Thứ Bảy, 14/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 11/4/2024 18:57'(GMT+7)

Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”[1], là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành độc lập, tự do. Đó là thắng lợi của sức mạnh “toàn dân đánh giặc” dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sau 8 năm tiến hành cuộc kháng chiến, đến giữa năm 1953, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng, đẩy thực dân Pháp lún sâu vào tình thế bị động, lúng túng. Trước nguy cơ thất bại, được sự giúp sức của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp xây dựng và triển khai kế hoạch Nava, tăng thêm binh lực, vật lực, với tham vọng xoay chuyển tình thế, chuyển bại thành thắng. Trên cơ sở phân tích về địch và khả năng của ta, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra chủ trương, kế hoạch tác chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953 - 1954, sử dụng một bộ phận chủ lực mở các chiến dịch tiến công vào những hướng địch sơ hở nhưng hiểm yếu, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược để đối phó, tạo thời cơ cho ta tập trung lực lượng tiêu diệt địch trên các hướng có lợi nhất; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các vùng đồng bằng sau lưng địch, tranh thủ cơ hội tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch nếu chúng đánh vào vùng tự do của ta, các đòn tiến công chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đẩy kế hoạch Nava bước đầu phá sản. Trước tình hình đó, địch đã tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh.

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm và đầy mưu trí, chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao để đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là bước phát triển đến đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Lần đầu tiên, ta tập trung một lực lượng lớn chủ lực tiêu diệt địch phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ. Để đi tới và làm nên thắng lợi ở Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc, giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không phát huy được ưu thế công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, có sức cơ động cao. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa ở châu Á đã chiến thắng một nước đế quốc phương Tây trong một trận quyết chiến chiến lược. Đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng và những bài học lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị, đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong cuộc hội thảo hôm nay, với tinh thần khách quan, khoa học, chúng ta cần tập trung làm sâu sắc hơn, sáng tỏ hơn một số vấn đề sau đây:

Một là, tiếp tục phân tích làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Đông Xuân 1953-1954; sự hình thành tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - nỗ lực chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; khả năng ứng phó của thực dân Pháp trước đòn tiến công chiến lược của ta.

Hai là, làm sâu sắc hơn về tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh trong lãnh đạo toàn dân, toàn quân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Phân tích làm rõ quá trình chuẩn bị và xây dựng lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; đóng góp của các tầng lớp nhân nhân, trực tiếp là đồng bào Tây Bắc và Điện Biên, đóng góp của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và lực lượng công an, của hậu phương, căn cứ địa kháng chiến...

Ba là, làm rõ vị trí, vai trò sự phối hợp giữa các chiến trường trên cả nước với Điện Biên Phủ, của các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc nói riêng, nhân dân cả nước nói chung; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phân tích làm rõ thêm những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Bốn là, phân tích làm rõ vai trò của nhân tố chính trị tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng, biết đánh và biết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đây là một trong những yếu tố then chốt để xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, ác liệt, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời cũng là nhân tố quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vào trận quyết chiến chiến lược, đi đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm là, tiếp tục khẳng định và nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ; đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” đã được chuẩn bị chu đáo với sự tham gia rất trách nhiệm và tâm huyết của các đồng chí, các nhà khoa học. Kết quả Hội thảo một lần nữa góp phần làm sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa, rút ra những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn từ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ôn lại bài học lịch sử về sức mạnh của chiến tranh nhân dân, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; góp phần thiết thực trong giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
_________________________

[1] Lê Duẩn: Tuyển tập (1965-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2008, t.II, tr.582.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất