(TG)-Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng Ba năm 2014.
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng
3/2014, để bảo đảm chất lượng và tiến độ trình các dự án luật, pháp
lệnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo công
tác nghiên cứu, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh được phân công
thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, kể cả các dự án
thuộc Chương trình cả nhiệm kỳ, bao gồm chương trình chính thức và
chương trình chuẩn bị.
Trước hết, tập trung vào các dự án luật, pháp lệnh phục vụ cho việc
triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhất là các dự án luật về tổ
chức bộ máy, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp phải cải tiến, nâng cao hơn chất lượng
thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là các dự án luật, pháp
lệnh; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường việc theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình
xây dựng luật, pháp lệnh (bao gồm chương trình hàng năm, Chương trình cả
nhiệm kỳ, trong đó có chương trình chuẩn bị); phát hiện kịp thời những
hạn chế, bất cập, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương
trình, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp khắc
phục, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình các dự án luật, pháp lệnh.
Để tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, ban hành văn bản
quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong năm 2014, Chính phủ yêu
cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải thực hiện nghiên
túc các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra
về đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành, khắc
phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành
luật, pháp lệnh.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp
chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm các đơn
vị, cá nhân thuộc bộ, ngành mình trong xây dựng, ban hành văn bản quy
định chi tiết.
Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ưu tiên tập trung thẩm định, thẩm tra,
hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban
hành các văn bản quy định chi tiết hình luật, pháp lệnh, bảo đảm tiến độ
và chất lượng văn bản.
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tư pháp
về mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn xây dựng
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Đổi mới cơ bản, toàn diện quy
trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là việc
phân tích, đánh giá chính sách, đánh giá tác động, tạo sự chuyển biến rõ
rệt về chất lượng và bảo đảm tính kịp thời trong ban hành văn bản quy
phạm pháp luật; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm liên tục của Chính
phủ trong quy trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông
qua dự án luật, pháp lệnh;
Chính phủ nhất trí tiếp tục thu gọn các hình thức văn bản quy phạm pháp
luật theo hướng một chủ thể có thẩm quyền ban hành chỉ ban hành một loại
văn bản quy phạm pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa ban hành pháp luật và
thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng
chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm được xây dựng theo hướng
bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong công tác lập pháp, phù hợp với thực
tiễn quản lý điều hành. Mặt khác, phân biệt rõ thẩm quyền lập pháp, lập
quy. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế ủy quyền lập pháp, ủy quyền lập quy.
Hạn chế việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa
phương; không giao cho chính quyền cấp huyện và cấp xã ban hành văn bản
quy phạm pháp luật. Ngoài ra, tiếp tục mở rộng và phát huy dân chủ, tăng
cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản quy
phạm pháp luật; gắn công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp
luật với công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội./.
Theo Nghị quyết số 22/NQ-CP