Chủ Nhật, 24/11/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Hai, 29/8/2022 9:48'(GMT+7)

Chấn chỉnh các sai phạm “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

NHẬN DIỆN “BÁO HÓA” TẠP CHÍ

Trong thời gian qua, nhiều cơ quan tạp chí, nhất là tạp chí của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa bám sát thực hiện tôn chỉ, mục đích; một số tạp chí khoa học chưa thực hiện đúng chức năng công bố kết quả nghiên cứu khoa học, các bài viết mang tính nghiên cứu lý luận còn ít. Một số tạp chí có biểu hiện “báo hóa” như: chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội nhưng lượng thông tin chuyên sâu, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; sử dụng danh nghĩa báo chí hoạt động tác nghiệp để điều tra theo đơn thư, yêu cầu, thậm chí đe dọa buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… cung cấp hồ sơ, tài liệu, tự cho mình quyền hạn như cơ quan thanh tra, điều tra.

Một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, thể hiện ở việc giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thành lập và khoán doanh thu tùy tiện cho các văn phòng đại diện, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích. Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú còn tồn tại, bất cập. Tình trạng hoạt động tác nghiệp không đúng tôn chỉ, mục đích, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật của phóng viên, cộng tác viên có chiều hướng gia tăng, một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng, bị xử lý hình sự.

Trước tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 1418/QĐ-BTTTT nhằm giúp nhận diện những dấu hiệu chệch hướng để chấn chỉnh, xử lý.

Theo đó, về hình thức "báo hóa" tạp chí được hiểu , 1) Mẫu trình bày tên gọi ấn phẩm, mẫu trình bày giao diện trang chủ không ghi hoặc ghi “tạp chí” rất nhỏ gây khó khăn trong việc nhận biết hoặc gây hiểu nhầm cho bạn đọc. 2) Chuyên trang nhưng mẫu trình bày giao diện trang chủ không ghi “chuyên trang”, không ghi thuộc tạp chí hoặc chỉ ghi tên cơ quan chủ quản gây hiểu nhầm là cơ quan báo chí độc lập trực thuộc trực tiếp cơ quan chủ quản. 3) Tên các chuyên mục không thể hiện tính chất chuyên sâu, chuyên ngành mà sử dụng các từ ngữ có nội hàm rộng mang tính chất loại hình báo, cụ thể như: Bản tin hằng ngày, bản tin, bản tin truyền hình, tin nóng, tin hot, đời sống… 4) Thiết lập tài khoản, trang, kênh trên các nền tảng mạng xã hội với tên gọi là báo, truyền hình dễ gây hiểu nhầm.

Về nội dung "báo hóa" tạp chí: 1) không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Phản ánh vấn đề, nội dung không thuộc lĩnh vực tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. 2) Tạp chí khoa học nhưng có tỷ lệ thông tin phản ánh sự kiện, vụ việc sự vụ nhiều hơn, chênh lệch so với thông tin khoa học, lý luận, thông tin chuyên ngành.

Về hoạt động tác nghiệp: Tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng cử phóng viên, nhà báo tác nghiệp hoặc yêu cầu cung cấp thông tin ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích thể hiện như: Điều tra theo đơn thư bạn đọc không phù hợp với chức năng, tôn chỉ, mục đích; tập trung khai thác những vụ việc nhằm mục đích ép ký hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo để trục lợi. Cấp giấy giới thiệu không ghi cụ thể nơi đến làm việc; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà. Tác nghiệp thành nhóm không liên hệ trước; chỉ một phóng viên liên hệ nhưng khi đến làm việc là cả nhóm phóng viên thuộc nhiều tạp chí.

Về cơ cấu, tổ chức: Tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành mở nhiều văn phòng đại diện, có nhiều phóng viên thường trú, cộng tác viên không tương xứng với quy mô hoạt động. Tạp chí sử dụng số lượng nhân sự không tương xứng quy mô hoạt động, tính chất của tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học.

NHẬN DIỆN “BÁO HÓA” TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP, MẠNG XÃ HỘI

Hiện nay, nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hiện cũng đang có tình trạng “báo hóa”.

Về hình thức: Trình bày thể hiện gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí. Thứ nhất, tên miền sử dụng từ ngữ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí như: Báo, Tạp chí, Tin, Tin tức, News, Times, Online, Daily… Thứ hai, cách trình bày giao diện trang thông tin điện tử tổng hợp không ghi rõ là trang thông tin điện tử, mạng xã hội, chỉ ghi là cơ quan, tiếng nói, diễn đàn… Thứ ba, giao diện trang thông tin điện tử tổng hợp trình bày, thể hiện gần giống như nhận diện của sản phẩm báo chí. Bố trí giao diện trang chủ của mạng xã hội thành các chuyên mục: Chính trị, xã hội, đời sống, văn hóa, giải trí… và đăng tải, tổng hợp các bài báo, hiển thị nội dung bài viết, tiêu đề, nội dung, chú thích ảnh, video-clip… như một tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp.

Giao diện trang thông tin điện tử tổng hợp ghi thông tin: Tòa soạn, Văn phòng đại diện, Ban phóng viên… như cơ quan báo chí, mục “Người trách nhiệm nội dung” ghi họ tên kèm thêm từ “nhà báo”, “phóng viên”.

Về nội dung: Tổng hợp tin bài từ các cơ quan báo chí theo ý đồ riêng, nghiêng về các thông tin tiêu cực, giật gân; tự tổng hợp tin tức từ các cơ quan báo chí thành bài viết và ghi thông tin Tổng hợp (PV). Mạng xã hội không có người dùng tương tác, chia sẻ thông tin; đăng bài viết của thành viên quản trị với cách viết gây hiểu nhầm là các bài báo.

Về kỹ thuật: Tự sản xuất tin bài như báo chí rồi chuyển cho cơ quan báo chí phát hành trên mạng, sau đó trang thông tin điện tử tổng hợp đăng tải lại ngay để hợp thức hóa nguồn tin. Tin bài đăng trên trang thông tin điện tử trước khi đăng trên sản phẩm báo chí ghi là nguồn tin, bài. Mạng xã hội tự sản xuất tin bài như cơ quan báo chí nhưng đăng dưới dạng người dùng đăng tải (một trang không quá 20 tài khoản đăng tải).

Về hoạt động: Cử nhân viên tới cơ quan, đơn vị để thu thập tin tức, tài liệu để viết bài, sản xuất sản phẩm truyền thông như phóng viên, nhà báo tác nghiệp.

Về nhân sự: Người chịu trách nhiệm nội dung, nhân sự trang thông tin điện tử tổng hợp đồng thời là phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí. Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có số lượng nhân sự lớn, ký hợp đồng làm phóng viên.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT, XỬ LÝ VÀ CHẤN CHỈNH CÁC SAI PHẠM

Để hạn chế các sai phạm trong việc “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Triển khai việc cấp lại giấy phép hoạt động báo chí, đặc biệt đối với các tạp chí theo quy định tại Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và các văn bản chỉ đạo. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW, ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện rà soát, chấn chỉnh xử lý “báo hóa” tạp chí và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các cơ quan báo chí vi phạm, trong đó tập trung vào thông tin sai sự thật, biểu hiện “đánh đấm” và quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản báo chí trong chỉ đạo, điều hành và xử lý vi phạm của cơ quan báo chí, đặc biệt là trong quản lý nội dung thông tin.

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; có cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm cơ quan báo chí chủ lực để thực hiện tốt công tác định hướng dư luận xã hội, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

Đối với cơ quan chủ quản

Thứ nhất, tuân thủ và thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí.

Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, việc thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí; quan tâm, tạo cơ chế để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm.

Thứ ba, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và chính quyền địa phương trong việc rà soát, chấn chỉnh nghiêm hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, trên tinh thần chú trọng các chương trình, tin, bài nhằm khích lệ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, con người tại địa bàn.

Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các đơn vị liên quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành rà soát, đánh giá nội dung thông tin 10 cơ quan báo chí, tập trung vào việc các nhóm vấn đề sau: Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí; Tổ chức đảng; Tình hình tổ chức, nhân sự; Quy trình duyệt, đăng tải tin, bài của cơ quan báo chí; Nơi đặt máy chủ; Hình thức trình bày tên gọi; Việc thực hiện tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; Hoạt động của các chuyên trang; Biểu hiện “báo hoá” tạp chí; Biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, công cụ rửa nguồn/cấy nguồn cho trang thông tin điện tử tổng hợp; Gỡ xoá và thay đổi nội dung tin, bài.

Sau khi tiến hành rà soát, mời cơ quan báo chí lên làm việc, phân tích, trao đổi chỉ ra những hành vi vi phạm và tiến hành xử lý vi phạm theo quy định; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí theo các quy định của Đảng, của pháp luật và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Các cơ quan báo chí sau đó đã gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, kinh tế, chuyển đổi số...; tập huấn nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý báo chí cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí.

Đối với cơ quan báo chí:

Thứ nhất, tuân thủ, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về báo chí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, nhất là việc chấn chỉnh các sai phạm của cơ quan, phóng viên báo chí; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên, vấn đề tuyển dụng, quản lý và sử dụng biên tập viên, phóng viên, có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với cộng tác viên; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mạng của báo chí cách mạng, phát huy tối đa lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin xã hội.

Thứ hai, tăng cường đào tạo, cử phóng viên, biên tập viên tham gia các khóa học nâng cao trình độ, nghiệp vụ; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu cấp ủy./.

Phạm Quý Trọng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất