Năm 1972, trước thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ đã làm cho chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn.
Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã vội vã thực hiện chủ trương “Mỹ hóa trở lại” cuộc chiến tranh, bằng cách đưa lực lượng không quân và hải quân tăng cường đánh phá miền Bắc và chi viện cho quân Ngụy trên chiến trường miền Nam, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ 2 đối với miền Bắc.
Cuộc chiến tranh lần thứ 2 này được Mỹ thực hiện từ tháng 4-1972 với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt hơn, tàn bạo hơn, sử dụng nhiều loại máy bay, tàu chiến và các phương tiện hiện đại hơn, đặc biệt lần này chúng đã đưa máy bay B-52 vào đánh phá các trọng điểm. Ngay từ những ngày đầu tháng 4-1972, Mỹ đã sử dụng máy bay B-52 đánh phá các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng. Mặt khác, nhằm xoa dịu dư luận phản đối chiến tranh của của nhân dân Mỹ; tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11-1972.
Tại phiên họp thứ 19, từ ngày 8 đến ngày 10-10, Mỹ chấp nhận bản dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Theo lộ trình: Ngày 22-10-1972 sẽ ký tắt bản Hiệp định tại Hà Nội, ngày 31-10-1972 sẽ ký chính thức tại Paris. Đến cuối tháng 3-1973 Mỹ sẽ phải rút hết quân về nước. Với kết quả dự kiến đó Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã lừa bịp nhân dân Mỹ bằng tuyên bố “Hòa bình đã ở trong trong tầm tay”, “Con em Mỹ sắp được trở về”, “Hãy bỏ phiếu cho Nixon”.
Với thái độ tráo trở và lật lọng, sau khi trúng cử Tổng thống, Nixon đã dây dưa không thực hiện kế hoạch đã định, đòi sửa đổi nhiều điều trong Hiệp định, đồng thời cùng Lầu năm góc bí mật, khẩn trương chuẩn bị một kế hoạch tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Ngày 14-12, Nixon họp với Kissinger và một số nhân vật khác để nghiên cứu phương hướng hành động; ra lệnh phong tỏa cảng Hải Phòng, tiến hành trinh sát toàn miền Bắc nước ta và phê chuẩn kế hoạch Linebacker II (Người tiền vệ cứu bóng trước khung thành) dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng bắt đầu từ 18-12-1972 (giờ Hà Nội).
Hồi ký Nixon viết: “Thứ năm 14-12 (tức 15-12 của Hà Nội), tôi ra lệnh hải quân tiếp tục rải mìn bịt kín các cảng Bắc Việt và lệnh cho không quân bắt đầu cuộc tiến công bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, 3 ngày sau, lệnh này có hiệu lực”.
Ngày 17-12, Mỹ dùng máy bay thả thủy lôi ở biển Hải Phòng và bắn phá khiêu khích. Đến 14 giờ ngày 18-12, ta nhận được công hàm của Mỹ, thực tế là một tối hậu thư đòi ta phải họp lại Hội nghị Paris bất cứ lúc nào kể từ sau ngày 26-12. Hành động này nhằm đánh lừa ta, đồng thời chúng tính toán chỉ sau vài ngày dùng B-52 hủy diệt Hà Nội thì chắc chắn ta sẽ không chịu nổi và sẽ phải chấp nhận với bất cứ điều kiện nào mà Mỹ nêu ra. 19 giờ 40 phút ngày 18-12, đợt B-52 đầu tiên ném bom đánh phá Thủ đô Hà Nội. Cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ chủ yếu bằng máy bay B-52 mang mật danh Linebecker II bắt đầu.
Vậy, âm mưu của Mỹ trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12-1972 là gì?
Trước hết, Linebacker II được tiến hành nhằm gây sức ép buộc ta phải nối lại cuộc đàm phán ở Paris, chấp nhận theo sửa đổi của Mỹ. Trước đó, trong cuộc họp kín 08-10-1972 ở biệt thự Lê-Giê (Đảng cộng sản Pháp cho phái đoàn ta mượn làm nơi họp riêng với Mỹ), ta và Mỹ đã thỏa thuận cơ bản về nội dung của Hiệp định “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do ta dự thảo với 01 lịch trình cho việc ký kết. Những thỏa thuận đó là: Ngày 18-10-1972, Mỹ chấm dứt ném bom trên bộ và ngừng rải mìn phong tỏa các cảng biển của miền Bắc Việt Nam. Ngày 20-10, Lễ ký tắt giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger được tiến hành tại Hà Nội. Ngày 26-10, Lễ ký chính thức giữa 4 bên tham chiến tại Paris (4 bên gồm: Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa). Ngày 27-10, ngừng bắn trên toàn Việt Nam, hòa bình ở Việt Nam được vãn hồi.
Nhưng rồi Mỹ lại yêu cầu ta cho lùi thời gian biểu (21-10 ngừng ném bom thả mìn phong tỏa, 30-10 ký chính thức, 31-10 chấm dứt chiến tranh). Vì thiện chí, phái đoàn ta chấp nhận đề nghị đó của Mỹ.
Một tuần lễ sau, vào ngày 20-10, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận được thư của Tống thống Nixon khẳng định: “Hiệp định coi như đã hoàn tất, hãy tin vào chúng tôi là có thể ký kết được Hiệp định như thời gian biểu đã thoả thuận”.
Sau khi cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11-1972 thắng lợi, Nixon trúng cử, Kissinger đã quay ngoắt 180 độ, gây rắc rối cho Hội nghị: Đòi ta phải sửa 69 điều trong những điều hai bên đã thoả thuận; đòi miền Bắc cùng rút quân; đòi miền Nam là một quốc gia riêng. Phía ta không nghe thì đổ tội ta thiếu thiện chí.
Trong cuộc họp ngày 24-11, Kissinger hăm dọa: “Nếu các ông không tỏ ra biết điều, Tổng thống chúng tôi buộc sẽ ra lệnh ngừng đàm phán và tiếp tục các hành động quân sự mà hậu quả sẽ khó lường”. Đến ngày 06-12, Kissinger lại dọa dẫm: “Nếu cuộc thương lượng bị tan vỡ thì chiến tranh sẽ tiếp diễn với cường độ mạnh hơn. Đến lúc đó cuộc chiến tranh sẽ thay đổi tính chất, cuộc thương lượng này sẽ thay đổi tích chất. Mỹ sẽ không bàn bạc về Hiệp định này nữa”. Ngày 07-12, Nixon điện cho Kissinger “Chúng ta sẽ ném bom dữ dội Bắc Việt, nhưng sẽ không thông báo cho công chúng biết trước”. Hiệp định Paris bị phá vỡ.
Thứ hai, Linebacker II được Mỹ tiến hành nhằm mục đích phá huỷ diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm giảm thế và lực của ta so với ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Nixon đã tuyên bố: “Đưa B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, dùng sức mạnh huỷ diệt của B-52 làm áp lực để buộc Hà Nội phải quỳ gối.
Thứ ba, Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II nhằm đe dọa phong trào chiến tranh của nhân dân thế giới và trấn an, tạo thế cho quân ngụy Sài Gòn tiếp tục thực hiện âm mưu lấn chiếm. Có một thực tế là khi Mỹ tuyên bố sẽ dùng B-52 tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không đối với nước ta thì đã có nhiều bạn bè, nhiều nước trên thế giới đã khuyên ta nên chấp nhận những điều kiện mà Mỹ nêu ra.
HOÀNG HÀ (tổng hợp)/ Theo QĐND
Bài 2: Đợt tập kích đường không chiến lược với quy mô chưa từng gặp