Thứ Sáu, 4/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 22/4/2012 22:46'(GMT+7)

Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020

Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam

Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là tăng cường bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực...

Theo đó, các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được xác định gồm: các chỉ tiêu tổng hợp: GDP xanh, chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số bền vững môi trường (ESI); các chỉ tiêu về kinh tế: hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), năng suất lao động xã hội, tỷ trọng đóng góp của năng suất, các nhân tố tổng hợp và tốc độ tăng trưởng chung, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu sử dụng năng lượng, mức giảm tiêu hao năng lượng, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân vãng lai, bội chi ngân sách, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; các chỉ tiêu về xã hội: tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo, tỷ số giới tính khi sinh, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số người chết do tai nạn giao thông trên 100.000 dân, tỷ lệ số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; các chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường: tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, diện tích đất bị thoái hoá, mức giảm lượng nước ngầm, mặt nước, tỷ lệ ngày có nồng độ các chất độc hại trong không khi vượt quá tiêu chuẩn cho phép...

Định hướng ưu tiên nhằm phát triển bền vững trong giai đoạn 2011-2020 được xác định rõ trong Chiến lược:

Về kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển bền vững các vùng và địa phương.

Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung và hiệu quả của vốn đầu tư nói riêng.

Xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường và đưa thêm môi trường và các khía cạnh xã hội vào khuôn khổ hạch toán tài khoản quốc gia (SNA). Phát triển bền vững công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền "công nghiệp xanh", ưu tiên phát triển các ngành, các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Về xã hội, tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo, tạo việc làm bền vững; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hoá hài hoà với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam; phát triển bền vững các đô thị, xây dựng nông thôn mới, phân bố hợp lý dân cư và lao động theo vùng; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, vùng và địa phương;...

Về tài nguyên và môi trường, chống thoái hoá, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp...

Chiến lược cũng đưa ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện: tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững; nâng cao chất lượng quản trị quốc gia đối với phát triển bền vững đất nước; tăng cường các nguồn lực tài chính để thực hiện phát triển bền vững; tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững; tăng cường năng lực quản lý và thực hiện phát triển bền vững; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong thực hiện phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện phát triển bền vững; tăng cường vai trò và tác động của khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong thực hiện phát triển bền vững và mở rộng hợp tác quốc tế.

PV

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất