Chủ Nhật, 5/5/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Năm, 14/7/2016 20:24'(GMT+7)

Chính nghĩa sẽ chiến thắng

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trình bày trong phiên khai mạc Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye. Ảnh PCA

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trình bày trong phiên khai mạc Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye. Ảnh PCA

 

Sự kiện bước ngoặt

Ngày 22/1/2013, Philippines chính thức kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế, trong đó có nội dung phản bác yêu sách chủ quyền “đường 09 đoạn” của nước này bao trùm hầu hết diện tích của Biển Đông. Sau ba năm cân nhắc kỹ lưỡng gần 4.000 trang tài liệu chứng cứ, hai lần tổ chức phân xử (Trung Quốc phản đối và không tham gia), ngày 12/7/2016, PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện, trong đó bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các bãi đá, bãi nổi do Trung Quốc chiếm đóng và tôn tạo. Điều này đồng nghĩa yêu sách chủ quyền “đường 09 đoạn” của Trung Quốc là không có căn cứ.

 Chuyên gia Joris Larik thuộc Viện nghiên cứu Công lý Toàn cầu (Hà Lan) chỉ ra rằng Philippines đã “chọc thủng” yêu sách “đường 09 đoạn” của Trung Quốc và “uy tín của Trung Quốc sẽ bị suy yếu sau khi PCA đưa ra phán quyết chống lại nước này”.

Về mặt pháp lý, phán quyết của PCA (12/7) kết luận “đường 09 đoạn” Trung Quốc không có căn cứ pháp lý, sẽ là một đòn bẩy quan trọng để các bên liên quan tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc liên quan yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Ngay sau khi Tòa trọng tài quốc tế phán quyết, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước sự kiện này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. 

Người phát ngôn của chúng ta nêu rõ: Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”

Chính nghĩa sẽ chiến thắng

Phán quyết của PCA một lần nữa chỉ ra rằng lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh mà thuộc về những nước có cơ sở pháp lý, tuân thủ pháp luật quốc tế, mong muốn duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải của khu vực.

Ngược dòng lịch sử, có thể khẳng định rằng, Trung Quốc đã chủ trương sử dụng vũ lực để chiếm đóng các đảo, bãi đá… của các nước trên Biển Đông. Ngoài ra, để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền cả về mặt pháp lý và trên thực địa, Trung Quốc đã lựa chọn cách ứng xử thô bạo, áp đặt, gây căng thẳng và phức tạp tình hình, bị dư luận các nước lên án, chỉ trích mạnh mẽ. Thậm chí, Trung Quốc còn ngang nhiên “xua” hàng ngàn tàu cá (một số được vũ trang) vào vùng đặc quyền kinh tế biển của các nước trong khu vực, đâm va các tàu cá của ngư dân và bỏ mặc họ tới chết. Trong mấy ngày qua, báo chí, dư luận trong và ngoài nước đang sôi sục về vụ việc hai tàu Trung Quốc (số hiệu 46102, 56103) đã rượt đuổi và đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi vào ngày 9/7/2016. “Phi nhân tính hơn” tàu của Trung Quốc còn ngăn cản các hoạt động cứu trợ nhân đạo với ngư dân đang chìm dần do đuối sức. Vụ việc này cũng gợi nhớ tới sự kiện Trung Quốc đâm chìm tàu cá 90152 của ngư dân Đà Nẵng (5/2014).

Đối với Philippines, Trung Quốc ngang nghiên chiếm giữ bãi cạn Scarborough, thường xuyên đe dọa dùng vũ lực, tấn công tàu cá của nước này. Việc làm này đã chạm vào tình cảm dân tộc của Philippines cũng như sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế. Các học giả, chuyên gia, giới chính trị các nước đã lên tiếng phản đối và tố cáo hoạt động của Trung Quốc, yêu cầu nước này nghiêm túc thực hiện phán quyết.

Trước sự kiện trên, Mỹ cũng kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của PCA, tránh “những hành động gây hấn”. Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về việc đưa ra tuyên bố thúc giục Trung Quốc tôn trọng kết quả vụ kiện, trong đó Đức, Pháp đang dẫn đầu nỗ lực này. Đại sứ lưu động của Singapore Bilahari Kausikan nhận định: “Trung Quốc không có quyền lựa chọn luật lệ để tuân thủ và càng không thể chỉ tuân thủ những luật lệ có lợi cho mình”.

Có thể nói, sự kiện Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông của Philippines, đã khiến việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bước sang trang mới với những tín hiệu tích cực. Vụ kiện cũng cho thấy, một nước nhỏ hơn hoàn toàn có thể dành lợi thế và chiến thắng trước các nước lớn nếu như nắm lẽ phải, chính nghĩa trong tay. Ngọn cờ chính nghĩa và pháp luật quốc tế sẽ là nguồn cổ vũ, soi đường để các nước nhỏ chiến thắng các mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Đúng như TS. Trần Công Trục đã từng chia sẻ: “Tin vào chính nghĩa, tin vào luật pháp quốc tế, hiểu chính nghĩa và hiểu luật pháp quốc tế mới cho ta sức mạnh để kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam".

Hải Việt
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất