Chiều 10/8, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (TEC) đã công bố kết quả cuối cùng cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới, theo đó văn bản này đã nhận được sự ủng hộ của 61,35% cử tri.
Kết quả trên được đánh giá là một chiến thắng thuyết phục của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trong "phép thử" lớn nhất của công luận kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2014 sau một cuộc đảo chính.
Kết quả chính thức cho thấy dự thảo hiến pháp mới đã nhận được 16.820.402 phiếu ủng hộ, tương đương 61,35% tổng cử tri tham gia bỏ phiếu, trong khi 10.598.037 người phản đối (tức 38,65%).
Liên quan đến câu hỏi phụ, khoảng 15,13 triệu người (58,07%) nhất trí rằng 250 thượng nghị sĩ sẽ do chính quyền quân sự hiện tại - hay Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) - chỉ định, và 500 nghị sĩ Hạ viện sẽ do dân bầu ra. Có 10,92 triệu cử tri (41,93%) phản đối đề xuất này.
Đây là cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về hiến pháp ở Thái Lan. Tỷ lệ tham gia bỏ phiếu đạt 59%. Lần đầu tiên Thái Lan tổ chức trưng cầu ý dân về hiến pháp là vào năm 2007, một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Với kết quả trên, bản dự thảo mà chính quyền quân sự Thái Lan đưa ra trưng cầu vừa qua sẽ trở thành hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của nước này, bắt đầu từ năm 1932.
Sau cuộc trưng cầu ý dân nói trên, Thủ tướng Prayuth thông báo nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11/2017.
TTXVN