của chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của mọi người trong việc hưởng thụ các chuẩn mực sức khỏe cao nhất có thể đạt được. Phải thúc đẩy hành động đa ngành và bao phủ CSSK toàn dân, gắn kết các bên có liên quan cùng hành động và trao quyền cho các cộng đồng địa phương để đẩy mạnh công tác CSSKBĐ; (5) Cam kết xây dựng CSSKBĐ bền vững. Tăng cường năng lực của hệ thống y tế bằng cách đầu tư vào hoạt động CSSKBĐ; (6) Trao quyền cho cá nhân và cộng đồng. Cam kết hỗ trợ sự tham gia của các cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội thông qua sự tham gia của họ trong việc phát triển và thực hiện các chính sách và kế hoạch có tác động liên quan đến sức khỏe; (7) Liên kết hỗ trợ các bên liên quan với các chính sách, chiến lược và kế hoạch quốc gia.

Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã nêu quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như sau: “…tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản,…”, “Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng…”, “Hướng tới thực hiện bao phủ CSSK và bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, CSSK; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các DVYT”, “Đến năm 2025, tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình (HGĐ) cho y tế giảm còn 35% và đến năm 2030 giảm còn 30%”, “Phát triển y học gia đình”, “Ban hành "Gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả" phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT và "Gói dịch vụ y tế cơ bản do Nhà nước chi trả" phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước;…”.

Như vậy, chúng ta cần hiểu đúng và đầy đủ các khái niệm nâng cao sức khỏe, dịch vụ CSSK cơ bản, công bằng trong CSSK, bao phủ CSSK toàn dân, bao phủ BHYT toàn dân, y học gia đình theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Nâng cao sức khoẻ (health promotion): Hiến chương Ottawa năm 1986 của WHO định nghĩa về nâng cao sức khoẻ như sau: “Nâng cao sức khỏe là quá trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân tăng khả năng kiểm soát và cải thiện sức khỏe của họ”.

Hình 1: Các thành phần của Nâng cao sức khỏe

Dịch vụ CSSK cơ bản (còn gọi là gói dịch vụ CSSK thiết yếu, hay tối thiểu, hay gói lợi ích) được xây dựng với mục tiêu nhằm tập trung nguồn lực hạn hẹp vào các DVYT mà có thể mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất. Dịch vụ CSSK cơ bản là những dịch vụ thiết yếu được xác định dựa trên những định hướng ưu tiên trong hệ thống y tế của một quốc gia cũng như tính sẵn có của nguồn lực. Nó được mong đợi có thể bảo đảm thực hiện được mục tiêu công bằng, cải thiện hiệu suất và hiệu quả của hoạt động CSSK. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, “Gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả là những DVYT thiết yếu để CSSK, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT”. Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định gói DVYT cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, bao gồm 2 loại gói DVYT cơ bản: (i) “Gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả” áp dụng tại trạm y tế tuyến xã và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) độc lập, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y; (ii) “Gói DVYT cơ bản phục vụ CSSKBĐ, dự phòng và nâng cao sức khỏe” áp dụng tại trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã để CSSK, dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Công bằng trong CSSK: Theo WHO, “Công bằng sức khỏe là tình trạng không còn sự khác biệt có hệ thống về sức khỏe và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe giữa các nhóm khác nhau trong xã hội”. Còn theo Paula Braveman, “Công bằng trong sức khoẻ là tình trạng không còn sự khác biệt về chăm sóc, khám chữa bệnh giữa các nhóm dân cư khác nhau về điều kiện kinh tế, xã hội và địa bàn sinh sống”.

Công bằng sức khỏe được thể hiện trong 5 lĩnh vực cơ bản sau: (1) Công bằng trong phân bổ nguồn lực và tài chính cho y tế; (2) Công bằng trong khả năng tiếp cận và sử dụng DVYT; (3) Công bằng trong chất lượng dịch vụ và chăm sóc y tế; (4) Công bằng trong các số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sức khỏe; (5) Công bằng về tình trạng sức khỏe.

Đối với lĩnh vực công bằng trong tiếp cận và sử dụng DVYT: Tất cả mọi người, ai có nhu cầu đều được sử dụng DVYT, không phân biệt đối xử và không phụ thuộc vào khả năng chi trả. Theo WHO, chi phí từ tiền túi của HGĐ cho y tế (OOP = Out-of-pocket health payments) là các khoản mà HGĐ phải chi trả trực tiếp cho việc sử dụng DVYT của các thành viên. Ở Việt Nam năm 2017 tỉ lệ này là 44%. Theo WHO, với tỷ lệ OOP lớn hơn 30% tổng chi cho y tế thì khó có thể đạt được bao phủ CSSK toàn dân. Khi OOP bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của HGĐ thì đó là chi phí y tế thảm họa (CATA). OOP cũng có thể gây ra tình trạng nghèo hóa (IMPOOR). Bao phủ CSSK toàn dân và công bằng chỉ đạt được khi người dân không phải chịu OOP và không phải rơi vào nghèo đói do phải chi trả trực tiếp cho y tế.

Bao phủ CSSK toàn dân: Theo WHO, bao phủ CSSK toàn dân (Universal Health Coverage – UHC), được định nghĩa là sự bảo đảm để mọi người dân khi cần đều có thể sử dụng các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ (palliative care) có chất lượng và hiệu quả, đồng thời bảo đảm rằng việc sử dụng các dịch vụ này không làm cho người sử dụng gặp phải khó khăn tài chính”.

Bao phủ CSSK toàn dân là một mục tiêu di động (moving target): Quá trình tiến tới bao phủ CSSK toàn dân là quá trình không có điểm kết thúc, do sự biến đổi liên tục trong ứng dụng công nghệ y tế, gánh nặng bệnh tật và cơ cấu dân số. Bao phủ CSSK toàn dân giống như một tiến trình, một mục tiêu cần hướng tới, hơn là một mục tiêu có thể “hoàn thành”.

Hình 2: Không gian ba chiều để xem xét tiến trình bao phủ CSSK toàn dân

(Nguồn: The World Health Report 2010. Health systems financing – The path to universal coverage)

Bao phủ BHYT toàn dân: Là hầu hết mọi người dân trong xã hội đều có BHYT, với những trường hợp không có BHYT thì có những cơ chế phù hợp khác để hỗ trợ tài chính khi ốm đau, bệnh tật nhằm đảm bảo cho họ được tiếp cận một cách đầy đủ với các dịch vụ CSSK.

Y học gia đình: Là một chuyên ngành y học cung cấp dịch vụ CSSK toàn diện, liên tục cho từng cá nhân và gia đình. Đây là chuyên ngành rộng, lồng ghép giữa y học lâm sàng với sinh học và khoa học hành vi. YHGĐ phát triển theo sự phát triển của kinh tế xã hội và nguồn lực đầu tư cho y tế.

BSGĐ là bác sĩ chuyên khoa có kiến thức tổng quát, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xung quanh phòng khám của mình. BSGĐ chăm sóc ban đầu, chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa khác khi cần thiết, và có đầy đủ hồ sơ sức khỏe của từng bệnh nhân.

YHGĐ có nhiều nguyên lý nhưng trong đó có 6 nguyên lý cơ bản quan trọng nhất, bao gồm:

Hình 3: Sáu nguyên lý cơ bản của Y học gia đình

Nguyên lý thứ nhất – Đa khoa tổng quát (chăm sóc phối hợp): BSGĐ có thể giải quyết được nhiều vấn đề SK khác nhau khi một đối tượng đến gặp ở lần tiếp xúc đầu tiên. Khi cần thiết, BSGĐ cần đảm bảo việc chuyển người bệnh một cách hợp lý và đúng thời điểm đến các dịch vụ chăm sóc của chuyên khoa khác. Trong những tình huống này, BSGĐ đóng vai trò là người điều phối, giống như một nhạc trưởng trong việc CSSK. BSGĐ chịu trách nhiệm quản lý sức khỏe cho người bệnh theo thời gian, đây chính là một chức năng quan trọng trong CSSK.

Nguyên lý thứ hai – Chăm sóc liên tục: Tính liên tục trong CSSK là một nguyên tắc căn bản của chuyên ngành YHGĐ, và là một đặc trưng mà các BSGĐ áp dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ CSSK. Trong YHGĐ, các bác sĩ xây dựng được một mối quan hệ lâu dài với từng cá nhân, thay vì chỉ tập trung vào một bệnh. Quá trình thực hành của BSGĐ là lấy con người làm trung tâm thay vì lấy bệnh tật làm trung tâm. Người dân/ người bệnh sẽ được các bác sĩ quản lí, theo dõi, CSSK và khám chữa bệnh (KCB) trong thời gian dài và không bị giới bạn bởi bất cứ giai đoạn bệnh lý cụ thể nào. Tính liên tục trong CSSK, có 3 khía cạnh cần được xem xét: Tính thông tin, tính liên tục theo thời gian và mối quan hệ giữa các cá nhân. Tính liên tục về thông tin liên quan đến việc thu thập và cập nhật các thông tin của người bệnh và gia đình họ liên quan đến tình trạng sức khỏe, sử dụng và tiếp cận các thông tin giúp cải thiện hiệu quả CSSK người bệnh. Thông tin được lưu giữ bằng hồ sơ quản lý sức khỏe (QLSK), có thể ở dưới dạng hồ sơ điện tử hoặc hồ sơ giấy. Tính liên tục theo thời gian đề cập đến quy trình chăm sóc, mô tả về cách tiếp cận nhất quán và thống nhất trong việc thỏa mãn các nhu cầu CSSK cho một người bệnh trong thời gian dài. Tính liên tục trong mối quan hệ giữa các cá nhân, thể hiện mối liên hệ mật thiết trong công tác CSSK giữa người bệnh, gia đình họ và bác sĩ.

Nguyên lý thứ ba – Chăm sóc toàn diện: Quá trình thực hành của BSGĐ giúp cung cấp một cách lồng ghép các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, điều trị bệnh, phục hồi chức năng và các hỗ trợ về mặt thể chất, tâm lý và xã hội cho từng trường hợp người bệnh cụ thể. Chăm sóc toàn diện còn là cung cấp đầy đủ các dịch vụ và thủ thuật lâm sàng cho những vấn đề sức khỏe thường gặp ở cộng đồng cho mọi đối tượng không phân biệt lứa tuổi, giới tính theo hướng chăm sóc ban đầu lấy người bệnh làm trung tâm.

Nguyên lý thứ tư – Hướng cộng đồng: Nghề nghiệp của người bệnh, yếu tố văn hóa và môi trường là những khía cạnh tác động đến việc CSSK. Sự hiểu biết về mô hình bệnh tật trong cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến định hướng chẩn đoán của bác sĩ và giúp họ đưa ra những quyết định liên quan đến việc cung ứng dịch vụ. Các vấn đề của người bệnh cần được nhìn nhận trong bối cảnh cộng đồng địa phương nơi họ sinh sống. BSGĐ phải lưu ý các phong tục tập quán của cộng đồng có ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của cá nhân và cả cộng đồng cũng như mô hình sử dụng DVYT của cộng đồng đó.

Nguyên lý thứ năm – Hướng gia đình: Các BSGĐ cần xem xét sự ảnh hưởng của bệnh tật đến gia đình người bệnh, cũng như sự ảnh hưởng của gia đình đến tình trạng sức khỏe của từng cá thể trong gia đình. Trong quá trình thực hành lâm sàng, các BSGĐ thường sử dụng một số công cụ để đánh giá tác động của gia đình như: Cây phả hệ, sơ đồ gia đình, chỉ số APGAR, đánh giá SCREEM, chuỗi sự kiện gia đình,… Các BSGĐ cần cung cấp một chương trình chăm sóc toàn diện cho tất cả thành viên trong gia đình, cần nhìn nhận người bệnh trong bối cảnh gia đình, áp dụng cách tiếp cận gia đình trong chăm sóc người bệnh.

Nguyên lý thứ sáu – Hướng dự phòng: BSGĐ không những chỉ là bác sĩ điều trị bệnh mà còn phải giúp người bệnh dự phòng các yếu tố nguy cơ bệnh tật. Công tác dự phòng là một vấn đề quan trọng trong thực hành YHGĐ đối với cá nhân và cộng đồng, và là một trong những công cụ mạnh mẽ của BSGĐ nhằm nâng cao tình trạng sức khỏe cho người dân. Nó dựa trên nguyên lý khá đơn giản: Dự phòng bệnh tật trước khi nó thật sự diễn ra và dự phòng các biến chứng của bệnh. Phòng bệnh bao gồm nhiều khía cạnh, đó là nhận biết được những yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, làm chậm lại các hậu quả của bệnh tật và khuyến khích lối sống lành mạnh.

Hiện nay, Sở Y tế đang chỉ đạo TTYT các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai nguyên lý YHGĐ trên địa bàn tỉnh Kon Tum với 2 hình thức trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý YHGĐ và phòng khám BSGĐ (bao gồm phòng khám BSGĐ thuộc TTYT các huyện, thành phố và phòng khám BSGĐ tư nhân).

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý YHGĐ thực hiện quy định tại Điều 1, Điều 2 của Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn; cung cấp các gói DVYT cơ bản quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định gói DVYT cơ bản cho tuyến y tế cơ sở và thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e và Điểm g thuộc Khoản 3.1, Mục 3, Phần B của Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020. Đối với phòng khám BSGĐ: Thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ, và Khoản 3.2, Mục 3, Phần B của Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Về điều kiện để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành YHGĐ đối với trạm y tế tuyến xã: Bảo đảm các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đối với phòng khám BSGĐ thuộc TTYT các huyện, thành phố: Bảo đảm các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế; có phòng khám bệnh đa khoa thuộc TTYT các huyện, thành phố; có quyết định thành lập phòng khám BSGĐ của cấp có thẩm quyền; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của TTYT các huyện, thành phố có phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành YHGĐ.

CSSKBĐ theo nguyên lý YHGĐ là phương thức CSSK tiên tiến nhất, hiệu quả nhất hiện nay, đã được áp dụng thành công ở các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển. Hy vọng rằng, dưới sự chỉ đạo và đầu tư của Bộ Y tế, của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự quyết tâm và quyết liệt của lãnh đạo Sở Y tế, sự vào cuộc của cả ngành Y tế, sự ủng hộ của các ngành, các cấp và nhân dân, công tác CSSKBĐ theo nguyên lý YHGĐ sẽ được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân tỉnh Kon Tum./.

TS.BS Lê Trí Khải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất