Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 25/4/2022 16:40'(GMT+7)

Chấn chỉnh “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Trước tiên, cần khẳng định trang thông tin điện tử tổng hợp (TTĐTTH) không phải là báo chí nói chung, hay báo điện tử nói riêng. Những quy định cụ thể về báo chí, báo điện tử, trang TTĐTTH đã được nêu rõ trong Luật Báo chí cho thấy sự khác biệt này.

Theo đó, tại Điều 3, Khoản 1 Luật Báo chí 2016 nêu rõ, Báo chí “là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử”, Báo điện tử “là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử” iều 3, Khoản 6), Trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở đăng đường dẫn truy cập tới nguồn tin báo chí hoặc trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí theo quy định về sở hữu trí tuệ (Điều 3, Khoản 20).

Có thể hiểu cụm từ “có tính chất báo chí” xuất phát từ việc trang TTĐTTH đăng tải thông tin từ báo chí, với điều kiện “trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó” (Chương III, Mục I, Điều 20, Khoản 2, Nghị định NĐ 72/2013/NĐ-CP về quản lý sử dụng, cung cấp dịch vụ internet và thông tin mạng).

Theo kỳ vọng của các nhà quản lý, lãnh đạo báo chí, nếu thực tiễn, các trang TTĐTTH hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép, chắc chắn sẽ trở thành những “cánh tay nối dài” của các cơ quan báo chí, làm lan tỏa những thông tin chính thống, tích cực của Đảng, Nhà nước, nhân dân, đất nước... tới đông đảo công chúng, tạo sức lan tỏa, góp phần xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, đẩy lùi những thông tin sai trái, tiêu cực trên các mạng xã hội đang lan tràn. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp nảy sinh ở chỗ, thay vì tuân thủ quy định “có tính chất báo chí”,  “cung cấp thông tin tổng hợpcủa báo chí, thì thực tế, không ít trang TTĐTTH đã “lách luật”, “xé rào”, “báo hóa”  trang TTĐTTH.

Cùng hoạt động trên môi trường Internet, nhưng báo điện tử và trang TTĐTTH có những khác biệt rõ về điều kiện hoạt động, hình thức hoạt động... cũng như chịu sự điều chỉnh của Luật khác nhau.

BẢN CHẤT CỦA “BÁO HÓA” TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

“Báo hóa” trang TTĐTTH là tình trạng trang TTĐTTH hoạt động như báo chí, thể hiện từ hình thức, nội dung trang, đến việc tổ chức nhân lực, hoạt động nghề nghiệp... Xét về bản chất, “báo hóa” là việc trang TTĐTTH không tuân thủ hoặc lợi dụng các kẽ hở trong các quy định pháp luật để hoạt động sai luật.   

Có thể nhận diện tình trạng “báo hóa” trang TTĐTTH thông qua các biểu hiện cụ thể sau đây:

Về hình thức

Nếu như không phải người am hiểu các quy định pháp luật về báo chí, khó có thể phân định được hình thức trang TTĐTTH và các báo, tạp chí điện tử. Đa phần các trang TTĐTTH duy trì hệ thống các chuyên trang, chuyên mục đa dạng từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... không khác gì một tờ báo điện tử.

Một số trang TTĐTTH tạo tên miền, tiêu đề trang chủ dễ gây hiểu nhầm cho công chúng khi sử dụng các cụm từ như báo, tạp chí, tin tức, news, online... Cá biệt hơn, một số trang TTĐTTH đăng ký hoạt động ở địa phương này, nhưng lại lấy tên các địa phương khác làm tên miền gây hiểu lầm là trang của địa phương đó.

Điểm nhận dạng duy nhất của TTĐTTH đó là thông tin về giấy phép được ghi ở cuối trang, như Giấy phép số .../GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh... cấp. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiểu được sự khác nhau giữa TTTĐTTH và báo điện tử, cũng như chú ý tới dòng chữ nhỏ được đặt khiêm nhường ở điểm cuối của giao diện.

Về nội dung

Từ chỗ tổ chức các chuyên mục như báo điện tử về hình thức, một bộ phận không nhỏ các trang TTĐTTH lộ rõ ý đồ khi triển khai nội dung khai thác theo tuyến, luồng các thông tin câu khách, giật gân, câu view rẻ tiền, hoặc bám sát các sự kiện, vấn đề nóng liên quan tới một số lĩnh vực đất đai, môi trường, doanh nghiệp đang có “vấn đề”... Các thông tin được đưa cập nhật bất kể ngày đêm, tạo cảm giác hoạt động như một tờ báo điện tử thực sự.

Nguy hiểm hơn là tình trạng “bắt tay”, “rửa nguồn” với một số báo điện tử, tạp chí điện tử khi các trang TTĐTTH tung “nhân lực” viết tin, bài (với nội dung “nóng”, vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân, vấn đề liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng...) rồi đẩy cho các báo điện tử, tạp chí điện tử đăng trước. Ngay sau đó, TTĐTTH khai thác lại, tạo thành một vòng quay tin, bài tuần hoàn khép kín, được ngụy trang dưới hình thức hợp pháp. Không chỉ vậy, một số trang TTĐTTH bỏ khoản kinh phí không nhỏ đầu tư cho việc sử dụng phương pháp tối ưu hóa để website trở nên thân thiện với máy chủ tìm hiếm (chủ yếu là Google), lan truyền thông tin ra các trang mạng xã hội, tạo lợi thế cạnh tranh với chính các báo, tạp chí điện tử đã sản xuất ra thông tin đó.


Tình trạng tự sản xuất tin bài như báo điện tử, thậm chí còn xây dựng các phóng sự điều tra theo thư bạn đọc, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, nhà cửa, môi trường..., hay những lĩnh vực không hề liên quan đến chuyên môn của cơ quan, tổ chức của trang TTĐTTH cũng đã xảy ra ở một số trang TTĐTTH.

Việc tổ chức nội dung thông tin như báo điện tử, tạp chí điện tử dẫn tới sự hiểu lầm đối với công chúng tiếp nhận, nhiều thông tin chưa chính xác, thậm chí bịa đặt được người xem chia sẻ, phát tán do nhầm tưởng là thông tin từ những trang báo chí chính thống. Điều này tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động.

Bên cạnh đó là việc vi phạm quy định về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ... khi các trang TTĐTTH không xin phép, không có thỏa thuận bằng văn bản với các cơ quan báo chí khi khai thác thông tin nhưng vẫn mặc nhiên khai thác, tổng hợp tin bài. Nghiêm trọng hơn, khi khai thác lại không ghi rõ nguồn, không trích dẫn nguyên văn chính xác mà rút lại tít theo hướng câu view, “lá cải”. Nhiều trang TTĐTTH vi phạm quy định về quảng cáo đối với các sản phẩm y tế, thực phẩm chức năng... Trên một số trang TTĐTTH triển khai sắp xếp nội dung quảng cáo (văn bản, hình ảnh, video clip) xen lẫn nội dung bài viết.

Về bộ máy tổ chức và hoạt động nghề nghiệp

Một số trang TTĐTTH có “bộ máy” và tổ chức hoạt động nghiệp vụ như cơ quan báo chí, ký các hợp đồng với phóng viên, cộng tác viên với mạng lưới dày đặc. Không chỉ vậy, các trang TTĐTTH “tung” giấy giới thiệu đội lốt điều tra theo thông tin bạn đọc, tiếp cận các cơ quan, doanh nghiệp để đặt lịch gặp, làm việc, tìm hiểu về thông tin dự án, lĩnh vực “nóng”..., dùng giao diện trang preview để “dọa dẫm” về việc lên tin, bài, từ đó, vòi vĩnh hoặc đe dọa buộc các cá nhân, tổ chức (do thiếu hiểu biết) phải “mua” với giá thỏa thuận.

Hiện nay, đối tượng được cấp phép thiết lập trang TTĐTTH được chia làm 3 nhóm: Nhóm cơ quan nhà nước, đoàn thể; Nhóm các cơ quan báo chí; Nhóm doanh nghiệp. Theo Cục Phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, nhóm các doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ trang TTĐTTH thường có nhiều sai phạm nhất.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHẤN CHỈNH

“Báo hóa” trang TTĐTTH không phải là hiện tượng mới xuất hiện, mà là một trong những vấn đề kéo dài trong nhiều năm, mức độ ngày càng trầm trọng với nhiều biến tướng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự lành mạnh của môi trường thông tin trên mạng internet.

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai không ít những biện pháp chấn chỉnh tình trạng này, từ nhắc nhở, phê bình đến phạt tiền với nhiều mức độ, cao nhất lên tới hàng chục triệu đồng, nặng nhất là rút giấy phép có thời hạn và vô thời hạn.

Mới đây nhất, ngày 10/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 841/BTTTT-PTTH&TTĐT yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương cần tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hóa” trang TTĐTTH và mạng xã hội.

Để có thể giải quyết thấu đáo, triệt để tình trạng “báo hóa” trang TTĐTTH trong thời gian tới, tránh để trình trạng này xảy ra trong thời gian quá lâu, kéo dài, cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau đây:

Một là, các cơ quan chức năng cần “mạnh tay” chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang TTĐTTH bằng các biện pháp và chế tài nghiêm khắc hơn.  Xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Với các hành vi hoạt động không đúng nội dung thông tin và phạm vi cung cấp thông tin trong giấy phép đã được cấp, hành vi lợi dụng trang TTĐTTH để hoạt động như báo điện tử, tạp chí điện tử, hành vi tái phạm nhiều lần cần áp dụng các biện pháp  nghiêm khắc như tạm dừng tên miền, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động, tịch thu phương tiện vi phạm…

Việc nhắc nhở “nhẹ nhàng” một lần, thậm chí nhiều lần, phê bình, chấn chỉnh không kịp thời dễ gây ra hiện tượng “nhờn” luật, lợi dụng kẽ hở pháp luật để “lộng hành” hơn với các thủ đoạn tinh vi hơn. Nếu không cẩn trọng, nghiêm khắc chấn chỉnh, “báo hóa” trang TTĐTTH sẽ không chỉ dừng lại ở liên kết, “tẩy nguồn”, “rửa nguồn” mà sẽ còn nhiều vấn nạn khác có thể diễn ra, gây mất an toàn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của công chúng đối với báo chí, với sự điều hành, quản lý hoạt động báo chí, thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Theo đó, sẽ sửa đổi một số quy định liên quan tới trang TTĐTTH góp phần chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” như các quy định về việc tổng hợp thông tin trên trang TTĐTTH cần chậm hơn 30 phút so với tin gốc; đặt link gốc ngay dưới bài dẫn lại; cho phép các trang TTĐTTH được liên kết sản xuất nội dung với báo/tạp chí điện tử nhưng có các quy định về liên kết cụ thể để chống báo hóa; cho phép tích hợp dịch vụ trang TTĐTTH và mạng xã hội trên cùng một tên miền nhưng yêu cầu phải tách các dịch vụ này nằm khác giao diện hoặc chuyên mục để tránh lợi dụng “báo hóa”. Việc Chính phủ Chính phủ sớm xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sẽ giúp các cơ quan chức năng sẽ có thêm “công cụ” để quản lý, siết chặt hoạt động của trang TTĐTTH, ngăn ngừa tình trạng “báo hóa”.

Hai là, cơ quan chức năng cần tăng cường sử dụng công nghệ để đo kiểm, rà quét, đánh giá hoạt động của các trang TTĐTTH. Tập trung giám sát, kiểm tra phát hiện những sai phạm liên quan các dấu hiệu “báo hóa”, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp trang TTĐTTH cần phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị có liên quan tăng cường rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang TTĐTTH có trụ sở hoạt động tại địa phương.

Ba là, tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp cận thông tin trên internet, phát hiện kịp thời các hiện tượng sai phạm, dấu hiệu “báo hóa” trang TTĐTTH để các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý.

Bốn là, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp trang TTĐTTH cần tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ trang TTĐTTH.

Các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin, kiến thức, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới các tổ chức, doanh nghiệp để họ nhận thức, hiểu đúng và làm theo đúng quy định của pháp luật liên quan tới trang TTĐTTH.

Song Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất