Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 10/5/2009 10:38'(GMT+7)

Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị về việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (năm 1010 - 2010)

Chùa Một cột - một biểu tượng văn hoá của Thủ đô Hà Nội

Chùa Một cột - một biểu tượng văn hoá của Thủ đô Hà Nội

Theo chính sử của nước ta, mùa thu năm Canh Tuất (1010), Vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên Kinh thành là Thăng Long, nay là Hà Nội. Theo mốc lịch sử đó, đến năm 2010, Thủ đô Hà Nội sẽ tròn 1000 năm tuổi. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử nước nhà. Bởi vậy, việc tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là sự biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước; là dịp giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc; động viên toàn Đảng, toàn dân phấn đấu xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đây cũng là dịp để giới thiệu và nâng cao tầm vóc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên thế giới.

Với ý nghĩa sâu sắc đó, Bộ Chính trị quyết định tổ chức kỷ niệm trọng thể 1000 năm Thăng Long theo yêu cầu và nội dung sau :

1- Việc thực hiện chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, đồng thời là cuộc vận động mang ý nghĩa rộng lớn trên phạm vi toàn quốc. Quá trình tổ chức kỷ niệm cần thiết thực, gắn liền với chương trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Thủ đô; gắn với việc xây dựng và bồi dưỡng con người mới, xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống Hà Nội - ngàn năm văn hiến.

2- Để tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ngay từ năm 1998 cần chỉ đạo triển khai các công việc chủ yếu sau đây:

- Hà Nội phải phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 và những năm tiếp theo; xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật, là trung tâm kinh tế và giao dịch quốc tế lớn của cả nước; là thành phố gương mẫu cho cả nước.

- Việc thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô cần gắn với các mục tiêu của chương trình kỷ niệm. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, xây dựng một số công trình văn hoá; xây dựng và tôn tạo công viên, khu vui chơi, giải trí, du lịch để Hà Nội sớm trở thành một Thủ đô vừa văn minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, thanh lịch, vừa giữ được bản sắc văn hoá dân tộc.

- Thực hiện một chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước nhằm tổng kết kinh nghiệm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội trên những vấn đề lớn qua 1000 năm tôn tạo và phát triển.

3- Tiến tới 1000 năm Thăng Long, mà khởi đầu là tổ chức kỷ niệm 990 năm Thăng Long vào năm 2000, nhằm nâng cao nhận thức và tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến và động viên toàn dân thi đua đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ IX của Đảng, tạo đà cho đất nước bước vào thế kỷ XXI. Từ nay đến năm 2000 cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau :

- Hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố năm 1996-2000, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng.

- Xây dựng và nâng cấp các công trình văn hoá, vui chơi giải trí. Trước mắt, tập trung vào các công trình xung quanh Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Hồ Ba Mẫu, công viên Lênin, công viên Thủ Lệ..., tôn tạo các di tích trong khu vực Thành cổ, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, xây dựng một số công trình văn hoá mới ở Thủ đô. Tiến hành có chất lượng giai đoạn đầu chương trình nghiên cứu khoa học về lịch sử Hà Nội. Phát động phong trào sáng tạo văn học - nghệ thuật về Hà Nội; hoàn thành bộ Bách khoa toàn thư Hà Nội. Chuẩn bị xây dựng một số tượng đài kỷ niệm...

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục truyền thống sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, phát động phong trào toàn dân bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực hướng tới kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long. Xây dựng con người mới, phấn đấu thực hiện nếp sống trật tự, kỷ cương, thanh lịch của người Hà Nội, khắc phục có hiệu quả những tệ nạn xã hội.

4- Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (do thành phố chủ trì) với sự tham gia của đại diện Chính phủ và một số ban, ngành Trung ương.

5- Về kinh phí, ngoài ngân sách nhà nước, khi cần thiết Hà Nội được huy động mọi nguồn lực của các cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước vào việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá và xây dựng các công trình lớn. Phải công khai hoá và quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng mục đích, thiết thực, có hiệu quả các nguồn vốn và lao động cho mục đích này.

Thành uỷ Hà Nội, các ban, ngành ở Trung ương và các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai chương trình; hàng năm có sơ kết và báo cáo Bộ Chính trị về việc thực hiện chỉ thị này.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ


Phạm Thế Duyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất