Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 20/5/2019 14:55'(GMT+7)

Chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh

Sản phụ được da kề da với con và hướng dẫn cho trẻ bú sớm ngay sau sinh.

Sản phụ được da kề da với con và hướng dẫn cho trẻ bú sớm ngay sau sinh.

ĐEM LẠI CƠ HỘI SỐNG KHỎE MẠNH CHO BÀ MẸ VÀ TRẺ EM

Từ năm 2014, Bộ Y tế đã có quyết định quy trình chuyên môn chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ thường. Quy trình chăm sóc thiết yếu gồm 6 bước: Ngay khi chào đời, trẻ được lau khô, ủ ấm, đặt nằm sấp trên bụng mẹ tiếp xúc da kề da; tiêm vào bắp đùi cho mẹ 10 đơn vị oxytocin; chờ dây rốn ngừng đập mới tiến hành kẹp và cắt dây rốn; kéo dây rốn có kiểm soát trong khi trẻ vẫn nằm sấp trên ngực mẹ; xoa đáy tử cung trong 2 giờ đầu sau đẻ, đảm bảo cho tử cung co chặt và theo dõi chảy máu; tư vấn bà mẹ cho trẻ bú sớm trong giờ đầu sau đẻ.

Năm 2016, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Quyết định quy trình chuyên môn chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong, sau mổ lấy thai. Quy trình này gồm 5 bước: Ngay khi chào đời, trẻ được lau khô, ủ ấm; chờ dây rốn ngừng đập mới tiến hành kẹp và cắt dây rốn; đặt nằm sấp trẻ trên ngực mẹ tiếp xúc da kề da; tiêm vào bắp đùi cho mẹ 10 đơn vị oxytocin; tư vấn bà mẹ cho trẻ bú sớm trong giờ đầu sau đẻ.

Dự kiến đến năm 2020, tất cả các bệnh viện trên cả nước sẽ áp dụng phương pháp chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ. Mọi bà mẹ, trẻ em đều được thụ hưởng mô hình chăm sóc mới, an toàn, hiệu quả, đảm bảo sinh nở “mẹ tròn con vuông”.

Có thể khẳng định, các bước trong chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ thường hay đẻ mổ rất đơn giản nhưng đem lại cơ hội sống khỏe mạnh cho bà mẹ và trẻ em. Bởi vậy, các bệnh viện ở nước ta đã nhanh chóng tiếp cận và áp dụng thành thạo các quy trình này để phục vụ người bệnh. Cùng với đó, các bác sỹ cũng trực tiếp đi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện tuyến tỉnh theo ngành dọc sản khoa, tuyến huyện và tuyến xã.

 Các bà mẹ mổ lấy thai cũng được áp dụng 5 bước trong chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ ở Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh

 

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa ra khuyến cáo áp dụng 6 bước chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh bao gồm:

 1. Lau khô và ủ ấm; cho trẻ tiếp xúc trực tiếp da kề da (trẻ được đặt lên bụng mẹ ngay sau khi sinh và kéo dài ít nhất 90 phút sau sinh)

 2. Tiêm bắp 10 đơn vị oxytocin

 3. Kẹp dây rốn muộn (sau khi dây rốn đã ngừng đập hoặc 1-3 phút sau khi thai sổ) và kẹp và cắt dây rốn một thì.

 4. Kéo dây rốn có kiểm soát

 5. Xoa đáy tử cung cứ 15 phút một lần trong vòng 2 giờ đầu sau đẻ.

 6. Hỗ trợ cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn. 

CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỦ YẾU

Có rất nhiều các phương pháp được áp dụng trong Quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ. Đó là phương pháp da kề da ngay sau sinh, phương pháp kẹp và cắt dây rốn muộn một thì, phương pháp cho trẻ bú sớm.

Phương pháp da kề da ngay sau sinh được thực hiện là trẻ được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay từ những phút đầu sau khi sinh giúp tăng sự tương tác sớm giữa mẹ và con. Trẻ sẽ không bị hạ thân nhiệt, trẻ sẽ tìm vú mẹ sớm hơn và bú mẹ khỏe hơn. Người mẹ cũng giảm lo lắng, giảm nỗi đau “vượt cạn một mình”.

Thực tế cho thấy, trẻ được tiếp xúc trực tiếp da kề da với mẹ ngay sau sinh thì ít khóc hơn so với các trẻ được nhân viên y tế chăm sóc, các bà mẹ cũng cảm thấy dễ dàng cho con bú mẹ hơn trong những tháng đầu sau sinh, thời gian cho bú cũng lâu hơn. Các bà mẹ cũng ghi nhận trẻ gần gũi với mẹ hơn.  

Ngoài việc tiếp xúc da kề da ngay sau sinh thì các sản phụ cũng được tư vấn tiếp tục cho trẻ tiếp xúc da kề da nhiều ngày tiếp theo để duy trì các lợi ích cho mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp không được áp dụng da kề da, như sản phụ sinh mổ sử dụng phương pháp gây mê; sản phụ cần được chăm sóc đặc biệt, truyền máu; sản phụ đang mắc các bệnh dễ lây nhiễm như thủy đậu...; các trường hợp trẻ sơ sinh cần được can thiệp hồi sức ngay sau sinh. Đối với các trường hợp trẻ non tháng, nhẹ cân, các bác sĩ trong kíp mổ sẽ đánh giá sức khỏe của bé rồi quyết định có cho trẻ thực hiện da kề da hay không.

Đối với phương pháp kẹp và cắt dây rốn muộn một thì, nghiên cứu về sinh lý ở trẻ sơ sinh cho thấy, trong phút đầu tiên sau sinh lượng máu truyền từ bánh nhau sang trẻ sơ sinh khoảng 80ml và có thể lên tới 100 ml trong 3 phút sau sinh. Lượng máu thêm này có thể cung cấp một lượng sắt tương ứng 40-50mg/kg cân nặng của trẻ, cùng với lượng sắt của cơ thể (khoảng 75mg/kg cân nặng) có thể giúp trẻ đủ tháng ngăn ngừa được thiếu máu thiết sắt trong năm đầu. Nếu kẹp rốn đúng thời điểm, một lượng máu sẽ từ bánh nhau qua dây rốn đến đứa trẻ, giúp cho trẻ đủ tháng không bị thiếu máu do thiếu sắt trong những tháng đầu, và đặc biệt ở trẻ non tháng không bị thiếu máu cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết não do giảm prothrombin.

Xuất phát từ các bằng chứng lâm sàng của các nghiên cứu về kẹp cắt dây rốn muộn, năm 2012, WHO đã khuyến cáo nên kẹp cắt dây rốn muộn (khi dây rốn ngừng đập hoặc 1-3 phút sau sổ thai) cho tất cả các trường hợp đẻ thường để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu của trẻ. Chỉ kẹp cắt dây rốn sớm (trước 01 phút) đối với các trường hợp trẻ ngạt cần phải hồi sức tích cực hoặc các trường hợp mẹ cần cấp cứu sản khoa.

Cho trẻ bú sớm và bú sữa mẹ hoàn toàn trong giờ đầu sau sinh, không cho trẻ ăn thêm bất cứ một loại thực phẩm nào khác là một phương pháp được áp dụng phổ biến. Theo khuyến cáo của WHO, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú mẹ đồng thời bổ sung thêm các thực phẩm thích hợp khác cho đến 2 tuổi hoặc lâu hơn tùy trường hợp. Lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn có thể ngăn ngừa tử vong do tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trong 3 tháng đầu. Bên cạnh đó, cho trẻ bú sớm còn làm kích thích tuyến yên tăng tiết oxytocin giúp tử cung co tốt hơn để phòng ngừa băng huyết sau sinh.

Bảo Châu

 


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất