Đại diện Sở Y tế Hà Nội đã chỉ ra những sai phạm thường gặp của các phòng khám, cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài trên địa bàn Hà Nội tại buổi làm việc chiều nay với Ủy ban nhân dân thành phố.
Sai phạm tràn lan
Trong buổi làm việc, Giám đốc Sở Y Tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho hay, hiện công tác quản lý các phòng khám có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội còn vấp phải nhiều khó khăn.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y Tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố còn 13 cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài hoạt động. Tổng số bác sỹ nước ngoài và người giúp việc được cấp phép là 27 người.
Trong số này có 7 bác sỹ quốc tịch Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh và 20 bác sỹ các quốc tịch khác.
Trên địa bàn Hà Nội, có 9 cơ sở có bác sỹ là người Trung Quốc đã thôi không hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (về nước hoặc chuyển đi nơi khác) nhưng các cơ sở chưa báo cáo với Sở Y Tế. Cụ thể, trong số này có 5 cơ sở đã ngừng hoạt động nhưng chưa trả giấy phép gồm các phòng chẩn trị y học cổ truyền 29 Quốc Tử Giám, 1G Bích Câu, 84 Trần Đại Nghĩa, 77 Giải Phóng, 70E Thụy Khuê. Bên cạnh đó còn có 4 cơ sở có bác sỹ Trung Quốc đã thôi không tham gia khám chữa bệnh là phòng khám đa khoa 620 Hoàng Hoa Thám, phòng chẩn trị y học cổ truyền 604 Trường Chinh, 124 Láng Hạ và 981 Giải Phóng.
Đánh giá về những sai phạm thường gặp tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là phòng khám có thầy thuốc Trung Quốc tham gia làm việc, đại diện Sở Y Tế cho hay, trong thời gian vừa qua, Sở đã tích cực tiến hành thanh kiểm tra.
Các lỗi cơ bản bao gồm: Khám chữa bệnh không đúng với phạm vi chuyên môn đã được cấp phép, cụ thể là ở phòng chần trị y học cổ truyền 604 Trường Chinh. Ngoài ra, nhiều phòng khám, người nước ngoài làm công việc chuyên môn chưa được phép của Sở Y Tế hay quảng cáo giới thiệu phòng khám không đúng với nội dung đăng ký đã được phê duyệt.
Một lỗi phổ biến nữa cũng được đại diện Sở Y tế chỉ ra là các phòng khám sử dụng một số dược phẩm chưa được cấp phép của Bộ Y Tế cho bệnh nhân mà tiêu biểu là phòng chẩn trị y học cổ truyền 604 Trường Chinh; phòng khám có niêm yếu giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng lại thu cao hơn, thậm chí thu khi chưa niêm yết giá (điển hình là trường hợp phòng khám Maria.)
Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng cho biết thêm, ngoài những lỗi này, nhiều phòng khám còn mắc lỗi trong khâu ghi chép sổ khám bệnh, kinh doanh thuốc không còn nguyên bao bì, xuất xứ…
“Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt đối với 8 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 200 triệu đồng,” ông Hiền nói.
Vụ Maria: Trách nhiệm của ai?
Đối với phòng khám đa khoa Maria, ông Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, Thanh tra Sở Y Tế đã từng xử phạt đến 4 lần với tổng số tiền trên 40 triệu đồng trong đó có 3 lần vào năm 2011.
Trước vấn đề dư luận đặt ra: Liệu mức xử phạt như trên có quá nhẹ, đại diện Sở Y Tế cũng nhận lỗi khi khẳng định: “Công tác kiểm tra, hậu kiểm tra của Sở đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài vẫn chưa được thường xuyên, các hình thức xử phạt cũng chưa có tính răn đe.”
“Thời gian tới, Sở Y Tế kiến nghị cần tăng cường chế tài xử lý, xử phạt đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài,” ông Hiền nói.
Cũng theo vị Giám đốc này, trong trường hợp phát hiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sai sót về quy chế chuyên môn và các quy định của Luật khám chữa bệnh tùy theo tính chất, mức độ và hành vi vi phạm của các cơ sở, Sở có thể tước giấy phép, thu hồi giấy phép hoạt động ngay từ lần vi phạm đầu tiên.
Tuy nhiên, Sở này cũng kiến nghị với các cơ quan chức năng khi cho rằng việc quản lý hộ tịch đối với người nước ngoài của các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự chặt chẽ.
Riêng về vấn đề trách nhiệm, trước câu hỏi của các phóng viên, đại diện Sở Y Tế Hà Nội vẫn chưa đi thẳng vào vấn đề. Cụ thể, khi nhận được chất vấn: Tại sao Thanh tra Sở đã phát hiện phòng khám Maria có 4 lần vi phạm, trong đó có cả việc sử dụng lao động Trung Quốc chui, đại diện Sở lại “đổ lỗi” cho pháp luật.
“Trong những trường hợp này, pháp luật chỉ quy định phạt tiền chứ chưa đến mức đóng cửa phòng khám,” đại diện Sở khẳng định.
Không chỉ cho rằng pháp luật lỏng lẻo, đại diện Sở tiếp tục lặng thinh trước câu hỏi về mối quan hệ giữa việc cấp phép cho Maria và sự việc bệnh nhân tử vong tại đây.
“Thực tế, lực lượng thanh tra của Sở rất mỏng nên việc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế,” ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở thanh minh.
Cũng trong buổi làm việc chiều nay (24/7), về nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong tại Phòng khám đa khoa, đại diện Sở Y tế cho biết, đón tiếp, khám chữa bệnh cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong là 3 bác sĩ người Trung Quốc, gồm: Châu Kiện Kiều, Đặng Cẩm Chi và Trương Lệnh Công. Cả 3 người này đều không được cấp phép hành nghề của Sở Y tế Hà Nội.
Hiện, phía cơ quan công an đã tiến hành niêm phong hồ sơ liên quan và tích cực làm rõ vụ việc.
Sơn Bách (Vietnam+)