Chủ Nhật, 22/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 10/9/2012 21:45'(GMT+7)

“Chết” trên thế giới ảo

(Hình minh hoạ).

(Hình minh hoạ).

Nhiều người mê mạng xã hội đến mức không thể dừng. Họ luôn để trang cá nhân của mình ở tình trạng “đăng nhập thường trực”. Mỗi tin tức liên quan đến họ đều được đưa lên trang mạng để mọi người được biết ví dụ: “hix hix, vừa nấu cơm xong”, “hu hu, bị chồng mắng”, “Cu Bi đã nhổ cái răng sâu”, “Sếp vừa đi công tác”, “Ặc ặc, trời mưa phải ở lại cơ quan”, “Ha ha, đã nhận lương” ..v..v.. Đại khái là nếu ai quan tâm theo dõi những người mê mạng xã hội sẽ luôn biết họ làm gì, ở đâu, thích gì, nghĩ gì, quan điểm xã hội của họ ra sao, công việc của họ thế nào.

Mạng xã hội từ một thứ giải trí đã ăn sâu trở thành cuộc sống của họ. Cái cuộc sống này, nhiều người gọi là sống trong thế giới ảo. Mặc dù ảo, nhưng nó lại có những tác động rất thật. Nhiều người tâm sự, nếu không lên mạng được chỉ một giờ thôi cũng thấy chân tay buồn bực. Và hiển nhiên rằng lúc ở cơ quan hay ở nhà, dù đang trên giường ngủ hay trong bếp họ đều “dính” đến thế giới ảo để luôn có thể trả lời những người hỏi tới, luôn là người nhanh tay bấm “like” cho những mục mình thích, những câu nói ấn tượng, hay những hành vi kỳ quặc của một người khác.

Cuộc sống trên thế giới ảo mang đến cho người ta những điều thú vị bổ khuyết cho cuộc sống thật, song nó cũng mang đến những tai nạn bất ngờ. Tai nạn nặng thì bị truy tố trước pháp luật vì hành vi giết, hành hạ động vật hoang dã; tai nạn nhẹ thì bị lừa gạt mất tiền bạc, của cải. Những tai nạn này đều có “mẫu số chung” vì nguyên nhân có quá nhiều thông tin cá nhân đã bị lộ trên mạng. Nhưng cũng vì là thế giới ảo đâm ra những thông tin này có thể là thật, có thể là dối khiến người ta không biết đâu mà lần và dẫn đến những tai nạn “thứ phát”. Ví dụ như một số tờ báo phải đăng những lời xin lỗi, cải chính vì đã sử dụng thông tin không đúng sự thật lấy trên mạng xã hội; hoặc tạo ra tâm lý hoang mang trong xã hội thực khi nhiều người lưu truyền những bức ảnh “sốc” được tô vẽ bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh...

Nhiều kẻ “láu cá” trong thế giới mạng cũng biết sử dụng thông tin để đánh bóng tên tuổi, hoặc phát ngôn chỉ trích đối thủ. Mới đây, câu chuyện về các ca sĩ chỉ chích, chê bai, bêu xấu nhau cũng được sử dụng bằng “công cụ” thế giới ảo. “Công cụ” này tỏ ra hữu hiệu đến mức nhiều diễn viên, ca sĩ mới nổi còn có “phong trào” thuê người “sống hộ” trên thế giới ảo. Người “sống hộ” này có nhiệm vụ cập nhật thông tin, tải ảnh, đưa lời phát ngôn, trả lời người hâm mộ hộ “thân chủ”. Thế mới có chuyện, nhiều anh chàng ca sĩ mới nổi chẳng hiểu mô tê gì về máy tính hay thế giới mạng mà cũng có những phần mềm chuyên dụng để mở rộng mạng lưới bạn bè, chào mời kết bạn, quảng cáo hình ảnh trên mạng xã hội v..v..

Lẽ thường đã có sống thì ắt có chết. Những cái chết trên mạng ảo cũng cho người ta nhiều sắc thái tình cảm bất ngờ. Đối với những cá nhân qua đời bất ngờ trong thế giới thật, bạn bè mạng cũng có những lời chia buồn sâu sắc. Song cũng có những cái chết trong thế giới ảo bị người ta truy vấn: “nó đâu rồi?”, “biến đâu mà mất mặt?”, “bị hách ních rồi à?”, “bị hỏng mạng hay hỏng máy tính?”... Cuối cùng thì như thi sĩ Nguyễn Bính từng nói: “Người ta thương tiếc có chừng thôi”.

Ngẫm lại, thế giới ảo, xã hội mạng cuối cùng cũng chỉ là thứ mua vui./.

(Ỷ Thiên/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất