Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ
lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo tổ chức dạy nghề
cho lao động nông thôn trong thời gian qua. Mặc dù trong điều kiện khó
khăn về nguồn lực và sản xuất thu hẹp, công tác dạy nghề cho lao động
nông thôn đã đạt được những kết quả tích cực, mang lại những đóng góp
thiết thực cho người dân và nền kinh tế.
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần
tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW ngày
5/11/2012 của Ban Bí thư, tạo sự chuyển biến thật sự về nhận thức và
hành động của cán bộ đảng viên, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp
về thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng và phát
triển nguồn nhân lực nói chung.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng
dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù
hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp
và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghệp; các nghề phi nông nghiệp phải
xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát
triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu sử dụng
lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp. Chỉ tổ chức dạy nghề cho
lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với
việc làm có được sau khi học nghề, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các
bộ ngành có liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ về chính sách dạy nghề đối với người lao động theo hướng tích hợp
chung các chính sách hiện hành về đào tạo nghề để thống nhất thực hiện.
Trong đó, Bộ cần chú trọng ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho người thuộc diện
được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị
thu hồi đất nông nghệp, ngư dân.
Đồng thời, Bộ cần nghiên cứu, điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại
cho các đối tượng ưu tiên cho phù hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết
định vào đầu quý 1/2015...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956, trong
điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đình trệ
sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn nhưng trong 4 năm
đầu thực hiện Đề án, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động
triển khai tổ chức hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn. Kết quả dạy
nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho
sự phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, góp phần thực hiện an sinh
xã hội.
Trong 4 năm (2010-2013), cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 1,6 triệu
lao động nông thôn, đạt 85% kế hoạch trong 4 năm và bằng 22,9% tổng số
lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956
trong 11 năm (2010-2020). Trên 1,5 triệu người đã học xong và có gần 1,2
triệu người có việc làm mới, được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tiếp
tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn, đạt trên 79% và so với 3
năm (2010-2012) đạt cao hơn 0,07%...
Riêng năm 2013, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 530.000 lao động
nông thôn, chiếm 106% kế hoạch hỗ trợ dạy nghề năm 2013; số người học
nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập
cao hơn đạt 80,32%.
Tuy vậy, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt mục tiêu của
Đề án, số lao động được hỗ trợ dạy nghề còn thấp, việc làm cho lao động
nông thôn chưa thật sự bền vững; đầu tư cơ sở công lập cấp huyện thiếu
đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao; việc xác định danh mục nghề đào tạo
cho lao động nông thôn nhất là danh mục nghề nông nghiệp còn dàn trải;
công tác kiểm tra, giám sát, quản lý theo dõi, thống kê kết quả, hiệu
quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, nhất là ở cấp huyện,
cấp xã...
Các ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá việc thực hiện Đề án đạy
nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 đã đạt được những kết
quả nhất định.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác này, các đại biểu đề xuất cần
tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc tạo công ăn việc
làm, tạo động lực cho lao động nông thôn; tăng cường công tác tuyên
truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; kiểm
tra, giám sát việc thực hiện Đề án ở các cấp; nhân rộng các mô hình dạy
nghề có hiệu quả, khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo nghề
cho lao động nông thôn.../.
Theo TTXVN