Chiều 12/8, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Việt Nam (BĐBP) và Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc đã Hội đàm về
kết quả phối hợp thực hiện “Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt
Nam và Bộ Công an Trung Quốc về thiết lập cơ chế phối hợp thực thi pháp
luật ba cấp trong kiểm soát biên phòng khu vực cửa khẩu và quản lý biên
giới đất liền”.
Trung tướng Lê Đức
Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP Việt Nam và Phó Cục trường Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc Lý Tuấn
Kiệt đồng chủ
trì Hội đàm.
Tại Hội đàm, Trung tướng Lê Đức Thái nhấn mạnh, thực hiện
nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của đồng chí cố
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022 và chuyến thăm Việt Nam của
đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quôc tháng
12/2023, thời gian qua, quan hệ hai nước tiếp tục duy trì đà phát triển
ổn định, lòng tin chiến lược được củng cố, tăng cường, hợp tác về quốc
phòng, an ninh tiếp tục được thúc đẩy và triển khai hiệu quả, đạt được
nhiều kết quả nổi bật và có bước phát triển mới, khẳng định là trụ cột
quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, góp phận thúc đẩy mạnh mẽ và làm
sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -
Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, quan hệ gắn bó, hợp tác hiệu quả giữa Bộ Tư lệnh
BĐBP Việt Nam và Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc trong phối hợp
thực hiện “Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Công an
Trung Quốc về thiết lập cơ chế phối hợp thực thi pháp luật ba cấp trong
kiểm soát biên phòng khu vực cửa khẩu và quản lý biên giới đất liền”
luôn là điểm sáng trong lĩnh vực hợp tác về quốc phòng, an ninh hai
nước.
Tại Hội đàm, hai bên cùng thống nhất đánh giá về những kết quả
nổi bật từ tháng 12/2023 đến nay. Đó là, cơ chế phối hợp thực thi pháp
luật ba cấp trong kiểm soát Biên phòng khu vực cửa khẩu và quản lý biên
giới đất liền được hai bên phối hợp vận hành thông suốt; chủ động, linh
hoạt duy trì hiệu quả mối quan hệ hợp tác thông qua các hình thức như tổ
chức gặp gỡ trên biên giới, hội đàm, liên lạc đường dây điện thoại
nóng...
Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị hai bên duy trì giao lưu, gặp gỡ,
hội đàm định kỳ, đột xuất trên biên giới 286 lần với 1.682 lượt cán bộ;
trao đổi trên 1.660 công thư.
Hai bên đã chủ động, tích cực phối hợp đấu tranh phòng, chống tội
phạm và các hoạt động vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới, cửa khẩu
như: Buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, ma túy, mua
bán người, mua bán, vận chuyên trái phép vũ khí, vật liệu nổ, xuất nhập
cảnh trái phép...
Hoạt động tuần tra liên hợp thực thi pháp luật trên biên giới giữa
các đơn vị ngày càng đi vào nền nếp với hình thức, nội dung phong phú,
như: Phối hợp tuần tra, tuyên truyền pháp luật song ngữ, phát tờ rơi
tuyên truyền...; các hoạt động trên đã góp phân tích cực duy trì an
ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, cửa khẩu cũng như nâng
cao nhận thức của nhân dân hai bên biên giới.
Công tác phối hợp giữa hai bên trong quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất
nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu (lối mở) cũng đạt nhiều kết
quả tích cực; hai bên đã phối hợp tham mưu, đề xuất thúc đẩy, mở, nâng
cấp, tạo thuận lợi và nâng cao hiệu suất thông quan, tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc, ách tắc phương tiện, hàng hóa tại các cửa khẩu, đảm bảo các
cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc hoạt động hiệu quả.
Quán triệt, thực hiện hiệu quả Biên bản Hội đàm giữa hai bên ký ngày
4/12/2023 nên từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều hoạt động giao lưu công tác
chính trị giữa các đơn vị hai bên được triển khai. Mô hình “Kết nghĩa
Đồn - Trạm (Chi đội) hữu nghị, chung tay xây dựng biên giới bình yên”;
“Sứ giả hữu nghị” tiếp tục được hai bên duy trì và nhân rộng; qua đó
càng thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa hai lực
lượng. Bên cạnh đó, hai bên đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyên
địa phương tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; qua đó, tăng
cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa
chính quyền và nhân dân hai bên biên giới.
Cũng tại Hội đàm, hai bên cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác
phối hợp vẫn còn có một số nội dung hạn chế cần quan tâm như: Công tác
phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hai bên biên giới về 3 văn
kiện pháp lý về biên giới và các thỏa thuận liên quan có lúc còn hạn
chế, dẫn đến còn xảy ra hoạt động vi phạm về Quy chế quản lý biên giới.
Tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép của công dân hai bên còn xảy ra. Từ
đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực
lượng chức năng Trung Quốc xử lý tổng số 518 vụ với 4436 người xuất nhập
cảnh trái phép. Cụ thể, nhập cảnh 200 vụ với 746 người; xuất cảnh 15 vụ
với 36 người; trục xuất 45 vụ với 141 người; Trung Quốc trao trả cho
Việt Nam tiếp nhận 214 vụ với 3.371 người; Việt Nam trao trả cho Trung
Quốc tiếp nhận 44 vụ với 142 người. Ngoài ra, việc xác minh thông tin
công dân xuất, nhập cảnh trái phép có lúc chưa kịp thời do thiếu thông
tin của đối tượng hoặc do các đối tượng ở các tỉnh nội địa gây khó khăn
cho công tác xác minh.
Đề ra phương hướng trong thời gian tới, Trung tướng Lê Đức Thái đề nghị: Tiếp tục phối hợp triển khai thực
hiện hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Công
an Trung Quốc về việc thiết lập cơ chế phối hợp thực thi pháp luật ba
cấp trong kiểm soát Biên phòng khu vực cửa khẩu và quản lý biên giới đất
liền cũng như Biên bản Hội đàm công tác giữa hai bên ký ngày 4/12/2023
tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên
quan đến công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt
tội phạm xuyên biên giới, tội phạm công nghệ cao, khủng bố, phần tử ly
khai, chống chính quyền, tội phạm về ma túy ở khu vực biên giới.
“Hai bên cùng nghiên cứu, tiến tới thiết lập đường dây liên lạc nóng
trực tiếp giữa cơ quan đấu tranh phòng, chống tội phạm cấp Bộ Tư lệnh,
cấp Cục của hai bên. Về việc này, chúng tôi đã giao cho đồng chí Cục
trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Việt Nam là cơ quan
thường trực nghiên cứu, tham mưu đề xuất; về nội dung, phương thức triển
khai thực hiện hai bên sẽ trao đổi, thống nhất qua cơ quan đối ngoại;
mong nhận được sự ủng hộ của Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc”,
Trung tướng Lê Đức Thái đề nghị.
Tăng cường thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng
cửa khẩu thông minh tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất
nhập cảnh, xuất nhập khẩu...
Duy trì và mở rộng hơn nữa giao lưu công tác chính trị ở các cấp,
nhất là cấp cao. Theo đó, nhận lời mời của Cục Quản lý Di dân Quốc gia
Trung Quốc, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam sẽ cử Đoàn đại biểu gồm 10 thành
viên do Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy BĐBP Việt Nam làm
Trưởng đoàn sang tham dự chương trình Giao lưu công tác chính trị giữa
Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc và Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam tổ
chức tại tỉnh Quảng Tây và thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) dự kiến từ
ngày 23 - 26/9/2024.
Trước đó, từ ngày 8/9 đến 12/9/2024, Bộ Tư lệnh
BĐBP cũng sẽ cử Đoàn đại biểu do một đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP
làm Trưởng đoàn sang tham dự Diễn đàn về Quản lý Di dân thuộc Diễn đàn
hợp tác An ninh công cộng toàn cầu và Hội nghị về chính sách Quản lý Di
dân ASEAN và Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc lần thứ 2 tại thành phố Tô
Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).
Duy trì và nhân rộng mô hình “Sứ giả hữu nghị”, kết nghĩa Đồn - Trạm
(Chi đội), kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; đồng thời hai bên
triển khai cơ chế giao lưu sĩ quan trẻ (cán bộ trẻ) giữa lực lượng Biên
phòng - Di dân hai nước theo hình thức luân phiên.
“Đây là những chương trình, hoạt động rất thiết thực, góp phần củng
cố, vun đắp và lan tỏa quan hệ hữu nghị giữa lực lượng Biên phòng Việt
Nam và Di dân Trung Quốc nói riêng và nhân dân hai bên biên giới nói
chung”, Trung tướng Lê Đức Thái khẳng định./.
TTXVN