Theo Nghị quyết 118/NQ-CP, tại phiên họp Chính phủ
chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024, Chính phủ đã cho ý kiến đối
với: Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; Đề nghị xây dựng Luật
Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Dự án
Luật Điện lực (sửa đổi).
Về Đề nghị xây dựng Luật
Tình trạng khẩn cấp, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì,
phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật, trình
Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật. Thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm thể
chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; quy định của Hiến pháp về
quyền con người, quyền công dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất,
đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự, phòng ngừa ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai; khắc phục những bất cập từ thực tiễn
phòng, chống COVID-19 thời gian vừa qua, đồng thời luật hóa các quy định
hiện hành về tình trạng khẩn cấp.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp
thu tối đa ý kiến các bộ, ngành, ý kiến của các thành viên Chính phủ;
rà soát các luật có liên quan, bảo đảm khả thi, không chồng chéo, trùng
lắp; hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật…
Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn
phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị
xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật gửi Bộ Tư pháp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng
Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ
sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua
tại Kỳ họp thứ 10).
Để hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tổng kết, rà soát, đánh giá để bảo
đảm nội dung dự án Luật có tính khả thi, xử lý triệt để những khó khăn,
vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về việc làm, bảo
đảm sự thống nhất, đồng bộ với pháp luật trong các lĩnh vực liên quan.
Đặc biệt, cần bám sát các chủ trương, định hướng, chiến lược của Đảng và
Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực một cách linh hoạt, hiện đại, đáp
ứng yêu cầu, xu hướng phát triển trong nước và thế giới, nhất là trên
môi trường mạng, công nghệ cao, thích ứng với tốc độ già hóa dân số của
Việt Nam.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tổ chức hiệu quả hoạt động
tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, doanh
nghiệp, cơ quan, tổ chức ở cơ sở; đồng thời triển khai hoạt động truyền
thông một cách phù hợp đối với các chính sách, nội dung mới, tác động
tới số đông người lao động, doanh nghiệp... nhằm bảo đảm tính khả thi
của dự án Luật và tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, tổ chức, cơ
quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với
các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các
thành viên Chính phủ để quy định cho phù hợp, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp
lý, tính khả thi của các quy định về đăng ký và quản lý lao động; hỗ
trợ, tạo việc làm bền vững, thỏa đáng cho lao động không có quan hệ lao
động; chính sách cho vay ưu đãi gắn với điều kiện, quy trình, thủ
tục...; mở rộng đối tượng hỗ trợ vay vốn, đối tượng tham gia bảo hiểm
thất nghiệp...; mô hình Quỹ quốc gia về việc làm; quy định giới hạn thời
gian làm việc của học sinh, sinh viên...
Về Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Chính phủ
thống nhất đổi tên Luật là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo,
giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan
liên quan tập trung hoàn thiện các chính sách tại Đề nghị xây dựng Luật.
Trong đó, nghiên cứu, đánh giá kỹ việc thi hành Luật Khoa học và Công
nghệ năm 2013, xác định rõ các quy định còn phù hợp để kế thừa; các quy
định không còn phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước và phát
triển hoạt động này trong điều kiện hiện nay; nghiên cứu, tham khảo có
chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với đặc điểm về chính trị
và điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững,
tính khả thi của các chính sách mới.
Nội dung của Đề nghị xây dựng Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ
trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan
Trung ương và chính quyền địa phương về thẩm quyền cấp phép, công tác
thanh tra, kiểm tra, giám sát... gắn với bảo đảm phân bổ nguồn lực, năng
lực thực thi pháp luật cho các địa phương, cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ phiền hà, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”,
giảm bớt chi phí tuân thủ; nghiêm túc đánh giá tác động về thủ tục hành
chính theo quy định, đồng thời có phương án giao trách nhiệm cụ thể cho
các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, nhằm bảo đảm tính khả thi
khi áp dụng trên thực tế và phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu
cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định của
pháp luật có liên quan, đặc biệt là quy định của pháp luật về ngân sách
nhà nước, pháp luật về thuế, về quản lý và sử dụng tài sản công, về quản
lý và sử dụng các Quỹ về khoa học công nghệ, từ đó đề xuất cơ chế đặc
thù, khơi thông về phương thức huy động, quản lý, thu hút nguồn lực
ngoài ngân sách nhà nước; về cơ chế chấp nhận đầu tư rủi ro, xử lý trách
nhiệm rủi ro; về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nghiên
cứu khoa học; về cơ chế hợp tác công tư trong nghiên cứu, thực hiện
nhiệm vụ khoa học công nghệ... khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện
nay, thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trường hợp có quy định đặc thù cho phát triển khoa học, công nghệ và
đổi mới sáng tạo mà khác với quy định của pháp luật liên quan thì phải
chỉ rõ đó là những quy định nào và đề xuất phương án xử lý tại Luật này
hoặc tại các luật có liên quan.
Đồng thời, rà soát chính sách về phát triển nhân lực khoa học, công
nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân
lực, nhân lực chất lượng cao, cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
trong nghiên cứu khoa học…
Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất nội
dung dự thảo Luật; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ
quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ
và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Trong đó Bộ Công Thương lưu ý thể chế hóa đầy đủ các chủ trương,
đường lối của Đảng về phát triển điện lực, xây dựng thị trường điện cạnh
tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh cung cấp điện, an ninh quốc
gia, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ
nhân dân; khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực
tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004; phù hợp với các Điều ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm hình thành khung pháp lý đầy đủ, minh
bạch, cụ thể để điều chỉnh hoạt động điện lực, yêu cầu phát triển điện
lực hiện nay…/.
TTXVN