Trong chương trình tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác
tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8 và công tác tại Trung Quốc, chiều
8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Khu Di tích lịch sử Hồng
Nham tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và
đoàn công tác được các hướng dẫn viên giới thiệu về đường Thạch Bản,
nông trường Đại Hữu, nhà cỏ, khu di tích cũ Nhà cách mạng Nhiễu Quốc Mô -
những cái tên gắn liền với quá trình hoạt động của các nhà cách mạng
tiền bối như Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai, Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham quan Di tích văn phòng
làm việc của Cục miền Nam Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bát Lộ
Quân tại Trùng Khánh; tham quan Nhà kỷ niệm Cách mạng Hồng Nham - nơi
trưng bày và lưu trữ nhiều hiện vật về hoạt động cách mạng trước đây của
các nhà lãnh đạo Cộng sản như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai của Trung Quốc
và đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Tại tầng 2 của Nhà kỷ niệm Cách mạng Hồng Nham, cách các phòng ở, làm
việc thuở xưa của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai là căn
phòng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bí danh Hồ Quang từng sống và hoạt
động cách mạng trong giai đoạn khoảng những năm 1939-1940.
Căn phòng lưu giữ nhiều vật dụng đơn sơ như chiếc giường đơn, bộ bàn
ghế làm việc, giá sách và một vài đồ vật khác. Bên ngoài căn phòng có
treo một khung ảnh trên đó có ảnh Bác Hồ và một chiếc máy đánh chữ mà
người từng thường xuyên sử dụng.
Từng đồ vật trong căn phòng lịch sử này đều gợi nhớ về một thời hoạt
động đầy gian khó của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử cách mạng Việt
Nam, gợi nhớ về nếp sống đơn sơ thể hiện phong cách giản dị của Chủ tịch
Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ghi sổ vàng lưu niệm tại Khu di tích, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn
mạnh Chính phủ Việt Nam chân thành cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân
dân Trùng Khánh đã gìn giữ, bảo tồn Phòng lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Nhà kỷ niệm cách mạng Hồng Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng di tích lịch sử quý báu này là
minh chứng sinh động cho tình hữu nghị gắn bó keo sơn, "vừa là đồng chí,
vừa là anh em" giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong
những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc của mỗi nước; tin tưởng,
Khu di tích sẽ tiếp tục góp phần giáo dục truyền thống cách mang, củng
cố nền tảng xã hội vững chắc cho mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược
toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa
chiến lược.
Khu di tích Hồng Nham, trong đó có căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh
từng sinh sống làm việc được Trung Quốc và Việt Nam giữ gìn, trùng tu và
bảo tồn như tài sản quý báu của cả hai dân tộc. Hàng năm Khu di tích
đón khoảng 1 triệu lượt người tới tham quan, học tập, nghiên cứu./.
TTXVN