Thứ Tư, 27/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 1/11/2012 15:19'(GMT+7)

Chiến lược Đối tác Quốc gia của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2012-2015

Đại diện ADB tại buổi họp báo công bố Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2012-2015.

Đại diện ADB tại buổi họp báo công bố Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2012-2015.

 

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu

Theo đánh giá của ADB, Việt Nam đã đạt được thành tựu tăng trưởng nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2011, mức tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) hằng năm của Việt Nam bình quân đạt 6,6%, trong khi GDP trên đầu người tăng từ 843USD trong năm 2007 lên đến 1.409USD vào năm 2011. Hiện nay, Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có thu nhập trung bình ở mức thấp.

Các chuyên gia của ADB nhận định, trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam nhìn chung phần lớn đều đạt đúng tiến độ hoặc sớm hơn như tỷ lệ nhập học tiểu học, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ…

Không những vậy, Việt Nam còn đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm nghèo. Nếu như vào năm 1993, tỷ lệ nghèo là 58,1% thì tới năm 2008 đã giảm xuống còn 14,5%. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đạt được tiến bộ đáng kể về mặt bình đẳng giới. Tỷ lệ tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động được xem là khá cao. Trong số các đại biểu Quốc hội, phụ nữ hiện chiếm tỷ lệ 25,8%, là một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Một điểm cộng khác không thể không đề cập đến là tình hình chính trị xã hội tương đối ổn định, góp phần đem lại những thành tựu nổi bật kể trên của Việt Nam.

Tuy nhiên, ADB cũng chỉ ra một số những hạn chế, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. Mặc dù Việt Nam có mức tăng trưởng GDP mạnh trong thời gian qua, nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn cao, ở mức bình quân khoảng 13% trong giai đoạn 2007-2011. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp do thiếu lao động có tay nghề, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và những bất cập trong lĩnh vực quản lý công. Thêm vào đó, tình trạng nghèo đói vẫn còn. Một trở ngại lớn khác đó là dễ bị ảnh hưởng nặng nề trước suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Hỗ trợ Việt Nam trong 6 lĩnh vực ưu tiên

Trong Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2012-2015, thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn, tiếp cận các nguồn lực kinh tế và hỗ trợ các cơ hội giáo dục đào tạo, ADB sẽ giúp lồng ghép người nghèo, các nhóm và thành phần dễ bị tổn thương khác trong xã hội tham gia vào tiến trình phát triển. Ngoài ra, ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách cấu trúc và chính sách, ứng phó với những thách thức môi trường…

Để có thể đem lại hiệu quả cao nhất về mặt tài trợ và chuyển giao kiến thức, ADB sẽ ưu tiên tập trung vào 6 lĩnh vực bao gồm nông nghiệp và tài nguyên; giáo dục; năng lượng; tài chính; giao thông; cấp nước, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đô thị khác.

ADB đưa ra nhiều phương thức hỗ trợ và nguồn lực tài trợ như vốn vay và đầu tư cổ phần, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, tư vấn chính sách… nhằm triển khai chiến lược đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của Việt Nam với tư cách là một quốc gia có thu nhập trung bình. Dự kiến số vốn phân bổ từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2013-2014 là 385 triệu USD mỗi năm và năm 2015 là 395 triệu USD. Số vốn thực tế mà ADF sẽ phân bổ cho Việt Nam giai đoạn 2013-2014 sẽ phụ thuộc vào các đánh giá hiệu quả hoạt động. Không chỉ dừng lại ở khu vực công, ADB sẽ đẩy mạnh nỗ lực tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Trong quá trình thực hiện bất kỳ một chiến lược hay dự án nào, rủi ro là điều không thể tránh khỏi và cần phải được nhìn nhận nghiêm túc. Vì vậy, để đối phó với những rủi ro tài chính liên quan đến chi phí cải cách cấu trúc cũng như rủi ro do năng lực của khu vực công chưa bảo đảm, ADB sẽ giám sát chặt chẽ tác động tài chính của những cải cách cấu trúc hiện nay và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh chương trình cho vay và viện trợ ưu đãi, đồng thời tăng cường tập trung vào lĩnh vực quản lý khu vực công. Ngoài ra, ADB sẽ hỗ trợ chuyên môn giúp xây dựng năng lực cho chính quyền trung ương và địa phương trong việc lập kế hoạch đầu tư và triển khai dự án.

 LÂM TOÀN - QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất