Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 1/9/2009 21:26'(GMT+7)

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2009: Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển KT-XH


Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao

Các thành viên Chính phủ nhất trí nhận định, với sự nỗ lực lớn của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, sản xuất kinh doanh trong cả nước tiếp tục đạt những kết quả tích cực.

Tháng 8/2009, kinh tế tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng cao hơn so với tháng trước: sản xuất công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, đạt mức tăng cao như: Đà Nẵng tăng 17,6%, Hà Nội tăng 16,8%, Thanh Hóa tăng 15,4%, TP. Hồ Chí Minh tăng 11,4%...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng qua tăng 18,4%, xuất khẩu đạt 37,3 tỷ USD, nhập siêu 5,1 tỷ USD bằng 13,7% kim ngạch xuất khẩu. So với tháng 7/2009, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,24%. So với tháng 12/2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 3,47%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng, đạt khoảng 42,5% GDP, trong đó vốn FDI thực hiện 8 tháng đầu năm đạt 6,5 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu phục hồi với giao dịch sôi động hơn: Chỉ số VN – Index từ mức 235 điểm vào quý I đã tăng dần lên và hiện đang dao động trên mức 500 điểm.

Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, khắc phục khó khăn do suy giảm kinh tế, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và các hoạt động xã hội khác được cải thiện một bước.

Phấn đấu vượt kế hoạch đề ra

Các thành viên Chính phủ cho rằng, mặc dù suy thoái kinh tế thế giới đã có dấu hiệu chững lại ở một số nước nhưng nhìn chung còn diễn biến phức tạp và tiếp tục tác động đến tất cả các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển, kém phát triển. Đà hồi phục của các nền kinh tế thế giới không ổn định và còn rất nhiều khó khăn. Những vấn đề cốt lõi của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế chậm được khắc phục, thương mại toàn cầu vẫn bị thu hẹp.

Đối với kinh tế - xã hội trong nước, theo các thành viên Chính phủ, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng thấp, nhất là những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của suy thoái kinh tế thế giới.

Xuất khẩu giảm nhiều so với năm 2008 do thị trường bị thu hẹp và tác động giảm giá, ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế; tiềm ẩn nguy cơ lạm phát do tiền tệ, tín dụng tăng trưởng cao, tăng chi tiêu của nhà nước, xu hướng phục hồi kinh tế và tăng giá thế giới. Đồng thời do tác động  của suy giảm kinh tế nên tỷ lệ thất nghiệp, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động không đạt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, với xu thế tăng trưởng từ đầu năm đến nay, các thành viên Chính phủ tin rằng với sự thống nhất, quyết tâm cao trong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách đã ban hành, cả năm 2009 GDP có thể tăng khoảng 5 – 5,2%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh đã được Quốc hội thông qua.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ cho rằng, để đạt và vượt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra cần quyết liệt thực hiện có hiệu quả các giải pháp kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. “Các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp chỉ đạo điều hành cơ bản phù hợp, do vậy các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Đối với sản xuất công nghiệp, xây dựng, phải rà soát để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Về sản xuất nông nghiệp, cần chỉ đạo sát sao, bảo đảm đủ nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu, không để dịch bệnh lây lan, cung cấp đủ giống có chất lượng cao, đẩy mạnh việc cho nông dân vay vốn ưu đãi để trang bị máy nông nghiệp, vật liệu làm nhà, mua trả góp một số hàng tiêu dùng.

Thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực ít bị tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều chỉnh linh hoạt tỷ giá ngoại tệ theo tín hiệu thị trường, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô. Nỗ lực khai thác và phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường nông thôn; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng đầu tư, nhất là đối với các công trình, dự án quy mô lớn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và những dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông thôn. “Song song với việc đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, cần phải tăng cường kiểm soát, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giãn, miễn, giảm thuế; điều hành linh hoạt  chính sách thuế theo hướng tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tiết kiệm chi NSNN, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, nhất là hội họp, đi nước ngoài, lễ hội, mua sắm…Các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp tăng thu, chống thất thu, kiên quyết thu hồi nợ đọng.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện các biện pháp điều hành các chính sách tiền tệ, tín dụng  một cách chủ động, linh hoạt để ổn định tiền tệ, kiểm soát tăng trưởng tiền tệ ở mức hợp lý, ngăn ngừa lạm phát.

Đồng thời tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm mới, đào tạo lại số lao động bị mất việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, lao động xuất khẩu về nước trước thời hạn…Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như dịch cúm A (H1N1).

Về công tác chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tổ chức thực hiện các biện pháp đề ra một cách hiệu quả nhất; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo. Theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để xây dựng phương án, giải pháp ứng phó thích hợp.

Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết tốt công tác khiếu nại tố cáo, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền sâu rộng việc áp dụng các chính sách mới của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để mọi người hiểu rõ và có cơ hội tiếp cận các chính sách này; bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác đúng theo chính sách của Đảng, Nhà nước tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân.

Tại phiên họp Chính phủ, các thành viên Chính phủ cũng xem xét, đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn trình; dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ – CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình; báo cáo định hướng Quy hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam đến năm 2030, báo cáo đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ; báo cáo kết quả thẩm định Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Quy hoạch phát triển hệ thống sân golf Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình. Các thành viên Chính phủ cũng đóng góp ý kiến cho một số dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định./.  

(Cổng TTĐTCP)                                

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất