Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 31/12/2015 17:38'(GMT+7)

Chỉ mong "trả nghĩa với rừng"

Ông Nguyễn Văn Thịnh suy tư tìm cách "trả nghĩa với rừng"

Ông Nguyễn Văn Thịnh suy tư tìm cách "trả nghĩa với rừng"

Nhập ngũ năm 1975, và sau gần 20 năm cống hiến trong quân đội, ông Thịnh chuyển về công tác ở ngành lâm nghiệp. Năm 2007, ông Thịnh nghỉ hưu. Xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên - quê ông Thịnh chuyên về cây vải thiều. Cũng như những người dân khác, ông cũng đưa 100 cây vải thiều vào vườn đồi, nhưng thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thông thường, ông Thịnh chọn cách thức khác, đó là sử dụng chế phẩm sinh học để cho ra sản phẩm vải thiều sạch. Ý tưởng này đã đưa ông đến với các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Anisats SH01 trên cây vải sớm được thực hiện tại vườn vải nhà ông Thịnh, đến nay cũng đã qua 6 mùa vải quả. Bình quân mỗi năm, từ vườn vải thiều ông Thịnh thu về trên 200 triệu đồng. Lẽ thường, với nhiều người thế cũng ổn, nhưng với ông Thịnh ý tưởng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trên một diện tích đất đai vẫn đeo bám và với ông, đó là món nợ ân tình với rừng.

Sau khá nhiều thời gian suy tư, đặc biệt mỗi lần đi dưới vườn vải ông Thịnh thường suy nghĩ tận dụng không gian dưới tán cây vải, nhưng chưa rõ sẽ đưa cây gì vào cho thích hợp. Lại qua các nhà khoa học, năm 2013 ông Nguyễn Văn Thịnh tiếp cận được mô hình trồng nấm linh chi dưới tán vải thiều và ông đã mạnh dạn tiếp nhận dự án.

Từ 56 phôi nấm ban đầu do Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam cung cấp để trồng thí điểm, ông Thịnh hì hục đào rãnh, xếp gỗ sau đó đặt phôi nấm rồi tưới tắm. Theo cơ quan chuyên môn nấm linh chi trồng dưới tán vải có thời gian sinh trưởng phát triển trong 3 năm. Phôi nấm được tiếp xúc với đất nên chất lượng tốt hơn và năng suất cao gấp 3 lần so với phương pháp trồng nấm trong nhà. Phương pháp trồng cũng khá đơn giản, tận dụng dưới tán cây vải sớm, không phải làm nhà, làm giàn nên chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, điều kiện để trồng được nấm linh chi phải là những vườn vải 100% dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thoát nước và làm cỏ vườn bằng phương pháp thủ công thì mới trồng xen kẽ nấm linh chi được. Khi trồng phải đào rãnh rộng từ 40-50cm, xếp một lượt gỗ keo xuống dưới sau đó đặt phôi nấm lên trên rồi chèn gỗ xung quanh phôi nấm, rắc kín mùn cưa lim xung quanh và lá vải lên trên, tạo điều kiện cho nấm phát triển như trong môi trường tự nhiên, hàng ngày tưới nước cho phôi đủ độ ẩm mỗi ngày 2 lần để phôi nấm phát triển sinh trưởng tốt.

Từ khi đưa vào trồng sau 3 tháng phôi nấm bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi kg nấm ông Thịnh xuất ra thị trường với giá giao động từ 800.000 -1.300.000 đồng/kg. Từ những bịch nấm đầu tiên, đến nay trong vườn ông Thịnh trồng trên 1.000 phôi nấm linh chi và đang cho thu hoạch.

Song hành với việc trồng nấm linh chi dưới tán vải thiều, ông Thịnh lặng lẽ triển khai việc trồng nấm linh chi dưới tán cây lim xanh, địa chỉ chính là rừng lim ở rừng Phe, huyện Yên Thế. Số lượng ban đầu là 50 bịch nấm, không ngờ nấm trồng dưới tán lim phát triển rất tốt. Ông Thịnh tiếp tục đưa về gia đình ông Thái Văn Thành ở xã Tam Tiến huyện Yên Thế 600 bịch. Trong câu chuyện, ông Thành cho biết: Dưới tán rừng lim giờ có thêm cây nấm, người trồng rừng như ông có cơ hội thu thêm lâm lộc khai thác từ rừng và củng cố quyết tâm giữ rừng.  

Riêng với ông Thịnh, cây nấm linh chi có mặt tại rừng Phe, tuy mới chỉ là những bước đi đầu tiên nhưng phần nào giúp ông có câu trả lời và ý nguyện trả nghĩa cho rừng với ông giờ đang trở thành hiện thực. Ông Thịnh rất vui, trên gương mặt của người kiểm lâm già, nụ cười như rạng rỡ hơn.

Đưới đây là một số hình ảnh ông Thịnh "xoay xở" dưới tán rừng:


Ông Thịnh giới thiệu kỹ thuật trồng nấm dưới tán rừng lim  

 
Ông Thịnh giới thiệu với báo chí mô hình trông trồng nấm dưới tán cây vải cho giá trị kinh tế cao

 
Ông Thịnh giới thiệu kỹ thuật trồng nấm dưới tán cây vải cho đồng đội

 
Ông Thịnh giới thiệu kỹ thuật trồng nấm dưới tán rừng lim cho đồng đội


 Sản phẩm dưới tán rừng

Bài và ảnh: Phương  Thảo
Đài truyền thanh Tân Yên

                                                         

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất