Ngày 18/1, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano nhấn mạnh, châu Á đang nhanh chóng trở thành trung tâm phát triển năng lượng hạt nhân của thế giới.
Đây là phát biểu của ông Amano tại Hội nghị hàng năm của Hội hạt nhân Ấn Độ về tác động của công nghệ phóng xạ đối với sức khoẻ con người và môi trường.
Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hiện đang là những nước thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân ở châu Á và toàn cầu. Trong số 61 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng trên thế giới có gần 40 lò ở châu Á.
Ông Amano khẳng định, khai thác nguồn năng lượng hạt nhân đang tăng nhanh trên thế giới và IAEA dự báo sẽ có thêm 10-25 nước nữa sử dụng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên vào năm 2030.
Năng lượng hạt nhân không phải đặc quyền của các nước phát triển mà các nước đang phát triển cũng có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các nước phát triển về phát triển năng lượng hạt nhân và sử dụng năng lượng này vào các mục đích hòa bình, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất và bảo vệ nguồn năng lượng này không rơi vào tay các tổ chức khủng bố và tội phạm.
Tổng Giám đốc IAEA nhấn mạnh, nhu cầu lớn và rất cấp thiết về đảm bảo tính minh bạch của các dự án năng lượng hạt nhân từ quản lý chất thải hạt nhân đến quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng trong chu kỳ nhiên liệu mở.
Sử dụng chu kỳ nguồn nhiên liệu urani và thori có độ làm giàu thấp sẽ giảm đáng kể nguy cơ phổ biến hạt nhân và tận dụng được hiệu quả nhiên liệu hạt nhân.
Ông cũng lưu ý rằng IAEA đã chuyển hướng mạnh mẽ trong việc cải thiện chăm sóc y tế thông qua công nghệ hạt nhân, đặc biệt là điều trị bệnh ung thư ở các nước đang phát triển./.
(TTXVN)