Từ nay đến dịp Festival Huế 2018 (diễn ra từ ngày 27/4 - 2/5), tỉnh Thừa
Thiên-Huế chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với lực
lượng công an, Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn
chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương.
Trước mắt, các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, xử lý việc buôn
bán hàng rong, chèo kéo khách dưới dạng "cò mồi" nghe ca Huế, ghép khách
đi thuyền trái quy định tại khu vực bến thuyền du lịch Tòa Khâm.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết hiện có 128 thuyền
phục vụ ca Huế trên sông, trong đó có 50 thuyền đôi và 78 thuyền đơn. Sở
Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các đơn vị quản lý bến
thủy nội địa, đoạn quản lý đường sông, thanh tra Sở Giao thông Vận tải
tỉnh phối hợp kiểm tra thường xuyên đối với các chủ thuyền trong việc
chấp hành và thực hiện đúng quy định để đảm bảo phòng ngừa tai nạn đường
thủy.
Những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ tàu không thực hiện đúng, cơ
quan chức năng sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các bến thuyền rồng phục vụ du lịch tại bến thuyền Tòa Khâm,
Thiên Mụ, bến thuyền Lê Lợi trước khi xuất bến để chờ đón khách du lịch
phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm và các giấy tờ liên quan.
Đối với chương trình ca Huế, tỉnh quy định mỗi suất diễn có tối thiểu 7
diễn viên, nhạc công (khi biểu diễn trên thuyền đơn) và 8 diễn viên,
nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi, các loại thuyền du lịch khác và
ca Huế thính phòng tại các khách sạn, nhà hàng.
Nhằm nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương, tỉnh quy định mỗi
chương trình ca Huế dài ít nhất 60 phút trở lên (không kể phần dịch ra
tiếng nước ngoài đối với các buổi biểu diễn dành cho khách người nước
ngoài); có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị,
nguyệt, bầu, sáo.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế đã cấp thẻ hành nghề hoạt
động ca Huế trên địa bàn tỉnh cho gần 500 ca sỹ, nhạc công. Giấy phép
biểu diễn ca Huế có giá trị trong ba năm kể từ ngày cấp, hết thời hạn
được xem xét cấp lại, nếu bị mất hoặc hư hỏng phải làm thủ tục xin cấp,
đổi giấy phép. Các quy định trên nhằm đưa loại hình hoạt động văn hóa
này ngày một chuyên nghiệp hơn, phục vụ du khách tốt hơn.
Hiện tại, trung bình mỗi đêm, bến thuyền du lịch Tòa Khâm (trên sông
Hương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có từ 30-35 thuyền phục vụ ca
Huế. Cao điểm như dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 hay dịp Festival Huế, có đến
60-70 thuyền ca Huế hoạt động trên sông.
Mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 15.000 suất diễn ca Huế, phục vụ hơn
350.000 lượt khách nghe ca Huế trên sông Hương hoặc tại các cơ sở dịch
vụ du lịch và một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nét đẹp
văn hóa hấp dẫn khách du lịch./.
Quốc Việt (TTXVN)