Thứ Hai, 24/3/2014 21:52'(GMT+7)
"Dệt may cần nâng kim ngạch xuất khẩu lên 25 tỷ USD"
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết ngành dệt may cần tiếp tục đẩy
mạnh xây dựng thương hiệu của hàng Việt Nam, nâng kim ngạch xuất khẩu
lên 25 tỷ USD trong thời gian gần nhất.
Trong buổi tiếp 50 doanh nghiệp dệt may, đại diện cho hơn 60.000 doanh
nghiệp dệt may trong cả nước về dự Lễ trao giải thưởng doanh nghiệp tiêu
biểu (do Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức) ngày 24/3
tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những nỗ lực
của ngành dệt may, góp phần tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tạo việc
làm.
Chủ tịch nước cho rằng thời gian qua, Nhà nước đang nỗ lực mở rộng thị
trường, tham gia đàm phán tại các diễn đàn về TPP, Hàn Quốc,
Nga-Belarus-Kazakhstan... Khi mở rộng thị trường, một số ngành kinh tế
nội địa chịu thiệt trước mắt vì cạnh tranh, nhưng một số ngành cũng sẽ
đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh. Ngành dệt may cần nghiên cứu kỹ về
cơ chế chính sách, tìm lợi thế cạnh tranh để khai thác hết dư địa sẵn
có.
Dành thời gian giải đáp kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch nước đề
nghị ngành dệt may cần nâng chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là đội
ngũ chuyên gia thiết kế; chú trọng công nghiệp phụ trợ, gia tăng tỷ lệ
nội địa, chủ động cung ứng nguyên liệu đầu vào.
Về tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2013, Chủ tịch Hiệp hội Dệt
may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết trong bối cảnh sức mua của các thị
trường ngoài nước giảm, năm 2013 ngành dệt may đã xuất khẩu được hơn 20
tỷ USD (đạt mức tăng trưởng 18,5%), tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao
động trực tiếp và 2,7 triệu lao động gián tiếp ở các doanh nghiệp. Nhiều
doanh nghiệp dệt may được bố trí, quy hoạch ở vùng sâu vùng xa, góp
phần giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số.
Tại các doanh nghiệp May Việt Tiến, Dệt kim Đông Xuân, May 10... hoạt
động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết kế mẫu mã được chú trọng.
Việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu được các đơn
vị tích cực đẩy mạnh. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung,
điều chỉnh quy hoạch ngành dệt may giai đoạn 2015-2025 và định hướng
đến năm 2035 cho phù hợp với tình hình và điều kiện mới khi Việt Nam gia
nhập các hiệp định TPP, FTA; hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho nhân
công; ngăn chặn hàng lậu, hàng kém chất lượng làm giả thương hiệu Việt
Nam, thâm nhập thị trường nội đia./.
Theo TTXVN