Thứ Bảy, 21/12/2024
Hướng tới Diễn đàn APEC 2017
Thứ Ba, 7/11/2017 15:11'(GMT+7)

"Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là trung tâm kinh tế toàn cầu"

Các Trưởng đoàn và các đại biểu dự phiên toàn thể Kỳ họp lần thứ tư Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC. (Ảnh: TTXVN)

Các Trưởng đoàn và các đại biểu dự phiên toàn thể Kỳ họp lần thứ tư Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC. (Ảnh: TTXVN)

Đây là bài viết của tác giả Chheang Vannarith, chuyên gia người Campuchia chuyên nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á, hiện hoạt động ở Singapore và Campuchia.

Tác giả cho rằng, Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao APEC trong bối cảnh trật tự kinh tế thế giới hiện đang căng thẳng, kinh tế toàn cầu có sự hồi phục nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu vào năm 2008, do bất bình đẳng ngày càng gia tăng, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ, các vấn đề chính trị,...

Tuy nhiên, các nền kinh tế APEC vẫn phát triển cùng với hội nhập kinh tế khu vực đang phát triển mạnh.

Thế giới, khu vực và các nước đều đang có nhu cầu và cần sự đầu tư để thúc đẩy cải cách quản trị cho một xã hội phát triển toàn diện và bền vững. Do vậy, các sáng kiến trong khu vực công là rất quan trọng để cải thiện hiệu suất của nhà nước và thích ứng với những thách thức đang nổi lên.

Theo tác giả, APEC hiện đang là cơ chế hợp tác kinh tế lớn nhất trong khu vực, chiếm 59% GDP, 48% thương mại và 53% FDI toàn cầu, trong đó, Việt Nam, nước gia nhập APEC vào năm 1998 và là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC năm nay, đã ký hiệp định tự do thương mại với 18 nước thành viên APEC, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia và Singapore, là những thị trường xuất khẩu chính.

Do vậy, tác giả đã dẫn lời Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, “sau hơn 30 năm cải cách và hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng, Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế mở và năng động, dự kiến sẽ trở thành một trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới".

Đánh giá về mối quan tâm của các nền kinh tế khi tham dự Hội nghị APEC lần này, tác giả cho rằng, với chính sách “nước Mỹ là trên hết", Mỹ sẽ gây nhiều áp lực hơn cho các nền kinh tế khác để có cách ứng xử tốt hơn đối với Mỹ về quan hệ thương mại và đầu tư.

Ngoài ra, Mỹ cũng quan tâm đến việc mở rộng hợp tác về kinh tế kỹ thuật số, tự do hóa dịch vụ và sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế.

Về phía Nhật Bản, tác giả cho rằng, nước này quan tâm nhiều đến việc xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động chung cho khu vực để tự do hóa thương mại và đầu tư. Vì việc duy trì một cơ chế mở và tự do là một trong những lợi ích cốt lõi của chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Đối với Trung Quốc, tác giả nhận định, nước này sẵn sàng đi đầu trong việc thúc đẩy trật tự kinh tế tự do bằng cách thúc đẩy một hệ thống kinh tế đa phương mở và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

Trung Quốc quan tâm đến việc liên kết sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với các cơ chế khu vực khác như APEC. Trung Quốc cũng quan tâm đến việc thiết lập khuôn khổ hợp tác để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, như mô hình mạng cảng điện tử châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Model of E-port Network) để cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các cảng.

Nhận định về những thách thức sắp tới của APEC, tác giả cho rằng, đó là làm thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu mở cửa và mang tính bao trùm; làm thế nào để đảm bảo các thỏa thuận thương mại khu vực mở cửa và công bằng; làm thế nào để vượt qua những thách thức phát sinh từ biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và việc gắn kết thương mại với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tác giả cũng đã dẫn lời phát biểu của phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Phiên họp Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương vào tháng Năm năm nay rằng, “trong bối cảnh toàn cầu ngày càng bất ổn, hơn bao giờ hết chúng ta cần một kiến trúc khu vực minh bạch, cởi mở, xây dựng và đáp ứng.” Và “chúng ta cần những hình thức sáng tạo về hợp tác thương mại và quản lý, sự gắn kết, giải quyết các vấn đề đầu tư và thương mại thế hệ tiếp theo, xây dựng năng lực và hợp tác về kinh tế và kỹ thuật”.

Kết thúc bài viết, tác giả dự báo, với chủ đề “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và bốn lĩnh vực ưu tiên trong thúc đẩy hợp tác APEC (gồm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; làm sâu sắc thêm liên kết kinh tế khu vực; tăng tính cạnh tranh và sự sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu), thời gian tới, trung tâm kinh tế toàn cầu vẫn sẽ nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất