Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Năm, 25/4/2019 11:0'(GMT+7)

6 vấn đề trọng tâm trong góp ý định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế)

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế)

Phát biểu tại Hội thảo Định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, ngày 25/4 tại Nha Trang, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú chia sẻ những thành tựu công tác này trong thời gian qua, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những thách thức của dân số Việt Nam.

Thành tựu và thách thức

Theo đó, Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế trên 12 năm. Nghĩa là mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ có trung bình 2 - 2,1 con. Hơn 2/3 số cặp vợ chồng ở nước ta chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai.

"Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con đã trở thành chuẩn mực, thấm sâu trong toàn xã hội" - ông Nguyễn Doãn Tú nói.

Đến hết năm 2018, dân số Việt Nam là khoảng 95 triệu người. Ước tính quy mô dân số giảm được khoảng 20 triệu người nhờ các chính sách DS-KHHGĐ phù hợp.

Bên cạnh đó, các dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao và gần dân hơn.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Dân số nước ta cũng chỉ rõ những thách thức công tác này.

Theo ông Tú, mức sinh ở Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Khu vực kinh tế xã hội có nhiều khó khăn thì mức sinh cao, có nơi rất cao (như Lai Châu 3,11 con năm 2014). Nhưng ở vùng đô thị, vùng phát triển thì con số này xuống thấp, có nơi thấp xa hơn mức sinh thay thế.

Đặc biệt, Tổng cục trưởng nhấn mạnh đến mất cân bằng giới tính khi sinh khi chỉ số này tăng nhanh, được đánh giá là nghiêm trọng. Năm 2018 là năm chỉ số này cao nhất 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng ba điểm phần trăm so với năm 2017.

Ông Nguyễn Doãn Tú thẳng thắn: "Chúng ta thiếu chủ động trong nghiên cứu, đề ra giải pháp, ban hành cơ chế chính sách đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, thích ứng với tốc độ già hoá dân số nhanh."

Bên cạnh đó là những thách thức trong chất lượng dân số, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, phân bố dân số, quản lý dân cư... còn những bất cập, hạn chế, nhất là vấn đề về tổ chức bộ máy, nguồn lực đầu tư từ Trung ương tới cơ sở.

"Việt Nam có quy mô dân số lớn, đứng thứ 14 trên thế giới, mật độ dân số cao. Chúng ta cũng là một trong 7 nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Thời gian còn lại của thời kỳ dân số vàng không nhiều..." - ông Nguyễn Doãn Tú nói.

6 vấn đề trọng tâm

Tại Hội thảo, một số chuyên đề trọng tâm về mục tiêu và giải pháp do thành viên tổ xây dựng Chiến lược trình bày để các đại biểu góp ý, thảo luận. Có 6 vấn đề lớn được đặt ra, đó là:

Để thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế đến năm 2030, Việt Nam cần những giải pháp nào, khi chúng ta đã duy trì được 12 năm, thế giới nhiều nước chưa làm được, nhưng cũng nhiều địa phương trong nước mức sinh giảm xuống rất thấp?

Hai là, để mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, dịch vụ hỗ trợ sinh sản cần có giải pháp gì?

Ba là, để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, thích ứng với già hoá dân số và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng thì cần đẩy mạnh giải pháp nào, hoạt động gì?

Bốn là, để mọi người dân có thể tiếp cận phổ cập dịch vụ tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; Hạn chế tảo hôn, kết hôn cận huyết thì cần giải pháp gì?

Năm là, trọng tâm để đổi mới công tác truyền thông dân số là gì?

Sáu là, để thông tin số liệu dân số được sử dụng rộng rãi trong xây dựng và thực thi chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần giải pháp nào?

Từ nay đến năm 2030, các quốc gia trên thế giới đang thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, trong đó các mục tiêu về dân số gắn bó mật thiết với phát triển, pháy triển bền vững như dân số và kinh tế, dân số và an ninh lương thực, việc làm, đói nghèo, bình đẳng giới, giáo dục, y tế, di dân, đô thị hoá, bảo vệ môi trường.../.

Thu Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất