Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là yếu tố hàng đầu của công tác an sinh xã hội, trực tiếp bảo vệ giống nòi, bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 18,5‰; dưới 1 tuổi còn 12,5‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167cm, nữ 156cm; phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sỹ, 2,8 dược sỹ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%. Đây cũng là chỉ tiêu đặt ra cho cả hệ thống chính trị các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện với tinh thần quyết tâm cao. Gắn với công tác tuyên truyền vận động, giáo dục tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Trong tình hình mới, để đáp ứng và bắt kịp sự phát triển của các nước trong khu vực, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cần đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã nêu các quan điểm, như sau:
Trước hết, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Vì vậy, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe, như: môi trường, thể dục, thể thao, văn hóa... vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách về y tế và các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe Nhân dân; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá thi đua, khen thưởng kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, trước hết là trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống văn minh, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện các quy định về phòng dịch, phòng bệnh và chữa bệnh; xóa bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, các phong trào thi đua, các cuộc vận động có các nội dung, tiêu chí liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, tạo các điều kiện thuận lợi để huy động các tổ chức xã hội, tôn giáo tham gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân theo quy định của pháp luật. Tập trung ưu tiên các hoạt động dự phòng gắn với y tế cơ sở, như: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, sữa học đường, dinh dưỡng học đường; bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường luyện tập thể dục thể thao; vận động toàn dân giữ gìn vệ sinh môi trường để mọi người dân được sống trong môi trường trong sạch, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia; tăng cường công tác y tế học đường; phòng, chống bệnh nghề nghiệp… nhằm góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam; phòng chống các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, béo phì…, giảm biến chứng, giảm tử vong, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hai là, với quan điểm đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu. Thực hiện quan điểm này cần quan tâm giảm phiền hà, giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho người bệnh thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh (bệnh án điện tử, khám). Xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến; đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành thiết bị y tế. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án để ứng dụng, sử dụng có hiệu quả các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Ba là, phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế. Đây cũng là tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 24/CT-TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Ðông y Việt Nam trong tình hình mới”, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển đông y; kết hợp đông y với tây y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; xây dựng nền y dược học Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng; từng bước quảng bá nền đông y Việt Nam ra nước ngoài. Xây dựng đội ngũ thầy thuốc đông y đông đảo về số lượng, giỏi về chuyên môn và trong sáng về y đức.
Bốn là, hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở. Để thực hiện tốt quan điểm này của nghị quyết cần tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng về ‘‘Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố cần được đầu tư nâng cấp, hoặc xây dựng mới; hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, mua sắm trang thiết bị chuyên sâu, kỹ thuật cao, tiến bộ mới được tăng cường, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Công tác khám chữa bệnh được tăng cường gắn với việc thực hiện minh bạch, công khai; có như vậy thì chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện, quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế ngày càng được đảm bảo, việc mở rộng phạm vi thanh toán đã mang đến nhiều lợi ích cho người tham gia; hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, giám định điện tử được liên thông dữ liệu với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở; đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức và xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.
Năm là, nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ở quan điểm này cho ta thấy nghề nào cũng có những đặc trưng riêng của nó, song đã làm nghề y là phải biết chấp nhận vất vả. Mỗi y, bác sĩ luôn luôn khẩn trương làm việc, tác phong nhanh nhẹn không kể đêm ngày. Họ phải suy nghĩ, lao động trí óc và chân tay không ngừng nghỉ. Nỗi vất vả của họ, khó ai thấu hiểu. Tại bệnh viện, ngoài giờ làm việc hành chính bình thường, cán bộ ngành y tế phải còn phải trực. Tại các trung tâm chuyên môn phải luôn chủ động tăng cường đội ngũ bác sỹ đến các nơi khó khăn ở các xã, thị trấn để phòng ngừa bệnh tật nhất là phòng chống dịch bệnh… Có thể nói, đối với ngành y, luôn làm việc ở tất cả mọi thời điểm, mọi lúc, mọi nơi với tinh thần trách nhiệm cao.
Ngoài ra, Nghị quyết đã chỉ rõ: các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, đó là: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện; đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế; phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế; đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế; đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Để Nghị quyết số 20-NQ/TW đi vào cuộc sống, trước hết đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị các cấp cần nắm vững nội dung của nghị quyết, nâng cao nhận thức, thống nhất về ý chí và hành động, nòng cốt, trực tiếp là ngành y tế, với sự cộng tác tích cực của từng người dân có ý nghĩa quan trọng. Bởi vì, hơn ai hết người dân phải tự ý thức rõ nhất về tầm quan trọng của việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình, với phương châm phòng bệnh, hơn chữa bệnh. Được vậy, tin rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/ 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới” sẽ tạo được những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.
Ths. Lê Văn Thảo
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.
2. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Tạp Chí Cộng sản, 11/2/2018.