Trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thì có tới 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa số dân sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Điều đó cho thấy biển có vị trí quan trọng như thế nào. Bắc Ninh là một tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Bắc Ninh không có biển, nhưng không phải vì thế mà người Bắc Ninh không yêu biển, đảo. Phụ nữ Bắc Ninh yêu biển, đảo không chỉ vì sự giàu có, đẹp đẽ của thiên nhiên mà biển, đảo Việt Nam còn là phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc!
Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ngày 2/5 vừa qua không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà chủ yếu “khoan thăm dò” sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt Nam. Cùng với nhân dân và phụ nữ cả nước, các cấp Hội LHPN Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động hướng về biển, đảo quê hương, mỗi cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở đều là tuyên truyền viên, sẵn sàng bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình, giúp chị em nắm rõ bản chất sự việc, khẳng định chủ quyền đối với Hoàng sa, Trường Sa. Mỗi phụ nữ Bắc Ninh trên các mặt trận công tác thể hiện tình yêu Tổ quốc đúng cách, tích cực lao động sản xuất, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây hận thù dân tộc, không để lôi kéo tham gia bạo động, gây tổn hại đến lợi ích và hình ảnh đất nước. Đặc biệt, hưởng ứng phát động của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, mỗi người phụ nữ Bắc Ninh thông qua các hành động và việc làm thiết thực bày tỏ tình yêu Tổ quốc, ý thức trách nhiệm của mình đóng góp ủng hộ chương trình “Chung sức vì biển, đảo quê hương” trên 1 tỷ đồng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và của tỉnh, Hội LHPN Bắc Ninh đã tích cực, khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tuyên truyền biển, đảo gắn với sinh hoạt chi, tổ hội 6 tháng đầu năm 2014 sớm hơn thường lệ. 100% chi, tổ phụ nữ được quán triệt và triển khai sinh hoạt trên 1.600 buổi. Trong đó 256 chi, tổ hội có báo cáo viên của Hội LHPN tỉnh, huyện trực tiếp về dự và tuyên truyền. Cá nhân tôi trực tiếp đi tuyên truyền 32 cuộc (3 huyện, 22 cơ sở, 7 chi, tổ), với vai trò là Trưởng ban Tuyên giáo của Tỉnh hội phụ nữ, tôi đã nhanh chóng tổng hợp, biên soạn lại tài liệu trên cơ sở tài liệu của TW Hội và của tỉnh, thành một bài tuyên truyền chi tiết phù hợp để chi hội nào không có báo cáo viên chi trưởng có thể đọc nguyên văn bài tuyên truyền mà vẫn hiệu quả; đồng thời rà soát nhanh những địa bàn có đông công nhân nữ, các nhà máy xí nghiệp do người Trung Quốc, Đài Loan làm chủ; các địa bàn làng nghề có quan hệ làm ăn buôn bán với Trung Quốc để chú trọng tuyên truyền.
Có thể nói vấn đề Biển Đông chưa bao giờ được đề cập nhiều đến thế, chưa bao giờ lòng yêu nước lại mạnh mẽ đến thế, chưa bao giờ mà chị em- những người phụ nữ đời thường với bao lo toan, vẫn thường thờ ơ, ít quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước, những người phụ nữ ít xem thời sự nhưng hay xem phim Hàn thì giờ đây lại quan tâm nhiều đến thế và lo lắng đến vậy, khiến chúng tôi bất ngờ: Chị Dịu 46 tuổi ở Trung Chính, Lương Tài tâm sự, tôi đang theo dõi bộ phim dài tập của Thái Lan chiếu trên kênh Today TV vào lúc 22h, nhưng cũng vào lúc này trên kênh VTV1 đang phát lại chương trình thời sự lúc 19h, mặc dù tôi đã xem rồi nhưng vẫn bỏ bộ phim yêu thích để xem tình hình Biển Đông, bởi xem 1 lần vẫn chưa đủ....
Ít có buổi sinh hoạt nào mà lại đông đủ đến thế, lại trật tự đến thế, lặng đi theo những cảm xúc, nghẹn ngào, những tiếng nấc, tiếng thút thít do cố kìm nén, đôi mắt đỏ hoe... Tôi biết các mẹ, các chị đang khóc, Tôi biết các chị khóc vì mình chưa làm được gì nhiều lắm cho Hoàng Sa- Trường Sa.... Khi tôi hoỉ em gái tên Duyên ở Thọ Vuông, Đông Thọ, Yên Phong (27 tuổi có chồng và 2 con nhỏ). Nếu bây giờ Tổ quốc cần chồng em đi chiến đấu bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa, ý em thế nào? Duyên trả lời ngay mà không cần suy nghĩ, rằng em đồng ý và động viên chồng an tâm đi chiến đấu, không những chồng em mà em cũng muốn đi... Tôi cũng biết các mẹ, các chị rơi nước mắt vì những ngư dân dũng cảm mặc dù biết rất hiểm nguy nhưng vẫn cắm cờ, buông lưới ra khơi để khẳng định chủ quyền đất nước, khóc vì thương con em, chiến sỹ, đồng bào mình đang hàng ngày hàng giờ đối mặt với những vụ đánh đập ngư dân, đâm va chìm tàu, những vòi rồng phun với áp lực lớn có thể làm nổ con ngươi của mắt; thương cho những vất vả, thiếu thốn mà những người lính trên đảo phải chịu đựng:
Anh ở nhà lô (nhà giàn)
Nước ngọt được cấp một xô mỗi ngày
Đánh răng rửa mặt, rửa tay
Nước thừa dồn lại cuối ngày tưới rau.
Nước chỉ là 1 trong số vô vàn những thiếu thốn mà các chiến sỹ nơi đảo xa thiếu thốn, trong khi chúng ta có thừa, thoải mái, đôi khi còn hoang phí, thì ở nhà giàn chênh vênh giữa biển khơi ...thử hỏi làm sao nước mắt của những người mẹ, người chị không rơi. Hội trường lặng đi, làm người nói như tôi cũng rưng rưng lệ. Tôi lấy lại tinh thần để động viên, hài hước 1 chút khi kể chuyện về những anh lính lạc quan, hóm hỉnh và cũng rất đa tình:
Biển mùa này có lặng sóng không anh
Không em à, biển cồn cào nỗi nhớ
Tình yêu anh vẫn ngọt ngào muôn thuở
Lính đa tình, yêu cả biển và... em.
Và cứ như thế sau mỗi buổi tuyên truyền, chưa có cuộc vận động ủng hộ nào lại tự nguyện, lại dễ dàng và nhanh chóng đến vậy, các bà, các chị sốt sắng rồi thắc mắc sao không đưa mức vận động cao hơn mà chỉ có 2.000 đồng. Chị Nguyễn Thi Bích ở Võ Cường-TP Bắc Ninh ủng hộ 1 triệu đồng, chị nói: Bây giờ dân mình đâu có đói, tiêu ít đi một chút để cho chiến sỹ mình, ngư dân mình mua tàu lớn hơn mới đỡ khổ, chứ tôi thấy tàu của kẻ thù to gấp 5, 6 lần tàu mình tôi thấy sót xa quá. Tôi cũng chẳng giàu có gì chỉ bán hàng quà ở chợ nhưng tôi xin góp 1 triệu, đề nghị chị em mình cùng đóng góp có nhiều góp nhiều, có ít góp ít không sao cả. Thế là bài thuyết trình của tôi bị ngắt đi mất đoạn kết để nhường cho việc quyên góp ủng hộ. Mặc dù chưa hoàn thành bài nói nhưng tôi rất vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngay hôm đó Phụ nữ phường Võ Cường đã thu được trên 13 triệu đồng và khi kết thúc đợt vận động Võ Cường ủng hộ trên 42 triệu đồng, là đơn vị cao nhất trong tỉnh. Có những người phụ nữ như vậy, Sau hơn 1 tháng phát động, Bắc Ninh đã vận động được trên 1 tỷ đồng đạt 5.600đồng/ hội viên, vượt gần 300% theo kế hoạch đề ra.
Đối với những cán bộ Hội, vẫn biết công tác tuyên truyền là quan trọng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó quan trọng đến thế, chưa bao giờ thấy công việc mình đang làm có ý nghĩa đến thế. Dù lịch tuyên truyền có dày đặc, thậm chí có những hôm cả sáng, chiều, tối mà xếp được chúng tôi vẫn háo hức lên đường. Cũng kỳ công lắm để có buổi sinh hoạt, phát huy tối đa hiệu quả của nó là cả một nghệ thuật của người làm công tác tuyên truyền. Tôi thường trao đổi trước với cơ sở để có những tiết mục văn nghệ đầu giờ mang mầu sắc của biển, những lời ca: Nơi Anh đến là biển xa, nơi Anh đến là đảo xa, từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình yêu quê nhà; không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh.... Sao những ca từ lại hay đến vậy, sao gần đến vậy, dấu yêu là thế, Hoàng Sa, Trường Sa thực sự đang hiển hiện trong tim người phụ nữ. Còn nhớ khi về tuyên truyền ở Từ sơn, khi nói đến những khó khăn vất vả của người phụ nữ trong chiến tranh, nói đến những can trường mà người mẹ, người vợ chiến sỹ phải gánh chịu... Kể lại câu chuyện Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đến thăm mẹ Huỳnh Thị Như Đóa (Mẹ của Thượng úy Lê Trung Thành, thuyền trưởng tàu CSB 4003 thuộc vùng 2 CSB) tại bệnh viện ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, mẹ bị ung thư. Mẹ Đóa tâm sự: Mẹ nào mà chẳng xót con, nếu nói không xót là nói dối. Nhưng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của dân tộc tôi thấy hãnh diện vì con trai mình đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc... thoảng nghe tiếng nấc nghẹn ngào của ai đó phá tan sự im lặng của hội trường. Đó là mẹ Nguyễn thị Tuất 78 tuổi sau giây phút xúc động mẹ đã kể câu chuyện cuộc đời mẹ cũng có người con trai xa mẹ hy sinh vì Tổ quốc:
Nghẹn ngào chào mẹ con đi
Mẹ nuôi con lớn chưa gì báo ân
Nhưng mẹ ơi- Tổ quốc cần
Đời trai bao lớp hiến dâng thân mình.
Rồi từ những buổi sau, tôi thường đến sớm trước giờ để có thời gian trò chuyện, tìm hiểu, tạo cảm giác gần gũi với chị em và để có các mẹ, các chị là vợ liệt sỹ chia sẻ những câu chuyện của mình làm cho phần tuyên truyền thêm cởi mở hơn, ý nghĩa hơn. Chính các câu chuyện đời thực ấy giúp chị em có cái nhìn thực tế hơn về những gian khổ, những mất mát hy sinh mà người phụ nữ phải gánh chịu khi có chiến tranh:
“Tổ quốc gọi rồi ... cha phải ra đi
Con trai à, việc nhà nhờ con nhé
Vì cha biết…con là người mạnh mẽ
Sẽ là bờ vai cho mẹ dựa thay cha
Con trai à, cha phải ra đi
Vì Biển Đông còn chưa nguôi sóng dữ
Vì đồng chí, đồng đội đang ngày đêm cố giữ
Không cho kẻ thù chạm vào đất quê hương
Con trai à, hãy cố nén đau thương
Nếu một mai cha không về nữa
Hãy chăm sóc mẹ …như hai người đàn ông đã hứa
Và lớn thật mau….nối tiếp bước của cha… »
Khác hẳn với sự sâu lắng của cảm xúc ở phần tuyên truyền thì phần trao đổi thảo luận lại rất cởi mở và sôi nổi, rất nhiều thông tin cũng như những tâm tư, những mong muốn của chị em được bộc bạch hết ở đây. Câu hỏi mà các bà, các chị hay hỏi nhất là: Vì sao chúng chúng ta không đánh trả, vì sao chúng ta phải nhún nhường? Liệu Việt Nam có giành lại được Hoàng Sa không chị? Bao giờ thì Trung Quốc rút giàn khoan... những câu hỏi thật không dễ trả lời... Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan không chỉ khoan thăm dò dầu khí mà còn “khoan thăm dò” sức chịu đựng và lòng yêu nước của người dân việt nam. Lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền không có gì suy chuyển so với trước kia, chỉ có điều bây giờ kẻ thù tinh vi, xảo quyệt hơn. Trước đây là nền “ngoại giao pháo hạm”, bắn là biết ngay đâu là kẻ thù, hoặc là bạn, hoặc là thù. Bây giờ chúng ta đang sống trong một thế giới đa chiều, nhiều biến đổi, khiến việc nhận diện kẻ thù không hề đơn giản. Đặc biệt là khi ứng phó hay đấu tranh phải hết sức linh hoạt, thông minh hơn nhiều.
Đảng và nhà nước ta có quan điểm nhất quán trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng phát biểu: “Chúng ta cương quyết không để tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm” không phải kẻ thù cứ đấm một cái là ta đấm lại mà lấy hòa hiếu làm trọng như ông cha ta đã từng dạy: “ Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” đó là truyền thống giữ nước của dân tộc Việt Nam. Là hội viên, phụ nữ trước hết chị em phải tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, học tập công tác để dân giàu, nước mới mạnh, giáo dục con em, tuyên truyền người thân để góp phần thắng giặc, giữ nước. Có thể câu trả lời của tôi chưa thỏa mãn hết sự mong đợi của mọi người. Tôi thấy lo lắng! Nhưng tràng pháo tay vang lên giòn rã, làm tôi bừng tỉnh. Tôi biết các bà, các chị đồng tình với tôi....đó là giây phút tôi chẳng dễ quên!
Nếu nói là chia sẻ kinh nghiệm trong việc tham gia tuyên truyền, vận động đóng góp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì tôi tin chắc rằng có rất nhiều tỉnh, có nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa mà Bắc Ninh cần học hỏi. Tuy nhiên, có được kết quả ấy phảỉ là sự nỗ lực rất lớn của cá nhân tôi và sự giúp sức chí tình của cấp hội, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của chị em phụ nữ những nơi tôi đến. Trong đó, có sự chỉ đạo nhanh nhạy, kịp thời, sát sao, có kiểm tra hướng dẫn của Đoàn chủ tịch Hội LHPN Việt Nam qua các đề án Tuyên truyền giáo dục phẩm chất Phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tôi vẫn mong đưa công tác tuyên truyền biển, đảo là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lồng ghép tuyên truyền cùng với các sự kiện, các hoạt động của Hội; vẫn mong muốn các cơ quan chức năng giúp các cấp hội phụ nữ tuyên truyền sâu về Luật Biển Quốc tế và Công ước luất biển quốc tế 1982; các nguyên tắc ứng xử của các bên ASEAN – trung Quốc (DOC) và Luật Biển Việt Nam 2012; những bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền biểm đảo của Việt Nam. Qua đó, định hướng cho hội viên, phụ nữ thể hiện tình yêu biển, đảo không chỉ bằng những việc to lớn mà phải bắt đầu từ những việc nhỏ như không xả rác, bảo vệ môi trường biển...
Lịch sử dân tộc Việt Nam thấm đỏ dòng máu của những chiến sỹ hy sinh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có máu của người phụ nữ. Dân tộc Việt nam vươn dậy từ đống đổ nát của chiến tranh, đưa đất nước trở thành hiện tượng của thế kỷ XX- có bàn tay, khối óc của người phụ nữ. Chúng ta những gười phụ nữ của thế hệ hôm nay luôn biết ơn và khắc ghi những thế hệ cha anh đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước, đã giữ cho non sông ta, biển trời của ta có được như ngày hôm nay. Có thể còn những hiểm nguy, còn những âu lo và bao khó khăn thách thức bởi Trung quốc chưa bao giờ hết dã tâm xâm chiếm Biển Đông. Chỉ có lòng dân mới giữ được nước. Chúng ta tin tưởng rằng với tất cả tình yêu, niềm tự hào và sự quyết tâm không mệt mỏi thì chính những lo âu ấy sẽ biến thành sức mạnh- sức mạnh Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam ơi, xin nắm chặt tay đoàn kết, nỗ lực hết mình, sẵn sàng hành động quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, để Việt Nam là đất nước đẹp vì biển, mạnh về biển và giàu lên từ biển.
PV. (lược ghi)